Sau khi sút hỏng quả phạt đền ở trận gặp Aston Villa, trực tiếp khiến Man United thua trận đầu tiên tại Premier League mùa này, Bruno Fernandes đưa ra lời xin lỗi công khai trên mạng xã hội với các cổ động viên (CĐV).
Thông điệp của tiền vệ người Bồ Đào Nha dài 254 chữ. Fernandes nhấn mạnh "không ai thất vọng hơn tôi" khi sút hỏng quả phạt đền, đồng thời xin lỗi CĐV và cho biết bản thân vẫn sẽ nhận trách nhiệm nếu được trao cơ hội.
Bruno Fernandes đang chịu nhiều áp lực tại MU. Ảnh: Reuters. |
Cuối bài đăng, Fernandes cũng cảm ơn sự động viên từ người hâm mộ sau trận đấu, đặc biệt là những ai có mặt tại Old Trafford. Tiền vệ này tuyên bố sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vì đồng đội và những ai yêu mến MU.
Gary Neville, huyền thoại của "Quỷ đỏ", sau đó lên tiếng chỉ trích ngôi sao người Bồ Đào Nha. "Thật đáng xấu hổ. Các cầu thủ cần đuổi việc những người làm truyền thông cho họ. Cầu thủ cần lên tiếng thành thực và tiếp tục thi đấu. Họ đều có đơn vị quản lý truyền thông riêng. Những người này tạo ra cho cầu thủ cá tính không hề tồn tại", Neville nhấn mạnh trên trang cá nhân.
Cựu thủ quân MU cũng đưa ra quan điểm riêng về hành vi xin lỗi CĐV sau sai lầm trên sân cỏ. "Văn hoá xin lỗi đang nhấn chìm bóng đá. Sẽ chẳng sao nếu họ thật tâm muốn làm điều đó. Xin lỗi được sử dụng như đòn hỏa mù nhằm đánh lạc hướng cho màn trình diễn tệ hại trên sân. Cứ thua là giải quyết khủng hoảng bằng mạng xã hội?", Neville nhấn mạnh.
"Tôi có lời khuyên cho các cầu thủ: Nếu muốn đưa ra thông điệp nào đó sau trận đấu, hãy lên tivi hoặc đăng video có mặt cậu trên đó để CĐV có thể nhìn thấy, đương nhiên nếu không muốn cũng chẳng sao".
Có những lý do cụ thể để tin vào việc người đăng bài xin lỗi dài dòng trên mạng xã hội không phải Fernandes. Marcus Rashford, cầu thủ vốn đang nghỉ dưỡng thương, mới đây cũng có bê bối truyền thông. Chân sút này đăng bài đăng lên trang cá nhân để cập nhật tình hình chấn thương và sau đó chia sẻ lại để sửa lỗi chính tả.
Tuy nhiên, tài khoản đơn vị truyền thông mới là bên đầu tiên chia sẻ đoạn tin này, với nội dung giống hệt đoạn chia sẻ lại của Rashford. Tài khoản này nhanh chóng xóa nội dung đó. Không khó để hiểu đơn vị này chính là bên quản lý truyền thông cho Rashford.
Những người cập nhật tin tức, trò chuyện giao lưu qua dòng chia sẻ với CĐV trên mạng xã hội là những nhân vật quản lý này, chứ không phải cầu thủ.
Việc các cầu thủ thuê công ty truyền thông để làm hình ảnh là chuyện không xa lạ. Các hoạt động thương mại mang tới nguồn thu nhập đáng kể. Không cầu thủ nào đủ thời gian để tự bản thân kiểm soát các lời mời, giao tiếp với khán giả, đối tác, quay quảng cáo, dành thời gian cho gia đình mà vẫn tập luyện đầy đủ cũng như giữ phong độ trên sân cỏ.
Lionel Messi vài tháng trước còn nhận lời làm quảng cáo cho dự án tiền ảo. Liệu siêu sao người Argentina có thực sự là người đăng bài này lên trước công chúng? 99% là không.
Như Neville nói, việc quản lý hình ảnh trên mạng xã hội đưa ra các thông điệp để giải quyết khủng hoảng truyền thông khiến cầu thủ sở hữu cá tính không hề tồn tại.
Gary Neville chỉ trích mạnh mẽ những lời xin lỗi giả dối trong bóng đá. Ảnh: Sky. |
Nhân dạng giả tạo này là nỗi hổ thẹn trong thế giới bóng đá được tạo nên bởi sự thật. Công chúng say mê bóng đá và yêu mến cầu thủ bởi họ nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt thi đấu trên sân cỏ. Hành vi trên sân cỏ của cầu thủ đều không thể làm giả.
Lời xin lỗi giả tạo của Fernandes chỉ giải quyết được vấn đề trên góc độ công chúng. Nó khiến tiền vệ này dễ được vị tha hơn, tạo nên nhân dạng biết hối lỗi, song lời xin lỗi này chẳng có ích gì trên góc độ sân cỏ.
Nó không giúp cú đá trên chấm 11 m của tiền vệ này làm rung lưới Aston Villa, không giúp MU có kết quả thuận lợi, và càng không giúp anh thi đấu tốt hơn trên sân cỏ. Lời xin lỗi này vô ích với MU, đội bóng Fernandes đang phục vụ, và đáng ra là nơi cầu thủ này nên xin lỗi.
Lời xin lỗi giả tạo này còn khiến nhiều CĐV hoài nghi động cơ và cá tính thật của các cầu thủ. Tại sao phải xin lỗi chỉ vì sút hỏng phạt đền? Có toan tính nào phía sau lời xin lỗi làm hài lòng công chúng này không?
Nếu đủ mạnh mẽ và sẵn sàng đương đầu khó khăn, sao anh không xin lỗi bằng màn trình diễn trên sân cỏ. Để kết quả nói thay hành động mới là điều đáng trân trọng.
Việc phục vụ khán giả không sai, nhưng đó không phải việc của cầu thủ bóng đá. Tạo lập cá tính giả tạo trước công chúng cũng vậy. Cú đá hỏng phạt đền của Fernandes và những hành động sau đó đã phơi bày mặt trái của bóng đá đỉnh cao với sự xâm lấn lớn của các công ty truyền thông tới cá nhân cầu thủ.