Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bức tranh 'không có màu hồng' của hàng không Việt Nam

3 hãng bay lớn của Việt Nam cùng họp lại để nói câu chuyện thị trường quốc tế bị Thái Lan bỏ xa và đường bay nội địa sôi động nhưng kém hiệu quả.

Chiều 24/2, lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Airlines và Bamboo Airways gặp nhau trong một cuộc hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, du lịch và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước.

Cuộc trao đổi kéo dài 3 giờ đồng hồ với những chia sẻ cho thấy Việt Nam đang bị tụt lại so với các nước trong khu vực trong cuộc đua thị phần khách quốc tế.

"Hãng bay như con chim bị vặt trụi lông"

Ngành hàng không Việt Nam đã kết thúc năm 2022 với sản lượng 54,2 triệu hành khách. Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không, toàn ngành sẽ phục hồi 100% vào cuối năm 2023 với tổng lượng khách xấp xỉ 80 triệu lượt.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA cũng công bố Việt Nam đứng số một trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau dịch Covid-19.

hang khong Viet Nam anh 1

Hội thảo tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức ngày 24/2. Ảnh: Ngọc Tân.

Trước bức tranh khởi sắc nêu trên, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), đưa ra nhận định trái ngược: "Không có màu hồng nào hết".

Ông Nam khẳng định các hãng hàng không Việt Nam đang đứng trước cuộc khủng hoảng, thể hiện qua câu nói mà lãnh đạo Viettravel Airlines từng ghé tai ông: "Qua Covid, chúng tôi như con chim bị vặt trụi lông".

Viettravel Airlines là hãng bay được khai sinh trùng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, cố gắng bước qua thời kỳ khủng hoảng của ngành hàng không trong khi Vinpearl Air và loạt tân binh khác quyết định thoái lui. Hãng bay này hứng chịu thiệt hại kép khi cả 2 mảng kinh doanh chính là du lịch và hàng không đều tê liệt vì dịch bệnh.

Với các ông lớn đã hoạt động từ trước đại dịch, tình hình tài chính cũng có vấn đề. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ số liệu ông nắm được cho thấy trong năm 2022 Vietjet Air lỗ 2.200 tỷ, Bamboo Airways lỗ lũy kế 6.800 tỷ. "Anh cả" Vietnam Airlines lỗ 10.400 tỷ, âm vốn chủ sở hữu và bị HoSE cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu nếu tiếp tục lãi âm.

Ông Cấn Văn Lực chỉ ra 5 nguyên nhân khiến hãng hàng không rơi vào thua lỗ gồm dịch bệnh; rủi ro suy thoái kinh tế; hạ tầng sân bay quá tải; cạnh tranh khốc liệt và chi phí đầu vào tăng cao (trong khi cơ chế điều hành không theo kịp).

"Khả năng phục hồi hàng không đến cuối năm 2023 là mong manh, được khoảng 85%. Từ giữa đến cuối năm 2024 mới đạt 100% được. Khả năng cắt lỗ rất khó", chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra nhận định ngược với dự báo của Cục Hàng không.

Cần khơi thông thị trường khách quốc tế

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, ghi nhận ngành hàng không Việt Nam may mắn vì có thị trường nội địa phát triển, hỗ trợ được cho doanh nghiệp hàng không cả trong giai đoạn dịch bệnh. Ông gọi đó là thời điểm "có khách mà bay là tốt".

Tuy nhiên, sau đại dịch, chuỗi cung ứng của ngành hàng không toàn cầu đứt gãy, chi phí đầu vào tăng cao. Điều đó dẫn đến cả năm 2022 tần suất bay nội địa phát triển mạnh nhưng hiệu quả kinh tế thấp, không bền vững.

hang khong Viet Nam anh 2

Ngành hàng không vượt qua được Covid-19 để bắt đầu khôi phục thì cũng là lúc giá nhiên liệu tăng cao vì chiến sự Ukraine. Ảnh: Ngọc Tân.

Phó tổng giám đốc Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương cũng nêu hiện trạng ngành hàng không đang suy yếu thanh khoản, chi phí vận hành tăng cao trong khi không được khơi thông thị trường. Hoạt động hàng không nội địa phát triển nhưng không hãng nào tuyên bố có lãi.

"Các hãng hàng không quốc tế bắt đầu có lãi nhưng hãng Việt Nam vẫn chìm đắm trong thanh khoản yếu. Thị trường không được khơi thông. Ngân hàng đóng cửa với hàng không, hạn chế cho vay vốn", bà Phương chia sẻ.

Điều kiện "khơi thông thị trường" theo cách nói của lãnh đạo Vietjet được các hãng bay khác đánh giá là quan trọng và cần cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ. Các dẫn chứng cho thấy Việt Nam mở cửa sớm hơn nhưng các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia lại khơi thông thị trường tốt hơn.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định chính sách về thời hạn visa, đầu tư cho xúc tiến du lịch quốc tế và việc kết nối trở lại với Trung Quốc đang là những thứ nước bạn làm tốt hơn Việt Nam.

Điều này cho thấy cơ quan quản lý chưa có sự ưu tiên đúng mức cho thị phần bay quốc tế, trong khi kinh nghiệm trước Covid-19 cho thấy hoạt động bay quốc tế chỉ chiếm 40% lượng khách nhưng mang lại tới 60% doanh thu cho các hãng hàng không.

"Chương trình xúc tiến du lịch tầm quốc gia đến giờ phút này là zero, các doanh nghiệp lữ hành cũng cạn kiệt tiền rồi, không còn sức đi xúc tiến nữa. Vấn đề khôi phục với Trung Quốc, nơi đóng góp 30% tổng thị phần, Chính phủ cũng cần tháo gỡ", ông Thành chia sẻ.

Trước công bố của IATA về việc Việt Nam đứng top 1 thế giới về tốc độ phục hồi hàng không nội địa, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng cần nhìn vào một thống kê khác, cũng của IATA, cho thấy tốc độ phục hồi ngành hàng không của các nước châu Á - Thái Bình Dương đang chậm nhất thế giới.

Theo ước tính của TS Lương Hoài Nam, 70-80% khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam là khách du lịch. Tuy nhiên, nhóm khách này đang gặp nút cản rất lớn do Việt Nam vẫn giữ thời hạn miễn VISA cho khách du lịch quốc tế là 15 ngày, đồng thời chưa mở rộng các nước được miễn VISA.

"Trước dịch Covid-19, khách quốc tế của Việt Nam đạt 18 triệu/năm, Thái Lan là 40 triệu. Năm 2022, Việt Nam đạt 3,6 triệu khách còn Thái Lan là 10,5 triệu. Cứ kiểu làm ăn như hiện nay thì chúng ta sẽ lùi về bằng 1/4 của Thái Lan", ông Nam cảnh báo.

Đánh giá tình hình, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khẳng định hàng không giống như du lịch, là ngành đương đầu với cạnh tranh quốc tế rất mạnh. Ngành này có vai trò liên kết, hội nhập, thúc đẩy du lịch… và xa hơn là một thế lực của quốc gia, do đó cần phải chia sẻ, tháo gỡ cho ngành.

The Great Air Race - John Lancaster kể câu chuyện về những người đã đánh đổi mạng sống của mình để ngày nay chúng ta có thể xách vali lên, bay từ nước này sang nước khác.

Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu với độc giả những cảnh tượng xa lạ với các chuyến bay ngày nay. Máy bay tham gia cuộc đua không có phanh hoặc dù. Các cụm từ mô tả kịch tính như “một màng lửa cuộn phía sau động cơ” xuất hiện trong hàng chục đoạn, xuyên suốt cuốn sách.

Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất năm 2022

Với 12,5% chuyến bay bị chậm, Vietnam Airlines là hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất năm 2022. Xếp sau là Vietjet Air với 11,5%.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm