"Bóng ma Microsoft" trở lại vào tuần trước khi Bộ Tư pháp Mỹ nộp đơn kiện Apple, cáo buộc lợi dụng vị thế thống trị của iPhone nhằm vi phạm luật chống độc quyền.
Những năm tới đây, CEO Tim Cook sẽ đối đầu với các luật sư chống độc quyền, nhằm bảo vệ đế chế kinh doanh mà ông gầy dựng sau khi Steve Jobs qua đời.
Từ khi nắm quyền vào năm 2011, Cook đã đưa Apple trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới. Vụ kiện xuất hiện đúng thời điểm tốc độ tăng trưởng iPhone chững lại, trong khi Táo khuyết tìm cách nắm bắt làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI).
Tình cảnh Apple đang đối mặt gợi nhớ về 25 năm trước, khi Bill Gates - CEO Microsoft thời điểm đó - chật vật trước cuộc chiến chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng.
Apple đang đối mặt điều gì?
Trong hồ sơ nộp ngày 21/3, chính phủ Mỹ nhiều lần nhắc đến Microsoft. Các luật sư cáo buộc Apple đã loại trừ đối thủ khỏi hệ sinh thái, yêu cầu công ty thay đổi cách vận hành nhằm hạn chế quyền lực.
Apple luôn tự bảo vệ trước những cáo buộc độc quyền, khi cho rằng họ phải chịu sức ép cạnh tranh từ Samsung và Android của Google. Trong khi đó, chính sách của hệ sinh thái iPhone nhằm bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng.
Sau khi chính phủ Mỹ nộp đơn kiện, Apple tuyên bố sẽ bảo vệ quyết liệt trước những cáo buộc.
Tim Cook khi tham quan một Apple Store tại Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Đây không phải lần đầu chính phủ Mỹ kiện công ty công nghệ vì độc quyền. Chiếu theo những tranh chấp trước đây, Apple sẽ chứng kiến nhiều năm tẻ nhạt với hàng loạt phiên điều trần, thu thập tài liệu và những câu chuyện không mấy liên quan đến lãnh đạo. Dù vậy, Cook sẽ là nhân vật chính.
Trở lại trường hợp Microsoft, trong đơn kiện năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc công ty tận dụng vị thế thống trị để chèn ép ứng dụng đối thủ trên hệ điều hành Windows, gồm trình duyệt web.
Theo WSJ, vụ kiện kéo dài 3 năm trước khi được Microsoft dàn xếp vào năm 2001. Dù vậy, những đợt kháng cáo và kiện tụng tại châu Âu phải đến 2009 mới kết thúc.
Theo thỏa thuận với chính phủ Mỹ, Microsoft áp dụng hàng loạt thay đổi, chẳng hạn như cho phép nhà sản xuất máy tính cài sẵn ứng dụng của đối thủ trước khi bán cho người dùng.
Vụ kiện Microsoft tạo cơ hội cho Apple
Thời điểm Bộ Tư pháp Mỹ kiện Microsoft, quy mô của Apple rất nhỏ, vừa gượng dậy sau khi thoát bờ vực phá sản.
"Bản thân Apple hưởng lợi từ vụ kiện ấy. Những biện pháp khắc phục đã mở đường để Apple ra mắt iTunes, iPod, cuối cùng là iPhone - các sản phẩm không bị hạn chế về mặt cạnh tranh, chi phí cao hoặc trả đũa", Jonathan Kanter, Trợ lý Tổng chưởng lý về chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết.
Đơn kiện chỉ ra thị phần của iPhone trên thị trường smartphone Mỹ đến 65%. Nếu so sánh vào thời điểm Microsoft bị kiện, hệ điều hành Windows chiếm hơn 90% thị trường.
Bill Gates trong phiên điều trần vụ kiện chống độc quyền của Microsoft cách đây 25 năm. Ảnh: AP. |
Trong tài liệu dài 88 trang, chính phủ Mỹ cho rằng thành công của máy nghe nhạc iPod - ra mắt trước iPhone - một phần do vụ kiện trước đó đã "hạn chế khả năng của Microsoft trong việc cấm các công ty như Apple phát hành iTunes trên PC (máy tính cá nhân) chạy Windows".
Tại thời điểm chưa dàn xếp, vụ kiện khiến Microsoft đối mặt nguy cơ bị chia tách. Tuy nhiên, thỏa thuận vào năm 2001 giữ công ty nguyên vẹn.
Nhiều người cho rằng đó là cơ hội để các công ty non trẻ tham gia một số lĩnh vực công nghệ mới nổi, chẳng hạn như dịch vụ trực tuyến, phân phối nhạc và viễn thông.
Nhìn chung, chính phủ Mỹ cho rằng vụ kiện với Microsoft đã tạo cơ hội để Apple trỗi dậy.
Microsoft chững lại sau kiện tụng
Cuộc chiến pháp lý khiến Microsoft chững lại trong một thời gian. Theo Gates, vụ kiện đã gây sao lãng, góp phần khiến công ty tụt lại trong lĩnh vực smartphone bùng nổ lúc bấy giờ.
"Không phải nghi ngờ, vụ kiện chống độc quyền đã ảnh hưởng tiêu cực đến Microsoft. Chúng tôi lẽ ra có thể tập trung hơn vào việc phát triển hệ điều hành di động. Ngày nay, bạn có thể đã dùng Windows Mobile thay vì Android...
Tôi quá sao lãng. Tôi đã sai lầm vì mất tập trung", đồng sáng lập Microsoft trả lời phỏng vấn năm 2019.
Khách tham quan cửa hàng của Apple. Ảnh: Shutterstock. |
Nếu Microsoft bỏ lỡ xu hướng smartphone, Apple đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Dự án xe điện đã thất bại sau 10 năm, trong khi kính thực tế Vision Pro còn lâu mới phổ biến như iPhone.
Một số nhà đầu tư cho rằng Apple đang chậm chân trong cuộc đua AI, lĩnh vực được chú ý nhờ các mô hình phát triển bởi OpenAI - công ty do Microsoft đầu tư mạnh.
Theo WSJ, hoạt động trong lĩnh vực AI và nền tảng đám mây đã thổi luồng gió mới vào Microsoft. Giá cổ phiếu của công ty 48 tuổi tăng vọt, vốn hóa vượt 3.000 tỷ USD, qua mặt Apple để trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới.
Trong khi đó, cổ phiếu Apple giảm 7% trong phiên kết thúc ngày 22/3. Về phần mình, Cook trấn an nhà đầu tư khi nói rằng Apple "nhận thấy tiềm năng đột phá đáng kinh ngạc với AI tạo sinh".
Tim Cook (trái) và Steve Jobs. Ảnh: AAP. |
Tin đồn cho biết Apple đang đàm phán với OpenAI, Google và Baidu để tích hợp mô hình ngôn ngữ vào các tính năng trên iPhone.
Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình Microsoft xuống dốc chỉ vì kiện tụng. Trên mạng xã hội X, nhà phân tích kỳ cựu Gene Munster nhận định tình hình mờ nhạt của Microsoft thời bấy giờ không liên quan nhiều đến cuộc chiến pháp lý, mà chủ yếu "xoay quanh văn hóa không đổi mới".
Trong khi đó, giới đầu tư tin rằng Apple ngày nay không phải Microsoft của quá khứ.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn