Trong phiên giao dịch ngày 24/10, thị trường chứng khoán trong nước lần đầu tiên thủng mốc 1.000 điểm kể từ thời điểm cuối năm 2020. Áp lực bán tháo lan tỏa mạnh mẽ khiến hơn 800 cổ phiếu giảm sâu, thậm chí tới 263 mã nằm sàn, trải dài đủ nhóm ngành từ ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bán lẻ…
Cung vượt trội cầu. Song việc thanh khoản thị trường chỉ loanh quanh ngưỡng 13.700 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cuối tuần trước, cho thấy dòng tiền bắt đáy vẫn tỏ ra tương đối thận trọng.
Phiên hôm qua cũng ghi nhận giao dịch bán ròng thứ 12 liên tiếp của nhóm tổ chức tự doanh với giá trị hơn 212 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại chỉ mua ròng khoảng 72 tỷ đồng trên HoSE.
Tâm lý hoảng loạn bao trùm
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng việc VN-Index tuột khỏi mốc 1.000 điểm đã kích hoạt tâm lý bán tháo của nhà đầu tư bất chấp việc thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục những phiên gần đây cũng như sự tích cực về bức tranh vĩ mô.
Tuy nhiên, mốc 1.000 điểm không còn là yếu tố quan trọng. Trên thực tế, diễn biến thị trường hiện nay không phụ thuộc vào yếu tố cơ bản hay định giá do P/E đang rất thấp.
“Mốc 1.000 điểm chỉ là giọt nước tràn ly khi thị trường xảy ra hiện tượng bán tháo diện rộng. Điều này cho thấy tâm lý hoảng loạn đang bị dâng trào”, chuyên gia từ Yuanta nhận định.
VN-Index tụt về giai đoạn cuối năm 2020. Ảnh: TradingView. |
Ở góc độ khác, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - lưu ý từ hôm qua, thị trường đã xuất hiện thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá và lãi suất điều hành. Đến hôm nay thì những thông tin này chính thức được xác nhận.
Bên cạnh đó, những tin đồn tiêu cực liên quan đến doanh nghiệp lớn cũng khiến thị trường rục rịch sụt giảm từ cuối tuần trước. Hai luồng thông tin này khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang, lo sợ, thậm chí hoảng loạn và dẫn đến động thái bán tống, bán tháo.
Mốc 1.000 điểm vốn là ngưỡng tâm lý vững chắc thời gian qua. Do đó, một số nhà đầu tư giao dịch theo phân tích kỹ thuật chọn phương bán ra khi mốc này bị xuyên thủng.
Chỉ cần 2 phiên bán tháo là dẫn đến hiệu ứng force sell, tạo phản ứng dây chuyền domino và khiến chỉ số giảm càng thêm giảm
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam
Tâm thế này cũng diễn ra tương tự với nhà đầu tư cơ bản. Mặt khác, bên mua tỏ ra hờ hững khi tin rằng thị trường sẽ còn tiếp tục điều chỉnh.
Làn sóng bán tháo lần này, ông Thế Minh tin rằng thiệt hại thuộc về những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Đây là nhóm chưa có kinh nghiệm xử lý mỗi khi thị trường lao dốc. Mặt khác, những cá nhân sẵn kinh nghiệm có xu hướng sớm thoát khỏi vị thế và tập trung bảo vệ tài sản.
Song, giới đầu tư nắm giữ tài sản lớn vẫn đang chờ chực tín hiệu đổi chiều. Do vậy, chỉ số thường xuất hiện những cú nhảy hồi vào thời điểm thị trường chiết khấu mạnh.
Trước mắt, chuyên gia từ Yuanta cho rằng áp lực sụt giảm vẫn còn. Vùng hỗ trợ gần nhất có thể là 950 điểm, tuy nhiên khả năng cao vẫn phải hướng về vùng sâu hơn là 900-912 điểm.
Đồng quan điểm, chuyên gia từ KIS Việt Nam cho rằng thị trường còn yếu và dễ dàng bị thông tin bên lề, tin đồn tác động thời gian tới.
Dẫu vậy, xu hướng này có thể sớm chấm dứt vì sẽ tới lúc nhà đầu tư không còn cổ phiếu để bán. Thứ hai nếu tài khoản bị giảm quá sâu, nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng thu xếp tiền để tránh force sell. Do đó, ngưỡng 960-970 điểm có thể là mốc hỗ trợ tiếp theo.
Không nên bán tháo cổ phiếu
“Tôi tin nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu không nên bán nữa. Việc bán tống bán tháo cổ phiếu ở vùng giá này chỉ có lỗ, thậm chí lỗ nặng. Nếu danh mục của nhà đầu tư đều là cổ phiếu tốt, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thuận lợi, quản trị chặt chẽ và nhiều tiềm năng thì nên tiếp tục nắm giữ và bình tĩnh. Đối với những cổ phiếu xấu thì nhà đầu tư có thể cân nhắc tái cơ cấu danh mục”, đại diện KIS Việt Nam tư vấn.
Chia sẻ thêm, ông Hiền Phương cho biết thời điểm hiện tại không ai có thể xác định chắc chắn điểm đáy. Tuy nhiên vùng giá này quá tốt, có những cổ phiếu đã giảm xuống dưới giá trị sổ sách.
Vì vậy, đây là cơ hội nhà đầu tư trung và dài hạn mua theo trường phái tích lũy. Khi các thông tin tiêu cực không còn, chính sách kinh tế dần ổn định, kết quả kinh doanh cho thấy doanh nghiệp đang hồi phục và thích nghi dần với khó khăn thì những nhà đầu tư tích lũy từ bây giờ có thể hưởng lợi nhiều so với nhóm nhà đầu tư chờ xác nhận thị trường hồi phục.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu. Ảnh: V.T. |
Tương tự, ông Thế Minh cho rằng không có gì giảm mãi, kéo dài. Về cơ bản nếu nhà đầu tư dùng tiền tươi ôm cổ phiếu đến bây giờ thì không có lý do gì phải buông bỏ.
Thứ nhất, chiết khấu của cổ phiếu đã tương đối hấp dẫn. Thứ hai, mức lợi suất hàng năm của các cổ phiếu niêm yết tạo ra so với thị giá thị trường đang ở mức xấp xỉ 9%, cao hơn hẳn lợi suất ngân hàng.
Trong khi đó nhà đầu tư đang có margin lớn có thể tìm cách giảm áp lực margin, đưa về mức thấp hay thậm chí bằng 0. Giải pháp an toàn nhất là nộp tiền để giải phóng áp lực margin. Nếu không có điều kiện, nhà đầu tư khả năng cao phải đối mặt tình trạng force sell.
Với nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, đây chưa phải thời điểm thích hợp để giải ngân. Đặc biệt, không nên mạo hiểm bắt đáy để lướt sóng hay tìm kiếm cơ hội may rủi. Thay vào đó nhà đầu tư nên đợi thị trường bước vào vùng cân bằng là 900-912 điểm để quan sát.
“Lý do để chúng ta cân nhắc thời gian giải ngân là cuộc họp của Fed vào ngày 2/11 sắp tới. Cần quan sát xem cơ quan Mỹ có động thái tăng lãi suất hay nhận định ra sao. Ngoài ra độ giãn tác động từ các tin tức xấu như bắt bớ, tin đồn khiến nhà đầu tư còn bất an, chưa sẵn sàng gia nhập thị trường. Quan điểm lúc này của tôi là xác nhận xu hướng tăng của thị trường rõ ràng hơn”, ông Minh lưu ý.