Trò chuyện với Zing.vn dịp đầu năm mới về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018 và triển vọng 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gây ấn tượng bằng lối trả lời súc tích, dễ hiểu như ông từng đứng trên giảng đường và sự quyết liệt của một nhà điều hành.
Nói về những thách thức của Chính phủ trong năm 2019, Phó thủ tướng cho rằng cần lấy “dĩ bất biến để ứng vạn biến”, nghĩa là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực của đất nước để đối phó với biến động bên ngoài. Như vậy, chúng ta sẽ “không sợ điều gì cả” - đó cũng là cách mà Chính phủ đã làm rất thành công thời gian qua.
- Xin chúc mừng Chính phủ và Phó thủ tướng khi GDP 2018 tăng trưởng 7,08%, cao nhất 11 năm qua. Theo ông yếu tố nào khiến mức tăng này cao hơn hẳn con số 6,81% của năm trước?
- Động lực tăng trưởng chính của 2018 vẫn đến từ công nghiệp chế biến, chế tạo và thêm cả ngành dịch vụ. Ngành chế biến, chế tạo tăng 12,98%; trong khi ngành dịch vụ rất lâu rồi mới tăng trưởng cao tới 2 con số ở mức 11,7%. Nhưng nhân tố khiến tăng trưởng GDP 2018 cao hơn 2017 chính là công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp.
Bằng chứng là nông nghiệp tăng 3,76%, cao nhất giai đoạn 2012-2018. Ngày xưa nông nghiệp của chúng ta “thò tay vào túi” cũng tăng trưởng 3,5-4%. Đó là thời kỳ mà chúng ta dựa nhiều vào quảng canh, tăng trưởng chủ yếu do mở rộng diện tích. Đến giai đoạn sau này, đặc biệt là năm 2016, ngành nông nghiệp rất vất vả.
Công nghiệp khai khoáng năm 2017 giảm 7,16%, sang năm 2018 tốc độ giảm ít hơn với mức 3,11%. Sự sụt giảm chậm lại của công nghiệp khai khoáng và tốc độ tăng kỷ lục của nông nghiệp chính là 2 yếu tố làm cho tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao hơn chỉ tiêu đã đặt ra. Nhờ đó, quy mô kinh tế năm nay là 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD/người/năm, tăng gần 200 USD so với năm ngoái.
Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta kiểm soát lạm phát vượt khá xa so với yêu cầu của Quốc hội và chỉ số lạm phát 3,54% bằng đúng một nửa chỉ số tăng trưởng càng làm cho tăng trưởng GDP của đất nước thêm ý nghĩa.
- Ông có cho rằng tăng trưởng cao như vậy, một phần xuất phát từ yếu tố may mắn?
- Tôi cho rằng yếu tố may mắn là không nhiều mà thực tế đến từ sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nhất là sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người lao động cả nước ta. Yếu tố may mắn nhất là thiên tai ít hơn năm trước, do đó nông nghiệp được tạo điều kiện phát triển cao như vậy.
Năm 2017 thiệt hại do thiên tai của chúng ta rất nặng nề, ước hơn 60.000 tỷ đồng, trong khi năm 2018 chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/6 năm trước đó.
- Một số chuyên gia cho rằng chúng ta tăng trưởng cao, nhưng “chất lượng tăng trưởng” vẫn còn là điều phải bàn. Ông nghĩ sao?
- Thực tế, nền kinh tế đã cơ bản thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên khi năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cùng với đó, tín dụng ra ít, đầu tư công ít, nhưng GDP vẫn tăng. Ví dụ về tín dụng, năm 2016, để có 1% tăng trưởng GDP thì cần tới 2,94% tăng trưởng tín dụng; năm 2017 chỉ số này giảm xuống còn 2,68%. Năm 2018, ước tổng tăng trưởng tín dụng theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 14%, với mức tăng trưởng 7,08% thì chỉ số % tăng trưởng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng GDP chỉ còn là dưới 2%.
Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Ngoài những số liệu trên, thu ngân sách Nhà nước vượt hơn 100.000 tỷ ở cả trung ương và địa phương, cả ở thu nội địa và xuất khẩu... Tức là chúng ta có “của ăn của để”.
Đây là minh chứng thuyết phục cho mức tăng trưởng GDP 7.08%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện là điều không ai chối cãi được. Tôi cho rằng nếu có ý kiến nói tăng trưởng còn là điều đáng bàn thì là cảm tính, không thuyết phục.
- Năm 2018, lạm phát chỉ ở mức 3,54%, thấp hơn nhiều so với mức 4% Quốc hội giao. Tại sao Chính phủ không tận dụng dư địa này để sớm điều chỉnh một số mặt hàng như điện, dịch vụ y tế, qua đó giảm áp lực lạm phát cho năm 2019?
- Đây là một câu hỏi rất hay! Khác với các nước, Việt Nam điều hành giá phải 2 mục tiêu, vừa theo tín hiệu của giá cả thị trường thế giới và trong nước, vừa phải chủ động điều chỉnh tăng giá dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện, than… để tiệm cận với thị trường.
Hồi tháng 11/2018, khi phát hiện lạm phát thấp và giảm hơn so với kỳ trước 0,25%, nhưng dự báo tháng 12 còn có thể tăng nên Chính phủ đã chỉ đạo nhanh chóng tăng một phần giá dịch vụ y tế. Riêng động tác này đã làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tháng 12 tăng khoảng 0,29%.
Đến tháng 12 giá xăng dầu giảm mạnh, do chúng ta kiểm soát giá cuối năm tốt nên CPI cuối tháng 12 lại tăng trưởng âm, cả năm về mức 3,54% là phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng sao Chính phủ không tăng giá điện? Chính phủ đã đã có Nghị quyết không điều chỉnh giá điện trong năm. Chính phủ, Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá nói lời phải giữ lời, để tạo niềm tin cho người sản xuất và tiêu dùng. Ở Việt Nam lạm phát kỳ vọng rất lớn. Ví dụ trước đây cứ xăng tăng giá là mọi thứ tăng giá theo nhưng giờ không có chuyện hiện tượng đó vì người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào điều hành của Chính phủ.
Hơn nữa, các yếu tố để tăng giá điện chưa xuất hiện hết. Ví dụ như chi phí nhiên liệu đầu vào là giá khí trong bao tiêu chưa điều chỉnh hết. Giá khí trong bao tiêu, đặc biệt tại một số cụm khí điện đạm, chưa tính theo thị trường. Nếu điều chỉnh giá khí trong bao tiêu theo giá thị trường thì mỗi năm phải tăng 4.000-4.600 tỷ đồng vào giá điện.
Ngoài ra, nhiên liệu đầu vào khác là than cũng dự kiến tăng giá 5-7% nhưng Chính phủ chưa điều chỉnh tăng trong năm 2018. Còn về chênh lệch tỷ giá thì năm nay tương đối ổn định, tăng không đáng kể. Tích lũy của chênh lệch tỷ giá, còn phải phân bổ theo kế hoạch 5 năm. Do đó, các yếu tố xuất hiện tăng giá điện chưa chín muồi. Do đó, Chính phủ đã quyết định không tăng giá điện trong năm 2018.
- Hiện nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn ngân hàng ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, từ đó khiến họ khó cạnh tranh. Phó thủ tướng nói gì về điều này?
- Lãi suất liên quan đến lạm phát, theo nguyên lý lãi suất thực dương. Như đã nói, điều hành lạm phát của chúng ta khác với các nước, vừa điều hành chỉ số giá này theo giá thị trường, vừa phải điều chỉnh giá dịch vụ công mà nhà nước quản lý theo sát với giá thị trường. Chúng ta đã phải mất một thời gian mới làm được việc này.
Tăng giá dịch vụ công để các đơn vị sợ nghiệp tự chủ được, chúng ta phải tăng dần dần, vì đưa cao quá thì người dân và ngân sách cũng không chịu được. Vấn đề về lạm phát như vậy nên lãi suất chưa thể thấp như các nước được.
Ngoài ra, tôi cho rằng bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi và khắc phục tình trạng “vốn mỏng”. Nhiều doanh nghiệp khi lập ra chủ yếu là “tay không bắt giặc”, vốn tự có rất ít, chủ yếu đi vay. Vốn chủ ít, đi vay nhiều dẫn đến chi phí tài chính quá lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh. Do đó nhiều doanh nghiệp lỗ vì chuyện này.
Tôi cho rằng một mặt chúng ta phải kiểm soát tốt lạm phát, kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống. Một mặt phải có quy định để giảm tình trạng “vốn mỏng” của các doanh nghiệp. Đầu tư, làm ăn mà chủ yếu bằng tiền của người khác, bằng vốn của ngân hàng thì không bền vững được.
- Năm 2019, Chính phủ xác định mục tiêu hành động trọng tâm là “bứt phá”. Theo Phó thủ tướng, thách thức nào lớn nhất để Chính phủ đạt được điều này?
- Bứt phát ở đây là nhấn mạnh tới việc quyết liệt thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chúng ta đã thực hiện trong năm 2018, cả trong kinh tế và trong các lĩnh vực xã hội, y tế, văn hoá, giáo dục… trong đó nhấn mạnh tới cách thức tổ chức thực hiện. Đây không phải là riêng khâu đột phá nào mà tất cả các cấp, các ngành, mỗi một đơn vị, mỗi cán bộ công chức phải nỗ lực hết mình.
Trước khi về đích thì chúng ta phải cố gắng nỗ lực hơn. Do vậy, chúng ta phải tăng cường tính tổ chức kỷ luật, phát huy vai trò của từng cá nhân, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
- Căng thẳng thương mại quốc tế đang ngày càng diễn biến khó lường, ở cả khía cạnh chính trị lẫn kinh tế. Có chuyên gia từng khuyến nghị Việt Nam cần giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế bằng cách gia tăng nội lực của đất nước. Quan điểm của Phó thủ tướng như thế nào?
- Diễn biến của chiến tranh thương mại còn rất khó lường. Nó không chỉ là vấn đề thương mại mà còn là công nghệ, sở hữu trí tuệ, nhiều vấn đề cạnh tranh, cọ xát giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Khi đi công tác ở Mỹ năm ngoái, tôi có trao đổi với các giáo sư của Đại học Harvard về vấn đề này, họ có nói với tôi: “Một cách chắc chắn nhất là chưa có gì chắc chắn cả”.
Nhiều người đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến thương mại, nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng lấy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong điều kiện kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu cao gấp hơn 2 lần so với quy mô nền kinh tế. Tức là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực của đất nước thông qua các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để đối phó với biến động bên ngoài, thì sẽ không sợ điều gì cả.
Trong 2 năm vừa qua, chúng ta đã rất thành công trong việc này. Thế giới cũng không hiểu được tại sao Việt Nam từ một nền kinh tế tích tụ nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống tài chính ngân hàng lại có thể thành công như vậy.
Dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ hiện nay còn rất chật hẹp, “bước” một chân là đã dễ gây xáo động chính sách. Nhưng chúng ta vẫn duy trì được cân bằng và ổn định vĩ mô và tăng trưởng được cao. Các nước cũng không hiểu sao chúng ta lại điều hành tỷ giá tốt như thế. Giá trị tiền Đồng được củng cố trong khi nhiều nước đã phải phá giá đồng tiền. Thị trường ngoại hối, lạm phát, lãi suất… đều ổn định.
- Ở trong nước, Thủ tướng, bản thân Phó thủ tướng và mới đây là Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã nhắc tới một động lực phát triển mới của đất nước là các đô thị. Tuy nhiên, một đại biểu Quốc hội từng nói “không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt quá nhiều”, ý nói đến tỷ lệ phân bổ ngân sách tại về Trung ương quá lớn. Như vậy TP.HCM, một đầu tàu kinh tế có rất ít nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, Chính phủ có xem xét việc giảm áp lực phân bổ ngân sách về Trung ương của không chỉ riêng TP.HCM mà còn các địa phương khác?
- Tỷ lệ phân bổ phân bổ ngân sách liên quan đến chu kỳ ổn định về ngân sách Nhà nước nên chưa thể thay đổi ngay được. Sau từ 3-5 năm chúng ta mới xem xét lại tỷ lệ điều tiết.
Trước hết chúng ta giao dự toán hợp lý cho các đầu tàu động lực. Nếu vượt thu thì một nửa để cải cách tiền lương, một nửa để đầu tư phát triển.
Tôi thừa nhận năm 2018, tại một số tỉnh lớn chúng ta giao áp lực thu quá lớn. TP.HCM đầu tàu kinh tế của cả nước, dù năm 2018 đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn về đích ở tăng trưởng GRDP và vượt thu ngân sách, tuy không nhiều.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54 vào năm 2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Thành phố cần tích cực tổ chức triển khai các đề án cụ thể. Ngoài ra cũng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước của TP.HCM.
Theo quy định, toàn bộ tiền bán vốn các doanh nghiệp này thì thành phố được giữ lại hết. Trong khi nguồn lực khu vực này của TP.HCM rất lớn. Nếu thành phố làm sớm thì có nguồn lực để phát triển.
Trong năm 2019, chúng ta chỉ giao dự toán tăng thu ngân sách khoảng 12-14% cho các đầu tàu kinh tế, không giao cao tăng ở mức 20-24% như trước. Do vậy, khả năng hoàn thành dự toán ngân sách 2019 không kém hơn, đặc biệt là một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
- Xin được hỏi một câu khá riêng tư: Là người được phân công chỉ đạo các lĩnh vực thuộc khối kinh tế tổng hợp, với thành tích tăng trưởng kinh tế cao nhất 11 năm qua trong năm 2018. Cảm xúc của Phó thủ tướng thế nào?
- Tất nhiên là vui rồi, thành tựu tốt thế này ai cũng vui. Còn nói về cố gắng nỗ lực của mình thì tôi tạm hài lòng vì tôi cũng đã cố gắng, nỗ lực hết sức. Nhưng hài lòng về kết quả thì chưa, thoả mãn thì càng không vì còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém lắm.
Thành tích hay những tồn tại yếu kém cũng có phần của mình trong đó. Nhất là những lĩnh vực mình phụ trách thì khuyết điểm chẳng đổ thừa cho ai được, phải tự nhận lấy để sửa chữa.
Tinh thần như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nhiều lần là không được chủ quan, thoả mãn, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
- Khối lượng công việc của Chính phủ cũng như cá nhân Phó thủ tướng ngày càng tăng lên, nhiều hơn. Ông có cảm thấy quá tải, áp lực khi được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy? Mục tiêu năm 2019 của Phó thủ tướng là gì?
- Nhiệm vụ của Chính phủ ngày càng nặng nề lên. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ ngày càng phải cố gắng nỗ lực, chứ không phải riêng mình tôi.
Các cụ thường nói "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Cần biết cách tổ chức công việc, phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tăng cường sự phối hợp các cơ quan của Chính phủ, các ban Đảng, cơ quan Quốc hội…
Còn mục tiêu 2019 là hoàn thành những nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Thủ tướng và Chính phủ phân công, giao phó.
- Trân trọng cảm ơn Phó thủ tướng. Zing.vn xin gửi lời chúc tới lãnh đạo Chính phủ và toàn thể Chính phủ sẽ gặt hái được nhiều thành công, đưa đất nước tiếp tục đi lên trong năm 2019!