Nhưng vẫn không ít người tin đây là thật. Ảnh: Mimi Ehis Ojo. |
Gần đây, một tấm ảnh chụp “Núi Hollywood” đang được chia sẻ rộng rãi trên Facebook. Bức ảnh xuất hiện một ngọn núi xanh tươi, các khu phức hợp nhà cao tầng, phía sau là thành phố Los Angeles. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là ảnh giả. Chẳng có nơi nào tên là Núi Hollywood.
Ban đầu, hình ảnh này được một người dùng tên Mimi Ehis Ojo đăng lên mạng xã hội của Meta. Người này từng chia sẻ rất nhiều hình ảnh do AI tạo ra khác trên trang cá nhân. Bài đăng hiện nhận được hơn 17.000 lượt thích và 298 lượt chia sẻ.
Mặc dù bất kỳ ai sống ở Nam California đều có thể nhận ra ngay rằng đây là ảnh giả, có vẻ như không ít người vẫn bị lừa và nghĩ rằng đó là hàng thật.
Cây bút chuyên viết về lĩnh vực AI Cooper Lund đã chỉ ra rằng kiểu nhầm lẫn này có thể sẽ dẫn đến thảm họa nếu khách du lịch nước ngoài đến Mỹ, mong muốn được ngắm “kỳ quan thiên nhiên” do trí tuệ nhân tạo tạo ra. “Sắp tới, chúng ta sẽ có những câu chuyện về khách du lịch cảm thấy thất vọng, vì điều duy nhất họ biết về những địa điểm họ ghé thăm là đến từ ảnh giả do AI vẽ nên”, chuyên gia viết.
Bài đăng gây tranh cãi trên Facebook. |
Trước đó, tình cảnh tương tự đã xảy ra vào đầu những năm 2010 khi du khách Trung Quốc đến thăm Paris, Pháp. Họ kỳ vọng Paris sẽ “giống như một phim trường nên thơ, kỳ ảo, làm bối cảnh cho một câu chuyện tình yêu lãng mạn”. Trên thực tế, họ bị sốc trước “tàn thuốc vương vãi, phân chó, sự thờ ơ, thô lỗ của người dân địa phương và màn thể hiện tình cảm vô cớ của người xung quanh”.
Tờ New York Times khi đó gọi đây là "Hội chứng Paris" - một tình trạng mà du khách bị trầm cảm, lo lắng, vỡ mộng, thậm chí là ảo giác khi những hình ảnh màu hồng của rượu champagne, kiến trúc hùng vĩ, thi sĩ và danh họa bị đảo lộn.
Cách diễn đạt này xuất hiện lần đầu tiên cách đây 30 năm bởi bác sĩ tâm thần người Nhật ở Paris, Hiroaki Ota. Nó được gọi tên sau khi một số du khách Nhật Bản đến Paris bị sốc khi văn hóa lịch sự và dè dặt của họ va chạm với tính cách của người dân nước này.
Với trường hợp ảnh Núi Hollywood giả, Gizmodo bày tỏ quan ngại nhiều người có thể có những quan niệm về nước Mỹ trong đầu rất khác so với những gì họ nhìn thấy khi ghé thăm. Trong khi đó, AI tạo sinh có thể biến bất kỳ địa điểm tưởng tượng nào thành hiện thực chỉ với một vài câu lệnh văn bản đơn giản.
Ảnh giả do trí tuệ nhân tạo vẽ ra, trong những năm gần đây, đã trở thành một vấn nạn khiến không ít chuyên gia đau đầu. Cách đây 2 tháng, hình ảnh deepfake khiêu dâm của Taylor Swift đã lan truyền nhanh chóng trên X, thu hút tới 47 triệu lượt xem trước khi bị gỡ xuống, theo The Guardian.
Tỷ phú Elon Musk là một trong những nhân vật thường được làm giả nhiều nhất. Một tấm ảnh chụp CEO Tesla thời thơ ấu đã làm dậy sóng Twitter, nhận được hơn 4,5 triệu lượt xem. Trong tấm ảnh, “Elon Musk” nhí có bộ tóc nâu, vuốt keo bóng bẩy và mặc sơ mi trắng kèm yếm nâu.
Chuyên gia AI Henry Ajder cảnh báo rằng những tấm ảnh giả mạo đang “rút cạn niềm tin của công chúng đối với truyền thông và khó điều hướng sự thật hơn trước”. Ajder lo ngại vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi deepfake khiêu dâm ngày càng tinh vi, không chỉ chỉnh sửa hình ảnh mà còn có thể sao chép âm thanh.
"Tôi lo lắng rằng không gian phát triển rất nhanh của video tổng hợp do AI tạo ra kết hợp với thực tế ảo sẽ dẫn đến nhiều hành vi lạm dụng hơn, đặc biệt đối với phụ nữ".
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.