Sau phiên bán tháo đầu tuần, nhà đầu tư chứng khoán tiếp tục trải qua nhiều cung bậc cảm xúc hơn trong phiên 25/10 khi sự giằng co mạnh mẽ của bên mua và bên bán dẫn đến sự đảo chiều trong biên độ lớn.
VN-Index sau nhịp giằng co mở cửa đã lao dốc nhanh do sự bán tháo ở những mã ngành lớn như VHM, VND, VIC. Chỉ số sau đó có hồi phục nhanh về cuối phiên sáng và thậm chí lấy được sắc xanh khi nhóm ngân hàng bứt phá.
Đà đi lên nối tiếp ngay khi mở cửa phiên chiều để giúp VN-Index chiếm lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, duy trì trên mức này trong gần 2 tiếng sau đó. Nhưng rồi VN-Index lại đảo chiều rất nhanh xuống sắc đỏ về cuối ngày và một lần nữa được kéo vọt lên sắc xanh trong phiên ATC.
Kết phiên, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng ngược 11,55 điểm (1,17%) lên 997,7 điểm, tạo điều kiện để tiếp tục thử thách lại 1.000 điểm.
HNX-Index cũng có nhiều diễn biến tương đồng nhưng chưa kịp lấy lại sắc xanh trong phiên ATC nên vẫn còn giảm nhẹ 1,48 điểm (-0,71%) về 208,02 điểm. UPCoM-Index giảm 0,26% xuống 76,25 điểm.
VN-Index đảo chiều liên tục với biên độ rộng trong phiên 25/10. Đồ thị: TradingView. |
Thị trường có sự phân hóa rất đậm nét khi có những ngành tăng kịch trần và lại có những nhóm giảm hết biên độ. Động lực quan trọng nhất trong phiên hôm nay đến từ sắc "xanh tím" của nhóm ngân hàng.
Nhiều cái tên đã có thời điểm leo lên giá trần có thể kể đến như CTG, BID, LPB, MBB, STB, ACB, EIB... trước khi thu hẹp dần. Mã đầu ngành VCB của Vietcombank dù tăng 2,8% nhưng vốn hóa cao nhất nên vẫn tạo ra tác động tốt nhất lên thị trường.
Các cổ phiếu trụ khác tham gia tích cực vào đà đi lên là nhóm tiêu dùng và bán lẻ với các đại diện SAB của Sabeco tăng 3,8%, VNM của Vinamilk đi lên 2,7%, MSN của Masan có thêm 3% hay MWG của Thế Giới Di Động tiến thêm 2,8%...
Các đại diện đến từ ngành thép cũng tỏa sáng với HSG của Hoa Sen tăng trần, HPG của Hòa Phát bứt phá 4,3% lên 17.100 đồng. Bộ đôi phân bón DCM, DPM trong sắc tím hay cổ phiếu hóa chất DGC, CSV cũng đi lên mạnh mẽ.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt. |
Cũng cần phải lưu ý rằng nhiều cổ phiếu từ mức giảm rất sâu đã kịp hồi phục về cuối ngày cũng là nguyên nhân giúp VN-Index đi lên. Nổi bật nhất là VHM phần lớn thời gian bị bán sàn và là mã có tác động xấu nhất, tuy nhiên VHM lại được kéo lên mức tham chiếu trong phiên ATC trong sự ngỡ ngàng của cổ đông.
Trái ngược với ngân hàng là sự tiêu cực tiếp diễn trong nhóm bất động sản. Các cổ phiếu ngành này vẫn bị bán tháo dữ dội với nhiều mã giảm sàn liên tiếp như DXG, HDC, DIG, CEO hay các mã khu công nghiệp có KBC, VGC giảm hết biên độ cho phép.
Cổ phiếu ngành thủy sản chìm trong biển lửa với mức giảm phổ biến 2-5%. Cổ phiếu ngành điện như PGV, GEG, BCG, ASM có thời điểm giảm sàn. Nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ còn rớt mạnh hơn tại nhiều nhóm như Apec, Louis, DNP... và nhiều mã đơn lẻ khác.
Sự phân hóa có thể nhìn rõ hơn về mặt độ rộng thị trường. Toàn sàn có tất cả 364 mã tăng giá nhưng lại có đến 547 mã giảm giá (trong đó bao gồm 98 mã giảm sàn).
Mặc dù tốc độ mua bán giằng co mạnh mẽ nhưng giá trị giao dịch lại không có nhiều đột biến với tổng trên các sàn đạt 14.119 tỷ đồng, cao hơn 3% so với phiên đầu tuần. Trong đó giao dịch tại sàn HoSE chiếm phần lớn với hơn 12.600 tỷ đồng.
Cổ phiếu được giao dịch lớn nhất là VND của Chứng khoán VNDirect. Mã này bị chất bán sàn khối lượng lớn trong phiên sáng, sau đó được giải cứu và lại bị bán sàn về cuối ngày. Tổng khối lượng gần 65,5 triệu cổ phiếu (hơn 5% vốn công ty), trong đó phần lớn gần 45 triệu đã khớp lệnh tại giá sàn 11.450 đồng.
Thị trường còn ghi nhận sự tiêu cực đến từ nhóm nhà đầu tư tổ chức là tự doanh chứng khoán. Khối này bán ròng thêm 78 tỷ đồng trên HoSE và đã là ngày thứ 13 liên tiếp thực hiện bán ròng. Trong khi giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng không khá khẩm hơn khi cũng bán ròng 89 tỷ đồng trên sàn HoSE.