Phần chì không nằm trên bề mặt sản phẩm nên không gây hại người dùng. Ảnh: Lumafield. |
Đây là kết luận từ bản chụp CT cốc giữ nhiệt Stanley Quencher, sản phẩm rất được quan tâm trên mạng gần đây. Cụ thể, hình ảnh từ Lumafield, start-up sản xuất máy chụp cắt lớp bằng X, đã chứng minh rằng đúng là cốc Stanley có chứa chì, nhưng lớp chì này đã được ngăn chặn khỏi thân cốc, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm độc cho người dùng.
Bản chụp CT cho thấy một hạt chì (màu đỏ) được hàn ở dưới đáy cốc, nhưng người dùng sẽ không tiếp xúc với phần này nhờ có vỏ bảo vệ bằng thép không gỉ. “Viên chì được ngăn chặn hoàn toàn khỏi phần thân bình nên sẽ không thể nào bị nhiễm độc”, Giám đốc marketing Jon Bruner của Lumafield cho biết.
Trước đó, bình giữ nhiệt của Stanley từng gây tranh cãi khi người dùng phát hiện dương tính với chì. Phản hồi vụ việc, hãng chỉ ra rằng các hạt chỉ này là một phần của quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn công nghiệp.
“Hãy yên tâm rằng không có chì trên bề mặt của bất kỳ sản phẩm nào. Chì cũng không thể gây hại đến người tiêu dùng hay các thành phần khác của sản phẩm”, Stanley viết trên website.
Ảnh chụp CT đáy bình cho thấy hạt chì được ngăn cách an toàn với phần thân bình. Ảnh: Lumafield. |
Nói với tờ Today, phát ngôn viên của Stanley cho viết dưới đáy của mỗi bình nước là một lớp bảo vệ hình tròn làm bằng thép không gỉ, che phủ hoàn toàn hạt chì bên dưới.
Viên chì dùng để bịt kín lớp cách nhiệt chân không của sản phẩm và không thể lộ ra ngoài, trừ khi phần bảo vệ bằng thép bị bung ra. “Chuyện này có thể xảy ra nhưng cực hiếm”, đại diện cho biết.
Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ nhiễm độc duy nhất là khi lớp vỏ bọc chì bị hư hỏng hoặc bị thay đổi khiến hạt chì lộ ra ngoài. Trong trường hợp đó, Stanley khuyến khích người dùng nên ngừng sử dụng sản phẩm và trả lại cho công ty theo chế độ bảo hành trọn đời.
Song, các đối thủ cạnh tranh của Stanley - Hydroflask và Owala - đã phản bác lại tuyên bố của Stanley, nói rằng sản phẩm của họ hoàn toàn không chứa bất kỳ chì nào.
“Có thể những dòng cốc Stanley sau này sẽ không còn chứa chì. Bộ phận kỹ thuật và chuỗi cung ứng của chúng tôi đã tìm ra các vật liệu thay thế, sử dụng trong quy trình niêm phong, đóng gói sản phẩm”, đại diện Stanley khẳng định.
Tranh cãi xoay quanh việc bình giữ nhiệt Stanley có chì bắt nguồn từ loạt bài đăng trên mạng xã hội. Cụ thể, một số khách hàng của Stanley cho biết họ đã thử nghiệm tại nhà để xem có chì trong sản phẩm Stanley hay không. Sau khi biết bình giữ nhiệt dương tính với chì, một số người dùng đã đăng video quay cảnh ném bình vào thùng rác. Kéo theo đó là một vụ kiện tập thể vào tháng 1.
Nói với Today, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết việc sử dụng chì trong sản xuất sẽ tạo ra nguy cơ phơi nhiễm chì cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm dùng trong thực phẩm như đồ uống.
Phát ngôn viên Stanley cho biết đúng là chì được sử dụng trong quá trình sản xuất, nhưng sản phẩm phải hư hỏng thì chì mới lộ ra. Ảnh: Stanley. |
Trên thực tế, chì là một kim loại xuất hiện tự nhiên được tìm thấy rất nhiều trên khắp Trái Đất. Là kim loại rẻ tiền, bền, không rỉ sét, chì từng được sử dụng rộng rãi trong thập kỷ 1900 và có thể tìm thấy trong đồ chơi, xăng dầu, thực phẩm, trang sức, dụng cụ nấu ăn, đồ điện tử, pin, và thậm chí cả mỹ phẩm.
“Mọi người đều nghĩ ngộ độc chì đã là chuyện quá khứ, nhưng chì vẫn ở xung quanh chúng ta, thường là ở một mức độ nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả lớn” Jenna Forsyth, Tiến sĩ chuyên ngành dịch tễ học và khoa học môi trường tại Trường Y thuộc Đại học Stanford, nói với Today.
Nguyên nhân gây ra ngộ độc chì thường là do hít phải bụi hoặc các hạt chì. Nhưng nó cũng có thể xảy ra do chạm vào bề mặt có chì, sau đó chạm vào mũi hoặc miệng, khiến cơ thể vô tình nuốt phải một lượng nhỏ kim loại độc hại.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.