Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Việt Nam sẽ không bao giờ phá giá đồng tiền

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định trước Quốc hội rằng Chính phủ, Thủ tướng nhất quán chưa bao giờ và sẽ không bao giờ phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu.

Cuối buổi chiều 27/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm sau 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tập trung báo cáo rõ hơn về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và cơ cấu lại nền tài chính.

Tăng trưởng toàn diện

Theo ông Vương Đình Huệ, mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế, phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu. Mặt khác, chúng ta vẫn phải phát triển bền vững. Nói cách khác là vừa phải phát triển nhanh, bền vững, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, bền bỉ. Qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ, phát biểu của nhiều đại biểu cũng ghi nhận 3 năm qua đã có những chuyển biến tích cực và rõ rệt, đi đúng hướng”, ông nói.

pho thu tuong vuong dinh hue giai trinh ve kinh te xa hoi anh 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Duy Ngọc.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tăng trưởng trong nhiều năm toàn diện ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong nông nghiệp tăng trưởng toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Công nghiệp giảm dần phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, nhất là với dầu thô và than đá. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh. Trong dịch vụ thì du lịch phát triển ấn tượng.

Mặt khác, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu, mà cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước. Tổng mức kinh ngạch bán lẻ hàng hóa trong nước đạt tốc độ tăng 2 con số, năm nay dự kiến đạt 11,2%.

Năng suất lao động gia tăng. Việt Nam là nước có mức tăng trưởng năng suất lao động cao hàng đầu khu vực. Bình quân 3 năm qua là 5,62%; vượt xa mức trung bình 4,3% của 5 năm trước.

“Đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng ngày càng cao, bình quân đạt 42,1%, so với 33,5% giai đoạn 5 năm trước. Hệ số ICOR đã tốt hơn, giảm từ 6,91 xuống 6,32. Hệ số cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, có thứ hạng cao trong các xếp hạng năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư”, ông nói.

Ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế hiện nay. Ông cho rằng chất lượng tăng trưởng tiến bộ nhưng còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu, còn những yếu tố không củng cố thì sẽ thiếu bền vững.

Chất lượng cải cách về thể chế, kết cấu kinh tế hạ tầng, xã hội, nguồn nhân lực còn hạn chế. Năng suất lao động còn nhiều yếu kém, năng suất tuy tăng nhanh, nhưng so với khu vực còn thấp. Tăng năng suất chủ yếu do vốn và một phần phụ thuộc đầu tư nước ngoài, nguy cơ tụt hậu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hiện hữu. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn thấp.

Ông nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ cũng tìm ra các giải pháp tăng trưởng năng suất lao động.

pho thu tuong vuong dinh hue giai trinh ve kinh te xa hoi anh 2
Chính phủ đang xây dựng chương trình quốc gia tăng năng suất lao động. Ảnh: Hoàng Hà.

Chính phủ cũng tăng cường cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, tăng cường đổi mới sáng tạo. Ông cho biết Thủ tướng đã đề nghị diễn đàn kinh tế thế giới hỗ trợ xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chính phủ sẽ đẩy nhanh phát triển khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Còn thu hút FDI thì phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, công nghệ cao, đảm bảo sự liên kết với chuỗi doanh nghiệp trong nước”, ông nói.

Kiểm soát chặt nợ nước ngoài của quốc gia

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi chúng ta là nền kinh tế rất mở là việc quan trọng.

Hiện nay diễn biến kinh tế thế giới rất phức tạp, khó lường, bảo hộ thương mại, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, căng thẳng địa chính trị. Từ đó làm giá cả một số mặt hàng trên thế giới biến động bất thường, đặc biệt là giá dầu. Giá USD cũng tăng, chính sách lãi suất thế giới tăng cao.

“Chính phủ nhất quán từ đầu coi việc đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Đảm bảo cân đối lớn như năng lượng, điện, lương thực, thu chi ngân sách, đảm bảo nợ công, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát”, ông chia sẻ.

Chính phủ cũng điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, thận trọng, kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách ngoại thương. Chính phủ rất coi trọng củng cố hơn nữa về kinh tế vĩ mô, tăng sự chống chịu của nền tài chính ngân hàng, hệ thống kinh tế trước biến động thế giới. Ngoài ra sẽ tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

pho thu tuong vuong dinh hue giai trinh ve kinh te xa hoi anh 3

“Chính phủ nhất quán ổn định chính sách về giá trị đồng tiền. Tôi xin nhấn mạnh, Chính phủ và Thủ tướng thống nhất quan điểm chưa bao giờ, sẽ không bao giờ phá giá đồng tiền hỗ trợ cho xuất khẩu. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo thị trường. Cũng sẽ không có chuyện nới lỏng kiểm soát về lạm phát”, ông nói.

Nói về thị trường tài chính, Phó thủ tướng cho biết nhiều chỉ tiêu đi trước kế hoạch 5 năm. Nợ xấu đã giảm mạnh, trong toàn hệ thống giảm từ 10,08% (cuối 2016) xuống còn 6.7%. Trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2%.

Về vấn đề nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần, ông cho biết cơ cấu nợ gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp. Nợ nước ngoài của Chính phủ đã giảm từ 60%, xuống còn 40%.

“Chúng tôi hứa với Quốc hội kiểm soát chặt cái này. Đặc biệt khi tỷ giá tăng, nợ tăng, nghĩa vụ trả nợ rất lớn”, ông nói.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm