Liên tục ùn tắc - xả trạm, BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trở thành điểm nóng giữa lợi ích chủ đầu tư và tài xế, đồng thời phơi bày những góc khuất của dự án BOT.
Trung tuần tháng 8, cộng đồng mạng xôn xao với hình ảnh “hotboy tiền lẻ” - tài xế với nụ cười và ánh mắt nhiều cảm xúc khi trả tiền qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Không biết khoảnh khắc mình đóng tiền qua trạm thu phí đang nổi như cồn, tài xế Việt (32 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cho hay "như bao đồng nghiệp khác việc chúng tôi trả tiền lẻ qua trạm thu phí chỉ là bất đắc dĩ".
Cố tình trả tiền lẻ gây ùn tắc giao thông là cách nhiều tài xế áp dụng để phản ứng vị trí đặt trạm và mức phí tại trạm BOT Cai Lậy. Trạm thu phí Cai Lậy trở thành tâm điểm mâu thuẫn lợi ích giữa chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy và giới tài xế, đồng thời phơi bày nhiều bất cập trong việc đầu tư dự án BOT.
Huyện Cai Lậy nằm trên các trục đường giao thông chiến lược quốc lộ 1A, đường tỉnh 864, 865, 868, 868B, 874, 874B, 875.
Đây là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa với các tỉnh trong khu vực gồm Đồng Tháp - Long An - Tiền Giang. Tuy nhiên, tuyến huyết mạch luôn xảy ra ùn tắc vào dịp cuối tuần và dịp lễ, Tết.
Năm 2011 đến 2015 là giai đoạn bùng nổ của các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Ngành giao thông đã huy động 190.000 tỉ đồng để đầu tư 62 dự án BOT và BT giao thông (58 dự án BOT và 4 dự án BT). Đồng hành với mức đầu tư đó là 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ với nhiều bất cập, tồn tại.
Dự án tăng cường mặt đường quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy khi đó được xây dựng với kỳ vọng sẽ giải quyết được thực trạng tắc nghẽn tại điểm giao thông huyết mạch này, trong khi chờ dự án đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
Năm 2014, dự án đường tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn được khởi công với tổng chiều dài 38,5 km, trong đó tuyến tránh dài 12,02 km phần bảo trì, tăng cường mặt đường là 26,5 km được xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ được lập trạm thu phí tại Km 1999+900 để thu phí trong vòng 7 năm 5 tháng.
Phát biểu trong ngày khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc đó là ông Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh rằng BOT Cai Lậy vừa mang ý nghĩa giải quyết bài toán giao thông trong tương lai đồng thời cũng góp phần hình thành bộ mặt thị xã Cai Lậy theo quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt về chủ trương, ngày 19/12/2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (nay là Bí thư tỉnh Sóc Trăng) ký quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và thay đổi tên thành "Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000, tỉnh Tiền Giang, theo hình thức hợp đồng BOT".
Tuy nhiên, khi dự án BOT Cai Lậy hoàn thiện và đi vào hoạt động, hàng loạt vấn đề bất thường đã bị phát hiện. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến tránh và tăng cường mặt quốc lộ 1 ghi rõ trạm thu phí đặt vị trí tại Km 1999+900 nhưng hiện trạm thu phí lại hiện hữu tại Km 1999+300.
Trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, đường tránh trên 1.000 tỷ đồng ở Cai Lậy có 7 cầu được xây mới là Ông Mười, Ba Muồng, Ông Thiệm, Ba Rài, Chín Chương, Giồng Tre và Bình Phú. Tất cả các cầu được thiết kế rộng 12 m, dầm bê tông cốt thép dự ứng lực.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 5 cây cầu được xây dựng. Hai cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương được phê duyệt trong dự án của tuyến đường tránh Cai Lậy đã "bỗng dưng biến mất".
Giải thích về việc này ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư dự án), cho biết ngày 19/12/2013 Bộ GTVT ra Quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình quốc lộ 1 và đoạn tránh thị trấn Cai Lậy với 7 cây cầu xây mới. "Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Địa phương đã đề xuất chuyển đổi 2 cây cầu gồm Ông Thiệm và Chín Chương thành cống hộp", ông Hiệp giải thích.
Không đồng tình với lý giải của ông Giám đốc công ty BOT Cai Lậy, anh Văn Chung (ngụ xã Bình Phú, Cai Lậy) cho hay cầu Ông Thiệm và Chín Thương xưa kia người dân đi ghe qua lại để chở lúa, nay biến thành cống nên mọi việc đi lại bằng đường thủy rất khó khăn.
Bảng niêm yết mức phí sử dụng đường bộ qua trạm BOT Cai Lậy có mức phí 35.000 - 180.000 đồng, tùy loại xe.
"Tuyến tránh thị xã Cai Lậy chỉ 12 km mà thu tới 35.000 đồng/vé/lượt, cao gần bằng khoản phí của 50 km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (40.000 đồng/lượt/50 km)", một tài xế thuộc nhóm "Bạn hữu đường xa" phân tích.
Anh Tài - người sử dụng ôtô đi làm hàng ngày qua trạm thu phí Cai Lậy đã tính toán mỗi ngày đi qua trạm BOT Cai Lậy một chuyến (đi, về) phải nộp 70.000 đồng. Sau gần 7 năm (thời hạn trạm này thu phí) thì chủ xe phải tốn gần 200 triệu đồng, gần bằng tiền mua một chiếc xe hơi.
Tài xế Việt, người chạy xe tải 18 tấn cho hay tính trên đoạn đường BOT Cai Lậy dài 12 km nhà xe thu được 135.000 đồng tiền cước vận chuyển (chưa trừ chi phí) nhưng phải nộp tới 360.000 đồng tiền BOT (hai chiều).
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh phân tích chiều dài tuyến tránh Cai Lậy khoảng 12,02 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; gia cường mặt đường quốc lộ 1 (từ xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) chiều dài 26,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 340 tỷ đồng. Với lưu lượng trung bình hơn 50.000 lượt ôtô các loại đi trên quốc lộ 1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày, nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ôtô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỷ đồng. Với thời gian được phép thu phí gần 7 năm, chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi tổng đầu tư cho tuyến đường tránh và cả tăng cường mặt đường quốc lộ 1 chỉ 1.400 tỷ đồng.
Sau 15 ngày đi vào hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải 5 lần xả trạm do cảnh ùn tắc kéo dài vì tài xế dùng tiền lẻ trả phí.
"Họ chỉ làm mới 12 km đường tránh mà thu tiền cao là không chấp nhận được. Hàng ngày tôi chỉ đi quốc lộ 1, không đi đường tránh nhưng cũng phải mua vé qua trạm. Thế khác gì không coi hát cũng phải trả tiền", một tài xế ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) nói.
Anh Hữu Danh, chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6, TP Tân An (Long An), đã lái ôtô đến các quán ăn ở Tiền Giang để đổi được trên 20 triệu đồng tiền lẻ, mệnh giá 200 và 500 đồng.
Theo anh Hữu Danh, mục đích của việc đổi tiền lẻ là dùng để qua trạm BOT Cai Lậy vì mỗi ngày anh đi qua tuyến đường này 4 lượt. "Họ đặt trạm BOT sai vị trí vì làm mới có 12 km đường tránh Cai Lậy mà thu tiền luôn tuyến quốc lộ 1. Tôi đổi tiền lẻ qua trạm nhằm phản ứng việc đặt trạm không đúng chỗ", chủ quán cà phê nói.
Phản ứng mạnh đầu tiên vào ngày 13/8, nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm đã gây ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy khoảng 3 km. Một nhóm tài xế còn mang heo quay đến gần trạm để cúng, gây sự hiếu kỳ của nhiều người.
16h20 ngày 14/8, có khoảng 35 tài xế của nhóm "bạn hữu đường xa" chạy xe chậm vào trạm Cai Lậy và dùng tiền lẻ mua vé. Do tài xế kiểm đếm tiền lẻ thật lâu khiến cho hàng trăm ôtô bị ùn tắc kéo dài hơn 1 km về hướng thị xã Cai Lậy.
BOT Tiền Giang sau đó xả trạm Cai Lậy và đóng lại sau vài phút giải tỏa ách tắc giao thông. Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe tiếp tục diễn ra khi có khoảng 20 người tụ tập quanh trạm để la hét nên BOT Cai Lậy xả trạm đến tối 15/8 và chưa có kế hoạch đóng trạm.
“Việc xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
"Nguyên tắc của đường BOT chính là sự lựa chọn. Thế nhưng điều gây bức xúc là nhiều đoạn tuyến lại không có sự lựa chọn, bắt buộc phải đi vào đường BOT", đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu nêu quan điểm trên báo Tiền Phong.
Ngày 16/8, Bộ GTVT đã tổ chức họp kín về việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Tối cùng ngày, Bộ GTVT phát đi thông cáo cho hay từ ngày 21/8, mức thu phí qua Cai Lậy sẽ được giảm.
Ngoài ra, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm 100% giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9.
Tuy nhiên, các tài xế cho hay nếu chủ đầu tư BOT Cai Lậy chỉ giảm giá vé và không dời trạm thì nhóm tài xế sẽ tiếp tục dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.
"Quốc lộ 1 có sẵn, nhà đầu tư nói tăng cường mặt đường về hướng huyện Cái Bè nhưng tôi thấy họ chỉ trải một lớp nhựa mỏng lên đường hiện hữu. Một số nơi mặt đường lồi lõm, xuất hiện ổ gà mà thu phí 'trên trời' coi sao được", một tài xế ở TP.HCM bức xúc.
Kỹ sư Huy Đoàn, người từng đặt 10 câu hỏi về trạm thu phí BOT Cai Lậy với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng: "Người dân chúng tôi không cần giảm phí mà ngược lại còn đồng thuận cho nhà đầu tư tăng giá và tăng luôn thời gian thu phí chỉ với 1 điều kiện: đưa trạm thu phí này về đúng vị trí của nó, tức là nằm trên tuyến đường tránh"
Theo ông Đoàn, cách "giảm giá vé" như hiện nay, nhiều người sẽ nghĩ rằng nó chỉ là biện pháp tạm thời xoa dịu lòng dân, mà chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fullbright Việt Nam, đề xuất giải pháp không thu phí đối với xe đi quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, chỉ thu phí đối với xe đi đường tránh đã được đầu tư mới theo hình thức BOT. Tiền ngân sách trong Quỹ Bảo trì đường bộ cần được sử dụng để hoàn lại cho Chủ đầu tư Dự án BOT chi phí đầu tư tăng cường mặt đường quốc lộ hiện hữu (26,5 km).
Theo ông Thành, nếu chủ đầu tư không đồng ý có nghĩa là:
1. Hợp đồng mà họ có được là quá siêu lợi nhuận nên không chấp nhận hoàn vốn ngay.
2. Thừa nhận chính thức là việc đề ra cấu phần tăng cường mặt đường cũ là cái cớ để được thu phí tất cả các xe trên tuyến, và nếu không thu được xe đi đường cũ thì lợi nhuận suy giảm.