Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức thư ông gửi cháu trước khi đi xa

Mỗi khi đêm xuống, tôi thường nhớ về thôn nhỏ mùa đông, bởi trong ký ức đó có ông ngoại. Ông ngoại, con nhớ ông.

Ông ngoại thích đọc sách, lúc rảnh rỗi thường cầm một quyển sách, dựa vào chăn trên giường sưởi đọc. Thỉnh thoảng còn châm tẩu thuốc thật dài, đọc đến chỗ tâm đắc, sẽ mỉm cười rít sâu một hơi… Những lúc như thế, tôi thường nằm bò bên cạnh nhìn ông ngoại. Ông ngoại sẽ xoa đầu tôi nói: “Con phải cố học thật giỏi”.

Ngày ấy, tôi vẫn chưa đến trường, nhưng tôi biết ông ngoại thích trẻ con ham học, nên thầm hứa sau này nhất định phải học thật giỏi. Đến khi đi học, tôi phải rời thôn nhỏ, chỉ nghỉ hè hay nghỉ đông mới có thể về thăm ông.

Ngày tháng lên lớp trôi qua rất chậm, chờ mãi mới đến kỳ nghỉ, cơm cũng chẳng muốn ăn, chỉ trông ngóng mẹ đưa về thăm ông. Ông ngoại biết tôi về, đã ra đầu thôn chờ từ sớm.

Xa xa nhìn thấy ông, tôi không ngồi yên trên xe đạp được nữa, vội vã nhảy xuống vừa chạy vừa gọi ông. Ông ngoại từ xa xa gọi tôi, cũng rảo bước nhanh hơn.

Ông ngoại ôm chầm lấy tôi, câu đầu tiên là: “Ngồi xe đạp lâu vậy có mệt không?”

“Không mệt ạ!”, tôi ôm cổ ông ngoại, vui vẻ trả lời.

“Thi thế nào? Xếp thứ mấy?”, tôi biết đây mới là điều ông ngoại quan tâm, cũng là chuyện tôi muốn khoe nhất. Ông ngoại nghe tôi báo cáo, vui vẻ cười, ôm tôi chặt hơn.

Kỳ nghỉ thật sự quá ngắn ngủi. Ngày đi học mỗi lúc một gần, tôi lại chẳng muốn về nhà. Cầm quyển sách ông ngoại hay đọc lên, lật từng trang, cầm chiếc bút ông ngoại hay dùng, viết từng nét. Không biết đang đọc cái gì, cũng chẳng biết đang viết cái gì. Dù sao, chỉ cần cầm chúng trong tay, lòng tôi liền cảm thấy yên ổn.

Những thứ này người khác không dễ được động vào, ông thích sách của ông, ông thích bút của ông, đương nhiên tôi biết, ông cũng thích tôi, con bé con suốt ngày hỏi này hỏi nọ.

Cuối cùng vẫn phải về nhà, ông ngoại cười ha ha ôm tôi, nói: “Cháu ngoan của ông, phải học thật giỏi, ông ngoại thích nhất những đứa trẻ ham học”. Tôi nghe, gật đầu, nhưng lại muốn khóc.

Tinh cam gia dinh anh 1

Ông và cháu. Nguồn: Etsy.

Kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu không lâu, tôi đang cùng mẹ thu xếp việc đồng áng, chuẩn bị mấy ngày nữa về nhà ông ngoại. Đúng lúc ấy bố đột nhiên từ thành phố về đón mẹ, nói ông ngoại bị ốm, bảo mẹ tôi về thăm.

Mẹ cười hỏi: “Ông ngoại vẫn khỏe lắm mà, sao tự nhiên lại ốm?”.

Hồi ấy chưa có điện thoại, tất cả tin tức đều chỉ trông vào con người. Nhìn vẻ bình tĩnh của bố, mẹ cũng không nghĩ nhiều, dặn tôi ở nhà ngoan ngoãn nghe lời ông nội, mẹ đi chăm ông ngoại vài ngày sẽ về đón tôi.

Tôi gật đầu thật mạnh cho mẹ yên tâm, sắp được về nhà ông ngoại rồi, thích quá. Bố lấy xe đạp chở mẹ đi, bóng dáng bố mẹ nhỏ dần, đến tận khi khuất hẳn. Tôi quay lại hỏi ông nội: “Ông ngoại làm sao thế ông, ông ngoại không sao chứ ạ?”.

Ông nội ấp úng, nói chắc là không sao.

“Thật không ạ?” Tôi ngẩng lên hỏi ông.

Ông nội kéo tôi vào nhà, đóng cửa lại, nói: “Tiểu Oánh, ông nói thật với con, con đừng khóc! Vừa rồi vì sợ mẹ con biết sẽ không chịu nổi, trên đường chẳng may lại xảy ra chuyện, không thể đến chỗ ông ngoại con…”. Nghe ông nội nói vậy, tôi sửng sốt, nỗi sợ hãi mãnh liệt ập đến.

“Ông nội…”, tôi gọi một tiếng.

“Ông ngoại con qua đời rồi…”.

Có thứ gì đó trong đầu tôi bỗng nhiên vỡ nát, ông nội vẫn đang nói, tôi xoay người chạy thẳng vào buồng, đóng sập cửa lại, nằm sấp xuống giường khóc nức nở. Tôi không thể tưởng tượng được, vì sao không cho tôi đi cùng, vì sao không cho tôi đến thăm ông ngoại. Tôi chạy ra tìm ông nội: “Vì sao ông không nói con biết? Vì sao không cho con đi, vì sao…”.

“Tiểu Oánh, không phải không cho con đi, tại sợ mẹ con biết sẽ không chịu nổi. Hơn nữa, bố con có mỗi chiếc xe đạp, cũng không chở được cả hai mẹ con đâu…”, ông nội ôm tôi vỗ về.

Tôi lần nữa chạy vào buồng, đóng cửa lại, nằm sấp trên giường khóc. Khóc bao lâu không biết, mệt quá nên thiếp đi. Lúc tỉnh dậy trời đã tối, tôi vẫn khóc. Ông nội ở ngoài cửa nhẹ nhàng gọi tôi. Tôi muốn thưa, nhưng chẳng nói nên lời.

Tôi nằm sấp trên giường, nghĩ ông ngoại nằm trên giường lạnh như băng, nhắm mắt im lặng, miệng không còn cười, hai cánh tay khép lại chẳng ôm tôi được nữa…

“Ông ngoại!”, tôi gào lên một tiếng, tiếp tục khóc. Trong gian phòng nho nhỏ chỉ nghe tiếng khóc của tôi vang vọng.

“Ông ngoại, ông nghe thấy con gọi ông không? Con nhớ ông, ông ngoại…”, ông nội không đành lòng, đẩy cửa vào ôm tôi đi ra, dỗ dành tôi ăn cơm. Tôi không chịu ăn. Tôi chỉ biết chờ mẹ về nhà, chờ mẹ mang tin tức của ông ngoại…

Vài ngày sau mẹ về, cả người trông tiều tụy. Tôi đứng phía sau mẹ, không dám hỏi. Mẹ dọn dẹp đồ đạc xong, ngồi xuống nhìn tôi. Tôi nhìn mẹ, nước mắt hai mẹ con đều chảy dài.

“Ông ngoại viết cho con một lá thư, còn chưa viết xong, kẹp trong cuốn Hồng lâu mộng đấy…”. Mẹ nói rất chậm. Tôi lắng tai nghe, sợ bỏ sót chữ nào. “Ông ngoại viết gì ạ?”, tôi nhẹ nhàng hỏi.

“Ông hỏi Tiểu Oánh sắp được nghỉ rồi, bao giờ đến, kết quả thi cử thế nào, ông nói ông nhớ Tiểu Oánh…”.

Nghe mẹ nói, lòng tôi thắt lại.

“Nhưng ông ngoại con chưa viết xong, mới chỉ viết đoạn đầu…”.

Nước mắt mẹ đang rơi, nhưng mẹ vẫn ngồi yên, không có vẻ định đưa tôi thứ gì.

Tôi vội vàng hỏi: “Mẹ, thư đâu?”.

“Đốt rồi, nhìn thấy mọi người lại đau lòng, đồ đạc của ông ngoại con đều đốt hết rồi…”.

“Mẹ, tại sao không giữ lại…”, tôi bật khóc hu hu.

Mẹ không nói gì nữa.

Ông ngoại ra đi lúc đang ngủ.

Đêm hôm ấy ăn cơm xong, ông nói chuyện với em họ tôi một lát rồi đi ngủ.

Sáng hôm sau, ông ngoại vốn luôn dậy sớm bỗng nhiên không thấy ra khỏi phòng. Mợ gọi ông, không thấy ông trả lời. Mợ gọi cậu tới phá cửa, ông ngoại nằm yên trên giường như đang ngủ. Sờ người ông thấy lạnh toát, chỉ có trước ngực dường như vẫn còn vương chút hơi ấm.

Vô số lần tôi nhớ lại hình ảnh ông ngoại ăn ớt, vô số lần tôi nghĩ tới hình ảnh ông ngoại viết thư cho tôi, vô số lần tôi tưởng tượng cảnh ông ngoại đang ngủ… cũng vô số lần thề với lòng rằng: Phải trở thành cô giáo hoặc bác sĩ.

Đấy là nguyện vọng của ông ngoại, ông vẫn hy vọng trong số con cháu sẽ có đứa làm bác sĩ, cũng có đứa làm giáo viên. Nhiều năm sau, với lý do cá nhân, tôi lỡ duyên với nghề bác sĩ, trở thành giáo viên. Còn em gái tôi làm bác sĩ. Mẹ nhìn chúng tôi, nét mặt vui mừng, lại xen lẫn tiếc nuối, thỉnh thoảng vẫn than thở: “Nếu ông ngoại các con còn sống, chắc sẽ vui lắm".

Mỗi khi đêm xuống, tôi thường nhớ về thôn nhỏ mùa đông, sương mỏng vấn vít. Bởi trong ký ức đó có ông ngoại. Ông ngoại, con nhớ ông!

Trương Oánh / Vilove và NXB Thế giới

SÁCH HAY