Sau phiên tranh luận nảy lửa, với 38 phiếu thuận và 27 phiếu chống, các thành viên của Ủy ban Luận tội tán thành đề xuất khởi động quy trình luận tội Rousseff vì thao túng công quỹ để tái đắc cử vào năm 2014, tờ Guardian đưa tin.
Tình hình ngoài nghị trường
Quyết định của Ủy ban Luận tội, mở màn cho quá trình bỏ phiếu để luận tội tổng thống tại Hạ viện, khiến bầu không khí chính trị nóng bỏng ở thủ đô Brasilia thêm sôi sục.
Những người ủng hộ và phản đối luận tội tổng thống đã bắt đầu tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội Brazil. Giới chức an ninh dự đoán số lượng người sẽ tăng lên tới vài trăm nghìn vào thời điểm quốc hội bỏ phiếu để luận tội tổng thống trong phiên họp toàn thể.
Cuối tuần này là thời gian sớm nhất mà các nghị sĩ có thể bỏ phiếu. Để ngăn đụng độ bạo lực, hàng nghìn binh sĩ đã xuất hiện cùng lực lượng cảnh sát và các rào chắn để ngăn cách hai phe.
Bà Dilma Rousseff vẫn chưa hết hy vọng trước khi quốc hội bỏ phiếu về việc luận tội tổng thống. Ảnh: AP |
Ngoài những cuộc xô xát bên ngoài trụ sở quốc hội, căng thẳng cũng hiện diện bên trong nghị trường với các tuyên bố công khai. Phe ủng hộ Rousseff đã phát động một cuộc chiến tinh thần. Jose Eduardo Cardozo, Tổng chưởng lý Brazil, lên án cái mà ông gọi là “quá trình luận tội sai lầm”.
“Phế truất một tổng thống không phạm tội, cũng như chẳng lấy một xu từ công quỹ, là việc kỳ cục. Một quá trình luận tội như thế có thể là cuộc đảo chính”, ông nhận xét.
Trong khi đó, Antonio Imbassahy, thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội thuộc phe đối lập, xác nhận đảng của ông sẽ ủng hộ luận tội tổng thống.
“Một tổng thống cố ý phạm tội, nói dối người dân, thao túng bầu cử, xúc phạm nền dân chủ, phá hoại nền kinh tế không xứng đáng điều hành Brazil. Lịch sử sẽ ghi nhận những cuộc bỏ phiếu luận tội tổng thống và lịch sử sẽ không tha thứ cho Rousseff”, ông phát biểu.
Giới phân tích có thể dự đoán một cách dễ dàng rằng Ủy ban Luận tội sẽ chống lại Rousseff. Từ khi Phong trào Dân chủ Brazil – đảng lớn nhất trong quốc hội – tuyên bố họ sẽ rời khỏi liên minh cầm quyền vào tháng trước, Rousseff đã trở thành lãnh đạo một chính phủ thiểu số.
Hoàn cảnh của nữ tổng thống càng trở nên nguy cấp hơn do hậu quả từ suy thoái kinh tế, các bê bối tham nhũng, nỗ lực giành quyền của đảng Dân chủ Xã hội và những đảng khác.
Rousseff vẫn còn hy vọng
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng Rousseff, người còn tại nhiệm hơn hai năm nữa, không phải là đối thủ mà phe đối lập có thể đánh bại dễ dàng.
Các thế lực chống bà không chắc chắn có đủ 2/3 số phiếu trong tổng số 513 nghị sĩ Hạ viện để ủng hộ luận tội. Ngay cả khi họ giành 2/3 số phiếu, quá trình luận tội chỉ có thể diễn ra nếu Thượng viện phê chuẩn hai lần – lần đầu cần đa số phiếu, còn lần hai cần 2/3 số phiếu. Chính phủ cũng có thể đưa vụ luận tội ra Tòa án Tối cao.
Quan điểm của công chúng cũng là một yếu tố quan trọng. Mặc dù tỷ lệ người dân ủng hộ Rousseff chỉ còn ở mức rất thấp (trên 10%), phần lớn đối thủ chính trị của bà cũng vướng vào những bê bối với mức độ nghiêm trọng tương đương hoặc lớn hơn.
Người dân biểu tình phản đối bà Dilma Rousseff tại Brasilia. Ảnh: Getty |
Eduardo Cunha, Chủ tịch Hạ viện và thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội, đang đối mặt với cáo buộc nhận 5 triệu USD trong vụ tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras “lại quả” cho ông, đồng thời nói dối quốc hội về những tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ.
Phó tổng thống Michel Temer, người có cơ hội lớn nhất để thay thế Rousseff và thuộc đảng Dân chủ Xã hội, cũng đang đối mặt với thủ tục luận tội vì ông tán thành những chủ trương của tổng thống. Hơn một nửa trong số 65 thành viên của Ủy ban Luận tội đang đối mặt cáo buộc nhận hối lộ và những hành vi phạm pháp khác.
Chính phủ của Rousseff không phải là nội các đầu tiên thao túng công quỹ, song chưa vị tổng thống tiền nhiệm nào đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng như lần này. Đảng Lao động của Rousseff tuyên bố thủ tục luận tội tổng thống là một cuộc đảo chính.
Đương nhiên, những người không ưa đảng Lao động không dùng từ “đảo chính”, song họ cũng không thấy vui trước viễn cảnh nền dân chủ chịu sự đe dọa bởi việc loại một tổng thống dựa trên những lý do vặt vãnh.
Sự ủng hộ đối với việc luận tội tổng thống ở mức cao, song dường như nó đang giảm dần. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến dư luận do tổ chức Datafolha thực hiện vào cuối tuần trước cho thấy 61% người trả lời câu hỏi muốn phế truất Rousseff, giảm so với tỷ lệ 68% hồi tháng 3.
Fernando Collor de Mello là tổng thống gần nhất trong lịch sử Brazil suýt đối mặt thủ tục luận tội. Ông từ chức năm 1992 trước khi Thượng viện luận tội ông.
Dilma Vana Rousseff (sinh ngày 14/12/1947) là một nhà kinh tế và chính khách Brazil thuộc đảng Công nhân. Hồi tháng 10/2010, bà đắc cử tổng thống, trở thành nữ nguyên thủ đầu tiên ở Brazil. Trước đó bà cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Chánh văn phòng Tổng thống từ năm 2005 tới năm 2010.