Một tháng sau, anh phát hiện 5 cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 43 tỷ đồng trong tủ biến mất.
Anh Lê Đình Trung (SN 1980), làm nghề kinh doanh cùng vợ là Tiêu Mỹ Ngọc, ngụ đường Điện Biên Phủ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa làm đơn khởi kiện Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ. Hai nhân viên ngân hàng và bố mẹ ruột đã cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Bị người thân “lừa” ký khống?
Theo nội dung đơn, gia đình anh hiện ở An Giang, do vợ có thai nên vợ chồng lên TP Cần Thơ khám bệnh trong khoảng một tuần.
Từ ngày 1 đến 2/6, vợ chồng anh nhận được điện thoại của ông Lê Hữu Phước (bố đẻ anh Trung) nói anh lên Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để ký giấy dự thưởng. Anh Trung và vợ lên ngân hàng đưa CMND và được nhân viên tên Lan Anh đưa rất nhiều tờ giấy trắng (giấy A4) cho vợ chồng anh ký.
“Chúng tôi ký tên nhanh chóng rồi về, không nắm rõ nội dung cũng như không nhận được sự tư vấn của nhân hàng ở An Giang hay Cần Thơ”, anh Trung nói.
Anh Trung đang hoang mang vì bỗng dưng mất tiền.
|
Đến ngày 4/7, anh Trung phát hiện 5 cuốn sổ tiết kiệm để ở nhà biến mất nên nghi ngờ những giấy tờ anh chị đã ký trước đó. Ngày hôm sau vợ chồng anh lên ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để hỏi thì được nhân viên Lan Anh cho biết, những giấy anh chị ký hôm trước là giấy chuyển nhượng.
5 cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 43,5 tỷ đồng của vợ chồng anh đã chuyển sang tên ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng (là bố mẹ anh Trung).
“Hôm 1/6, tôi nhận điện thoại của ông Phước lên ngân hàng ở Cần Thơ, chúng tôi đưa CMND và được nhân viên đưa giấy trắng cho ký. Tôi tưởng hôm đó lên ký giấy dự thưởng, vì mấy lần trước cũng đã ký giấy trắng rồi mà không sao. Không ngờ hôm đó giấy trắng tôi ký lại được gửi bưu điện về An Giang để điền thông tin vào làm giấy chuyển nhượng sổ cho ông Phước”, anh Trung nói.
Trưa 5/7, anh Trung quay về Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang để xin những giấy tờ mình đã ký trước đó, thì nhân viên tên Tố Như cho biết đã bàn giao hết giấy tờ cho ông Phước và bà Hồng.
“Sổ tiết kiệm do vợ chồng tôi đứng tên mà người khác mang đến ngân hàng để giao dịch nhưng ngân hàng không hề thông báo cho chúng tôi bằng bất cứ hình thức nào”, anh Trung bức xúc.
Có hay không dấu hiệu phạm tội?
Ngày 6/7, anh Trung trình báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang, sau đó nhận được giải trình do ông Nguyễn Minh Vũ, Phó giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang ký. Nội dung cho hay: Việt Á không can thiệp vào quá trình chuyển nhượng và chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng.
“Ông Trung và bà Ngọc đến VAB (Ngân hàng Việt Á- PV) Cần Thơ để yêu cầu thực hiện giao dịch chuyển nhượng trên do đang sống ở Cần Thơ. Việc chuyển nhượng hoàn toàn có sự thỏa thuận tự nguyện giữa các bên. VAB An Giang đã hoàn chỉnh biểu mẫu “giấy đề nghị chuyển quyền sở hữu” theo mẫu của VAB chuyển đến VAB Cần Thơ, hỗ trợ ông Trung và bà Ngọc ký tên”, bản giải trình ghi.
Biên bản làm việc của Ngân hàng Nhà nước tại An Giang với vợ chồng anh Trung vào ngày 8/7 có ghi, quá trình làm việc với ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang liên quan nội dung đơn khiếu nại còn phát sinh nhiều vấn đề khó khăn trong việc xác định hành vi chuyển nhượng.
Cụ thể, những yêu cầu chuyển nhượng với ngân hàng thực hiện tại chi nhánh Việt Á Cần Thơ. Do đó chi nhánh Ngân hàng nhà nước ở An Giang không đủ cơ sở xác định hành vi. Thẩm quyền xác định hành vi thuộc về cơ quan tư pháp có đủ chức năng trưng cầu giám định.
Thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ về nội dung đơn thư anh Trung tố cáo ông Phước và bà Hồng có “hành vi lừa đảo” chiếm đoạt tài sản, mà anh Trung đã gửi trước đó kết luận: Không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
“Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh đơn thư của ông Trung và bà Ngọc tố giác ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền 43,504 tỷ đồng là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Không có sự việc phạm tội và không khởi tố vụ án hình sự”, thông báo nêu.
Sau đó, anh Trung làm đơn khởi kiện giám đốc và nhân viên hai ngân hàng trên.
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Phạm Công Út, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng nếu vợ chồng anh Trung đến ngân hàng, được đưa những tờ giấy trắng mà cả hai cùng ký và ghi rõ họ tên khống vào, thì cũng giống như “tự ký vào bản án tử hình”. Vì khó có thể chứng minh rằng họ đã cùng ký khống vào những tờ giấy trắng để người khác điền vào nội dung ngoài ý muốn của họ.
Còn việc anh Trung mở tài khoản ở ngân hàng tại An Giang nhưng giấy chuyển nhượng lại làm ở Cần Thơ. Người chuyển nhượng ở Cần Thơ, người nhận chuyển nhượng lại ở An Giang, giấy chuyển nhượng được chuyển bưu điện từ Cần Thơ về An Giang để làm… theo luật sư Út, nếu vợ chồng anh Trung đã ký khống thật sự thì việc hợp thức hoá trên mặt giấy tờ có thể được thực hiện chuyển nhượng một cách lén lút nhưng hợp lệ.
“Nếu thực sự đây là một vụ lừa đảo từ những người thân trong gia đình để hòng chiếm đoạt gia sản của nhau thì có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Nhưng nếu là vu khống thì không khó để chứng minh, vì giao dịch này thực hiện đơn giản, có hệ thống camera an ninh của hai chi nhánh ngân hàng”, luật sư Út nói.
Ngày 27-28/9, phóng viên Tiền Phong tìm đến Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và Cần Thơ đề nghị gặp ban giám đốc chi nhánh để tìm hiểu thông tin, nhưng đại diện cả hai chi nhánh này đều “chối khéo” và yêu cầu phóng viên liên lạc với Ngân hàng Việt Á tại Hà Nội.
Tiền Phong sẽ tiếp tục cập nhật vụ việc này ngay khi có thông tin.