Vào ngày 23 tháng sáu năm 2021, cuối cùng tôi đã được mời phát biểu trước tòa án quản lý tài sản ở Los Angeles về vấn đề quyền giám hộ. Tôi biết lúc đó cả thế giới đang lắng nghe tôi nói. Tôi đã chuẩn bị bài phát biểu suốt nhiều ngày, nhưng khi thời điểm đó tới, tôi cảm thấy áp lực thật quá sức chịu đựng. Một phần vì tôi biết một khi tôi đã yêu cầu phiên tòa này được diễn ra công khai, hàng triệu người sẽ nghe thấy tiếng nói của tôi ngay sau khi tôi vừa dứt lời.
Tiếng nói của tôi đã từng xuất hiện khắp nơi, trên khắp thế giới - trên sóng truyền thanh, trong các chương trình truyền hình, trên mạng Internet - nhưng lại có quá nhiều phần khác trong tôi bị đè nén. Tiếng nói của tôi từng được sử dụng để bảo vệ tôi cũng như để chống lại tôi quá nhiều lần, tới nỗi tôi sợ lúc bấy giờ nếu tôi tự do nói những gì mình muốn thì không còn ai nhận ra tiếng nói của tôi nữa.
Người hâm mộ ăn mừng sau khi Britney Spears thoát khỏi quyền giám hộ. Ảnh: Vulture. |
Lỡ họ coi tôi như bà điên thì sao? Lỡ họ cho rằng tôi nói dối thì sao? Lỡ tôi nói sai điều gì đó khiến mọi chuyện đi chệch hướng thì sao? Tôi đã viết rất nhiều phiên bản cho bài phát biểu đó. Tôi đã thử hàng triệu cách diễn tả để đảm bảo tôi thể hiện đúng những gì mình cần nói, nhưng ngay tại giây phút đó, tôi vô cùng hồi hộp.
Và rồi, trong nỗi sợ hãi, tôi nhớ ra mình vẫn còn những chiếc phao để bám víu: khao khát làm cho mọi người hiểu được những chuyện tôi đã trải qua, niềm tin rằng tất cả những chuyện đó có thể được thay đổi, niềm tin rằng tôi có quyền được sống vui vẻ, nhận thức rằng tôi xứng đáng được tự do.
Tôi cảm nhận sâu sắc từ trong thâm tâm rằng người phụ nữ trong tôi vẫn đủ mạnh mẽ để đấu tranh cho lẽ phải.
Tôi nói với vị thẩm phán qua điện thoại: “Tôi đã lừa dối cả thế giới khi nói rằng mình vẫn ổn và mình đang vui vẻ. Đó là một lời nói dối. Tôi đã nghĩ có lẽ chỉ cần thường xuyên nói như vậy thì đến một lúc nào đó tôi sẽ thật sự được vui vẻ, bởi vì tôi đã luôn ở trong trạng thái phủ nhận… Nhưng bây giờ tôi sẽ nói sự thật, được chứ? Tôi không hạnh phúc. Tôi không ngủ được. Tôi giận dữ tới mức có thể phát điên. Tôi u uất. Tôi khóc mỗi ngày”.
Tôi nói tiếp: “Tôi ước gì tôi có thể nói chuyện điện thoại với bà mãi, bởi khi kết thúc cuộc gọi này, bỗng chốc tất cả những gì tôi nghe thấy là những lời từ chối. Và bỗng chốc tôi cảm thấy mình bị tấn công đồng loạt, bị bắt nạt, bị bỏ rơi và cô đơn. Tôi đã quá mệt mỏi khi phải cảm thấy cô đơn. Tôi xứng đáng có được những quyền bình thường như bao người khác: quyền có con, có gia đình và nhiều thứ nữa. Đó là tất cả những lời tôi muốn nói với bà. Cảm ơn bà rất nhiều vì đã cho phép tôi nói chuyện với bà hôm nay.”
Tôi gần như không thở nổi. Đó là cơ hội đầu tiên tôi được phát biểu công khai sau một thời gian dài, và hàng triệu thứ cứ tuôn ra. Tôi chờ nghe vị thẩm phán đó đáp lời. Tôi đã hy vọng nhận được một vài tín hiệu để biết bà ấy đang nhận định như thế nào.
Cuối cùng, bà ấy nói: “Tôi chỉ muốn nói với cô rằng chắc chắn tôi cảm nhận được mọi điều cô nói và cả những cảm xúc của cô nữa. Tôi biết cô đã phải thu hết dũng khí để nói ra tất cả những chuyện cô đã nói hôm nay. Tôi cũng muốn cho cô biết tòa thật sự đánh giá cao việc cô đã chấp nhận cuộc gọi công khai này và chia sẻ cảm nhận của cô”.
Những lời đó giúp tôi thấy nhẹ nhõm, giống như cuối cùng tôi cũng đã được người ta lắng nghe sau mười ba năm ròng rã.
Tôi đã luôn nỗ lực làm việc. Tôi đã cam chịu việc bị đè nén suốt một quãng thời gian dài. Nhưng khi gia đình đưa tôi vào viện tâm thần đó, họ đã đi quá giới hạn. Tôi bị đối xử như kẻ tội đồ, và họ khiến tôi nghĩ rằng mình đáng bị như vậy. Họ khiến tôi quên mất giá trị của bản thân tôi.
Trong tất cả những việc họ đã làm, tôi phải nói rằng việc tồi tệ nhất chính là khiến tôi nghi ngờ niềm tin của mình.