Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bữa cơm gia đình trong mùa dịch

Thời gian ở nhà, Tuấn Dũng có cả ngày để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Chàng đầu bếp trẻ mang những công thức học được từ nhà hàng về nấu cho bố mẹ thưởng thức trong mùa dịch.

Một ngày của Tuấn Dũng (23 tuổi, Hà Nội) bắt đầu bằng việc thức dậy lúc 10h sáng và chuẩn bị thực đơn cho cả nhà trong một ngày. Chàng trai trẻ sẽ nhòm vào tủ lạnh trước khi xuống siêu thị dưới nhà, để chắc chắn có đủ những nguyên liệu cần thiết cho thực đơn đã chuẩn bị sẵn.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Dũng là đầu bếp làm việc tại một nhà hàng ở Hồ Tây, chuyên phục vụ các món ăn chính là pizza, mì spaghetti.

Kể từ khi có lệnh cách ly toàn xã hội, Dũng nghỉ việc do nhà hàng phải đóng cửa. Chàng trai có nhiều thời gian ở nhà và đã mang những công thức mình từng nấu ở nhà hàng về phục vụ gia đình.

Sống chậm lại, chăm sóc gia đình nhiều hơn

11h trưa hàng ngày, căn bếp của gia đình Dũng vang lên những âm thanh vui tai từ công việc nội trợ. Ngày nghỉ làm đến nay, Dũng được giao nhiệm vụ nấu ăn cho gia đình vào trưa và tối. Vì trước kia chỉ phụ trách những món Âu ở nhà hàng nên khi được giao nhiệm vụ này, Dũng cũng phải tìm tòi, học thêm những món truyền thống khác.

Có nhiều thời gian, nam đầu bếp trẻ hay chế biến các món ăn theo công thức riêng của mình và bày biện, trang trí để mâm cơm trông bắt mắt hơn.

Việc “thất nghiệp tạm thời” do dịch bệnh, theo Dũng là một dịp để bản thân sống chậm lại và được chăm sóc gia đình nhiều hơn. Bởi trước kia, công việc đầu bếp chỉ cho phép cậu phục vụ khách hàng, chứ không có thời gian phục vụ chính gia đình mình.

“Ở nhà tuy bí bách nhưng mình có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình hơn. Trước đây, dù là đầu bếp nhưng mình lại ít nấu ăn ở nhà vì phải đi làm hàng ngày”, Dũng chia sẻ.

Bữa cơm hàng ngày của gia đình Dũng cũng trở nên thịnh soạn hơn khi cả nhà có nhiều thời gian cùng nhau vào bếp. Cậu cũng nhắc mẹ không tích trữ thực phẩm vì ngay dưới tòa nhà đã có siêu thị, có thể mua đồ ăn bất kỳ lúc nào.

Rửa tay thật sạch trước khi bắt đầu chạm vào thực phẩm, đồ dùng nhà bếp được rửa và lau khô cẩn thận sau khi dùng xong - đó là quy trình Dũng làm hàng ngày trong căn bếp gia đình. Chàng đầu bếp hiểu rõ việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến đồ ăn quan trọng như thế nào, đặc biệt vào thời điểm dịch bệnh.

Hơn 2 tuần đã trôi qua kể từ khi Dũng ở nhà theo lệnh cách ly xã hội, mỗi ngày, anh lại cố gắng làm thêm những món ăn mới cho cả gia đình.

Để khuây khỏa hơn trong mùa dịch, cậu ghi lại những công thức nấu ăn đó và chia sẻ cho mọi người trên blog cá nhân - một tài khoản mà đã rất lâu rồi cậu không cập nhật được vì công việc đầu bếp bận rộn.

"Mình vừa được giao lưu với mọi người lại được chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn với người cùng đam mê, cảm thấy thời gian một ngày trôi qua nhanh và ý nghĩa hơn", Dũng chia sẻ.

Tận dụng thời gian ở nhà để học nấu ăn

Không giống Tuấn Dũng có nhà ở Hà Nội, Thanh Thủy (24 tuổi) sống xa nhà và đang là nhân viên văn phòng cho một công ty thiết kế nội thất. Trước đây, môi trường công sở không cho phép Thủy dành quá nhiều thời gian để nấu ăn.

"Thú thật là mình rất lười nấu nướng. Dù biết ăn ngoài nhiều vừa không tốt cho sức khỏe lại vừa tốn kém, mình vẫn lựa chọn vì tiết kiệm thời gian", Thủy bày tỏ.

Tuy nhiên, kể từ khi công ty cho làm việc ở nhà để phòng dịch, Thủy bắt buộc phải tự tay vào bếp để nấu ăn vì bên ngoài cũng không còn hàng quán nào mở. Nữ nhân viên văn phòng tự xoay sở với những bữa cơm hàng ngày của mình.

bua com trong mua dich anh 3

Bữa cơm Thanh Thủy tự chuẩn bị trong những ngày làm việc ở nhà. Ảnh: NVCC.

Dù không quá vụng về nhưng việc quay lại với bếp núc sau một thời gian dài "bỏ bê" vẫn là một trở ngại với Thủy. Cứ 3 ngày một lần, cô gái trẻ phải lên thực đơn và danh sách các thực phẩm cần mua để đi siêu thị sao cho vừa đủ dinh dưỡng, vừa tiết kiệm.

"Ban đầu mình thấy khó cân đối vì chưa biết nhiều món ăn. Nhưng khi lên mạng đọc thêm và tham gia các group nấu ăn, mình học hỏi được nhiều và thấy hứng thú hơn với bếp núc", Thủy nói.

Những ngày làm việc ở nhà, nữ nhân viên văn phòng cho biết bản thân học được nhiều điều hơn về việc thu vén nhà cửa, cân đối chi tiêu và lên kế hoạch để có một cuộc sống lành mạnh.

Mỗi ngày, cô dành ra 2 tiếng để nấu nướng cho bữa trưa và bữa tối, thêm 30 phút tập thể dục. Vào những ngày không có quá nhiều việc, Thủy tập làm thêm các món bánh mới theo công thức trên mạng và gửi tặng cho các đồng nghiệp cũng đang làm việc ở nhà như mình.

Sau 2 tuần làm việc ở nhà, cô gái 24 tuổi chuyển từ trạng thái chán nản sang vui vẻ vì mỗi ngày, cô có thêm những trải nghiệm mới từ việc nấu ăn cho bản thân. Và ngay cả khi công ty cắt giảm lương, cô vẫn dành dụm được khoản tiền vì việc nấu ăn ở nhà tiết kiệm hơn nhiều.

"Nếu tận dụng được khoảng thời gian ở nhà này, mình nghĩ các bạn sẽ học thêm được nhiều điều mới, thay vì chán nản nằm xem phim hoặc dùng mạng xã hội cả ngày", Thủy chia sẻ.

Bữa cơm trong gia đình

Đều đặn mỗi tuần, chị Mai Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ đi siêu thị 2 lần để mua thực phẩm cho cả nhà. Kể từ khi có lệnh cách ly xã hội, chị làm việc ở nhà và cũng tranh thủ để nấu cả 3 bữa ăn cho gia đình.

Chị sẽ lên thực đơn cho cả tuần và mỗi lần đi chợ thì mua thực phẩm đủ dùng cho 3 ngày, sau đó lại đi mua tiếp để đảm bảo đồ ăn luôn tươi ngon. Việc lên thực đơn mỗi ngày giúp chị cân đối được chế độ dinh dưỡng dành cho gia đình và tiết kiệm thời gian mỗi lần đi chợ. Chị cố gắng hạn chế việc ở chỗ đông người trong nhiều giờ đồng hồ.

Trước đây, chị thường chỉ chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng và bữa tối. Riêng bữa trưa, chị và chồng ăn ở cơ quan còn 2 đứa con ăn bán trú tại trường. Thời gian đầu dịch bùng phát, 2 con nghỉ học ở nhà, chị gửi con sang nhà ông bà chăm giúp vì 2 vợ chồng vẫn phải đi làm hàng ngày.

Tuy nhiên, kể từ khi cơ quan chị cho nhân viên làm việc ở nhà, lịch sinh hoạt mỗi ngày của gia đình chị có thêm một bữa trưa để cả gia đình cùng quây quần và những buổi chiều chị cùng các con làm các loại bánh, đồ ăn vặt.

"Mình cũng thích nấu nướng nhưng trước đây bận quá nên không thể bày biện được, đi làm về là chỉ muốn nấu gì đó thật nhanh. Nhưng từ hồi làm việc ở nhà, mình cố gắng lên thực đơn chỉn chu cho từng bữa và có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị bữa ăn", chị Mai Anh nói.

Có nhiều thời gian ở nhà, chị Mai Anh bày biện nấu thêm nhiều món ăn mới để mâm cơm gia đình tươm tất hơn. Chị cũng tranh thủ lúc rảnh rỗi tham gia vào các group nấu ăn trên mạng và học được thêm nhiều công thức để vận dụng ngay vào các bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Những bữa cơm khiến một ngày của chị và các thành viên trong nhà trôi qua nhanh hơn, không còn nhàm chán. Chị cũng có thời gian để hướng dẫn cho các con cách làm những món ăn đơn giản, chồng chị có nhiều thời gian để giúp vợ làm việc nhà nhiều hơn.

"Không muốn thời gian cách ly xã hội kéo dài nhưng mình thật sự trân trọng khoảng thời gian được ở cạnh chồng con như thế này", chị Mai Anh bày tỏ.

'Tôi hưởng ứng tiếp tục cách ly xã hội để giúp dập dịch triệt để' Nhiều người chia sẻ nếu không đi làm thì gia đình sẽ gặp khó khăn, nhưng ra ngoài thì nguy cơ lây lan dịch bệnh khó lường nên hạn chế tiếp xúc vẫn là giải pháp tốt nhất.

Người nghèo thành phố chơi vơi giữa đại dịch

Lao động ngoại tỉnh mắc kẹt giữa lựa chọn về quê hay ở lại bởi nếu ngồi chơi không ở thủ đô họ phải chịu chi phí sinh hoạt đắt đỏ những ngày giãn cách xã hội.

Nỗi niềm khó nói những ngày cách ly xã hội

Hai tuần hạn chế ra khỏi nhà và buộc phải thay đổi các thói quen là thời gian khó khăn đối với nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người chọn cách tập thích nghi thay vì than vãn.

Mỹ Hà - Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm