Trao đổi với Zing.vn chiều 17/8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang (BOT Tiền Giang) cho biết đơn vị không đưa ra thông tin sẽ trả lại dự án đường tránh Cai Lậy và tăng cường quốc lộ 1 cho Nhà nước.
Tuy nhiên, trả lời trên báo Người Lao Động, người đại diện Hội đồng thành viên BOT Tiền Giang cho biết nếu chọn phương án dời trạm thu phí vào đường tránh thị xã Cai Lậy thì đơn vị này sẽ trả lại dự án cho Nhà nước. Lý do là BOT Tiền Giang không đủ khả năng hoàn vốn, đổ nợ vì mỗi tháng trả lãi ngân hàng lên đến gần 10 tỷ đồng.
BOT Cai Lậy xả trạm ngày thứ ba liên tiếp. Ảnh: Việt Tường. |
Theo vị này, dự kiến năm 2020, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ không còn nhiều phương tiện lưu thông qua Cai Lậy nên BOT hoàn vốn rất khó khăn.
"Khi ký kết, ngân hàng đâu biết mình khó khăn như hiện nay, đúng hạn phải trả. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc giải thích, vận động người dân hiểu rõ", người đại diện BOT Tiền Giang nói với báo Người Lao Động.
Trò chuyện với phóng viên Zing.vn, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói rằng đường tránh Cai Lậy và quốc lộ 1 do Trung ương quản lý. Vì vậy, tỉnh có trách nhiệm bảo vệ tình hình an ninh trật tự trên các tuyến đường này, còn những vấn đề khác thì tỉnh chỉ đóng góp ý kiến chứ không quyết định điều gì.
"Tôi chỉ giải thích là nếu nhà đầu tư trả lại dự án thì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ mua lại. Khi đó, Bộ sẽ xin ý kiến của Chính phủ", lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang nói.
Một ngày trước, Bộ GTVT đã có cuộc họp thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư về việc giảm phí tại trạm này.
Các loại xe khi đi qua trạm này sẽ được giảm từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Thời gian áp dụng từ 21/8.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thống nhất miễn hoặc giảm 50% phí cho các phương tiện của người dân 4 xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy từ 10/9.