Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Boongke xây từ thời Saddam cứu lính Mỹ thoát tên lửa Iran

Quân đội Mỹ cho rằng việc không có binh sĩ nào thương vong trong vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào căn cứ al-Assad hôm 8/1 là "một phép màu".

Sĩ quan Akeem Ferguson đang ở trong một hầm ngầm cùng đồng đội thì nhận được tin nhắn nghe rợn người: Sáu tên lửa đạn đạo Iran đang nhắm về phía họ.

Những tấm bê tông ở trên đầu họ là bảo vệ ít ỏi duy nhất trước những quả đạn đang tấn công binh sĩ Mỹ khi đó.

Iran dap tra My vu Soleimani anh 1

Akeem Ferguson bên cạnh đống đổ nát ở căn cứ al-Assad, sau khi nơi này bị tấn công bởi các tên lửa đạn đạo của Iran hôm 8/1. Ảnh: CNN.

"Sẵn sàng để chết"

"Tôi ôm chặt súng, cúi đầu và cố gắng nghĩ về một nơi hạnh phúc, vì vậy trong đầu tôi bắt đầu hát cho con gái nghe", trung sĩ Ferguson chia sẻ.

"Và tôi chờ đợi. Tôi hy vọng rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, nó sẽ xảy ra nhanh chóng. Tôi đã 100% sẵn sàng để chết".

Cùng với các binh sĩ và nhà thầu dân sự khác trong căn cứ al-Assad, Ferguson sống sót mà không hề xây xước gì, sau khi một loạt các tên lửa đạn đạo của Iran tấn công cơ sở này rạng sáng ngày 8/1.

Đây là vụ tấn công với quy mô lớn nhất vào một căn cứ quân sự Mỹ trong hàng thập kỷ. Các binh sĩ cho rằng việc không có thương vong nào là "một phép màu".

Các binh sĩ Mỹ đóng tại đây có nhiệm vụ phòng chống IS và đào tạo lực lượng an ninh Iraq. Cũng không có lính Iraq nào bị thương trong vụ tấn công.

Mặc dù đã nhận được cảnh báo về vụ tấn công trước đó hàng giờ, căn cứ al-Assad không có hệ thống phòng thủ bằng tên lửa đất đối không, vì vậy mọi người ở đây đã phải chui xuống hầm trú ẩn.

Dù là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất và lâu đời nhất ở Iraq, quân đội Mỹ không xây dựng hệ thống phòng vệ cho al-Assad trước những cuộc tấn công như vừa rồi. Các binh sĩ đã may mắn sống sót dưới trận mưa tên lửa.

Gần sân bay, những mảnh vỡ bằng kim loại ngổn ngang dưới chân hai sĩ quan khi họ đang đo đạc miệng hố nơi một trong số các tên lửa hạ cánh. Nó sâu khoảng 2 mét và có đường kính 3 mét. Bên cạnh chiếc hố là cuốn sách "Người đẹp và quái vật" bị cháy xém, một chiếc dép xỏ ngón, lá bài Uno và áo khoác quân đội chìa ra từ đống đổ nát.

Khu vực này là nơi đặt nhà ở của các phi công điều khiển máy bay không người lái ở căn cứ. Họ đã sơ tán trước khi cuộc tấn công xảy ra.

Giống như hầu hết người Mỹ ở căn cứ, họ đã ở dưới các hầm trú ẩn trong hơn 2 giờ trước khi những tên lửa đầu tiên bắn tới. Cuộc tấn công là phản ứng đáp trả của Iran trước việc tổng thống Mỹ ra lệnh ám sát tướng Qassem Soleimani - người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng - bằng máy bay không người lái trước đó 5 ngày.

Sau nhiều ngày dự đoán, vụ trả đũa không có thương vong của Tehran khiến nhiều người thấy nhẹ nhõm. Ở căn cứ al-Assad, các binh sĩ có thể nghỉ ngơi thư giãn sau nhiều ngày báo động căng thẳng. Còn đối với các quốc gia xung quanh, động thái này đánh dấu sự xuống thang sau vụ tướng Soleimani bị ám sát, vốn khiến cả khu vực lo ngại chiến tranh bùng nổ.

Iran dap tra My vu Soleimani anh 2

Các tên lửa dẫn đường của Iran phá hủy một số cơ sở quân sự nhạy cảm của Mỹ ở căn cứ. Ảnh: CNN.

10 trong số 11 quả tên lửa rơi xuống các vị trí của Mỹ ở căn cứ. Tên lửa còn lại rơi về phía quân đội Iraq. Người Mỹ kiểm soát khoảng 1/3 diện tích căn cứ này.

Những tên lửa Iran sử dụng hệ thống dẫn đường thành công trong việc phá hủy một số cơ sở quân sự nhạy cảm của Mỹ, trong đó có tổ hợp của lực lượng đặc biệt, hai nhà chứa máy bay và khu nhà của những người điều khiển máy bay không người lái.

Sợ hãi khi không thể phòng thủ

Cảnh báo đầu tiên đến từ các tín hiệu tình báo bí mật tối ngày 7/1, trước khi cuộc tấn công diễn ra. Đến 23h hôm đó, hầu hết lính Mỹ ở al-Assad đã xuống hầm trú ẩn, một số khác đã lên máy bay ra ngoài, theo những chỉ huy tại căn cứ.

Chỉ những vị trí thiết yếu, bao gồm lính canh tháp và phi công điều khiển drone là ở lại để bảo vệ căn cứ trước một cuộc tấn công trên mặt đất, mà các chỉ huy dự kiến là sẽ diễn ra sau cuộc tấn công bằng tên lửa.

Không có cuộc tấn công nào trên mặt đất, và các binh sĩ bắt đầu rời khỏi hầm trú ẩn vào lúc bình minh. Cuộc tấn công kết thúc ngay trước 4h.

Thủ tướng Iraq Abdul Mahdi cho biết phía Iran đã gọi điện cho ông vào lúc nửa đêm để cảnh báo về các cuộc tấn công. Một nhà ngoại giao Arab chia sẻ với CNN rằng phía Iraq chuyển những thông tin đó tới người Mỹ.

Những tên lửa đầu tiên rơi xuống lúc 1h34 và tiếp đó là 3 đợt tấn công khác, mỗi đợt cách nhau khoảng 15 phút. Toàn bộ sự việc diễn ra trong khoảng hơn 2 giờ, và các binh sĩ mô tả một cảm giác hồi hộp, sợ hãi khi không thể phòng thủ.

Khi tên lửa đến gần, hầu hết binh sĩ đã xuống dưới các hầm trú ẩn có cấu trúc hình kim tự tháp, nằm rải rác khắp căn cứ. Những công trình này đã được xây dựng từ thời ông Saddam Hussein cầm quyền ở Iraq, và cũng là để phòng ngừa các vụ tấn công từ Iran. Hai nước láng giềng đã có cuộc chiến kéo dài 8 năm (1980-1988) kết thúc trong bế tắc.

Các binh sĩ Mỹ cho biết họ không chắc chắn các hầm trú ẩn thời Saddam có chịu được tên lửa đạn đạo hay không, nhưng chắc chắn là chúng cứng cáp hơn các boongke do Mỹ xây dựng, vốn chỉ được thiết kế để chống lại rocket và đạn cối - thường được IS, các phần tử cực đoan và dân quân Shia sử dụng để bắn vào căn cứ Mỹ trong nhiều năm. Các tên lửa đạn đạo của Iran có tầm bắn xa hơn và mang theo khối lượng chất nổ lớn hơn nhiều - ít nhất nửa tấn mỗi quả.

Iran dap tra My vu Soleimani anh 3

Hầm trú ẩn hình kim tự tháp, xây dựng từ thời Saddam Hussein cách đây hàng chục năm. Ảnh: CNN.

Trung tá Staci Coleman là một trong những người đã đưa cấp dưới vào trong các hầm ngầm thời Saddam. Sau khoảng 1 tiếng rưỡi ở bên trong, cô bắt đầu hoài nghi về quyết định của mình.

"Tôi ngồi trong hầm ngầm và tôi nghĩ có lẽ mình đã quyết định sai lầm khi đi xuống đây", trung tá nói.

"Khoảng 10 phút sau khi tôi nghĩ đến điều đó, thì bùm bùm bùm những tiếng nổ xuất hiện. Cả mặt đất rung chuyển. Bạn có thể cảm thấy sóng từ vụ nổ ở trong đó, tôi biết rằng những quả tên lửa rơi rất gần", Coleman cho hay.

Không có chiếc hầm trú ẩn thời Saddam nào bị đổ sập hay ảnh hưởng từ các tên lửa của Iran.

Khi các binh sĩ bước lên từ các boongke, mọi người bắt đầu quay trở lại với công việc và sửa chữa những thiệt hại. Họ mô tả một cảm giác trộn lẫn giữa nhẹ nhõm và sốc sau căng thẳng.

Một số nói với phóng viên của CNN rằng sự kiện này đã thay đổi quan niệm của họ về chiến tranh. Quân đội Mỹ rất hiếm khi trở thành mục tiêu của các vũ khí tinh vi, mặc dù là bên phát động những cuộc tấn công tiên tiến nhất thế giới.

"Bạn nhìn xung quanh và nghĩ: Chúng ta sẽ chạy đi đâu? Làm thế nào để thoát khỏi đó?", Ferguson nói.

"Tôi không muốn bất cứ ai phải trải qua sự sợ hãi ấy. Không có ai trên thế giới nên có cảm giác như thế", Ferguson nhận xét.

Vì sao nước Mỹ phải dè chừng Iran? Trải qua quá trình đối đầu hơn 40 năm với Mỹ, Iran khiến các nước phương Tây phải dè chừng với đội quân hùng mạnh thiện chiến.

Lỗ hổng trong lưới phòng không Iran từ vụ bắn nhầm máy bay Ukraine

Vận hành tên lửa đất đối không cần các biện pháp tránh nhận diện sai mục tiêu. Thảm họa bắn nhầm máy bay Ukraine cho thấy tính năng này trong lưới phòng không Iran đã thất bại.

Thủ tướng Iraq hối thúc Mỹ rút quân sau vụ Iran bắn tên lửa

Thủ tướng tạm quyền Adel Abdul-Mahdi đề nghị Ngoại trưởng Pompeo cử phái đoàn đến Iraq để xây dựng cơ chế về việc rút quân Mỹ khỏi nước này.

Sơn Trần

(theo CNN)

Bạn có thể quan tâm