Sáng 22/5, thảo luận về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm Y tế, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra một vấn đề mà "các báo cáo tại Quốc hội không đề cập tới nhưng khá nhiều các vị đại biểu Quốc hội đã nói".
"Tối hôm qua và mấy ngày gần đây chúng ta chứng kiến sự nuối tiếc về thất bại của cả 2 đội tuyển nữ bóng đá và bóng chuyền Việt Nam trước các đối thủ Thái Lan - một quốc gia rất gần gũi về địa lý, vốn có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam trên lĩnh vực thể thao và thể trạng", ông Quốc mở đầu bài phát biểu.
Theo ông, chừng 20 năm sắp tới Thái Lan còn có thể bỏ xa Việt Nam trên lĩnh vực này nếu chúng ta không quan tâm cải thiện một vấn đề rất hệ trọng là cải thiện và nâng cao thể trạng của giống nòi.
Thể hình của nhiều cầu thủ Việt Nam thua kém xa các đồng nghiệp Thái Lan. |
"Có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận, chiều cao trung bình của người Việt Nam ngày càng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Cụ thể, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện tại mới đạt 1,63m, so với Hàn Quốc là 1,73m, Trung Quốc 1,72m, Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đạt trên 1,7m", đại biểu này nói.
Nguồn gốc của hiện trạng trên đã được thể hiện trong lời cảnh báo của tổ chức UNICEF được Viện Dinh dưỡng Việt Nam kiểm chứng: Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới nhưng cũng là quốc gia đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới. Trong số 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có 2,5 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng mãn tính; 1/10 suy dinh dưỡng cấp tính. Trẻ em suy dinh dưỡng còn có ngay ở các đô thị phát triển như Hà Nội, TP. HCM.
"Nói một cách đơn giản thì 30% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng. Thật là nghịch lý khi thực trạng này được xảy ra ở một quốc gia xã hội chủ nghĩa thừa lương thực, có lượng xuất khẩu gạo đứng nhất nhì toàn cầu", ông Quốc nói và chia sẻ, phân tích khoa học cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là hậu quả của nghèo đói mà còn là hậu quả của tình trạng thiếu hiểu biết và thiếu hướng dẫn về khoa học dinh dưỡng trong việc chăm sóc trẻ nhỏ.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng ta là một trong những quốc gia sớm nhất ký công ước về quyền trẻ em mà chế độ bảo hiểm y tế lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em là điều không thể chấp nhận được".
Do đó, đại biểu này đề nghị nên bổ sung quyền được khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi bởi đó chỉ là sự bổ sung một căn bệnh mà thế giới đã khuyến cáo có nguy hại cho tương lai quốc gia.
"Thực tiễn nóng bỏng mới đây khi rất nhiều bệnh dịch bùng phát cướp đi sinh mạng của nhiều cháu nhỏ mà kết luận của giới y tế đã nhận định rằng hậu quả tử vong có sự góp phần của thể trạng suy dinh dưỡng đã hạn chế khả năng đề kháng của nhiều cháu. Vì kết luận khoa học cũng cho thấy trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong gấp 9 lần trẻ không mắc bệnh suy dinh dưỡng", ông Quốc chia sẻ.
Chốt lại bài phát biểu, nhà sử học này cho rằng, nếu chúng ta không quan tâm đến đòi hỏi tối thiểu chính đáng và hợp lý này trong cơ hội sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế lần này thì "chúng ta đừng bao giờ mơ đến mục tiêu sánh vai cùng các nước trong khu vực chứ đừng nói đến cao vọng của một dân tộc sánh vai cùng các cường quốc năm châu".