Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng đá Nhật Bản ồ ạt khai thác thị trường Việt Nam

Việt Nam là một trong những thị trường giàu tiềm năng nhất ở khu vực ĐNA mà các CLB J.League muốn khai thác và tìm kiếm những tài năng sáng giá.

Mito Hollyhock tin rằng cú bắt tay với bầu Đức thông qua thương vụ Công Phượng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế giữa hai quốc gia.

Tại sao các CLB J.League lại muốn đẩy nhanh việc xâm nhập thị trường Việt Nam? Đây không phải là câu hỏi riêng về lĩnh vực bóng đá. Phía Nhật Bản đánh giá Việt Nam có thị trường đầy tiềm năng, đang đối mặt với giai đoạn dân số vàng khi số người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân. Với sự gia tăng của các nhóm thu nhập trung bình, thị trường tiêu dùng Việt Nam hứa hẹn là nơi khai thác lý tưởng cho J.League.

Kawasaki Frontale là đội bóng tiên phong trong việc này. Thông qua công ty mẹ đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đội bóng này đã bắt tay với B.Bình Dương, tổ chức một trận đấu giao hữu vào mùa hè 2013. Bên cạnh đó, hai đội bóng còn thực hiện hàng loạt chương trình hợp tác khác xung quanh vấn đề đào tào trẻ, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người hâm mộ Việt Nam, đội bóng J.League này còn mở ra một trang Facebook bằng tiếng Việt.

Ngoài ra, Consodale Sapporo cũng đã hợp tác với CLB Đồng Tâm Long An (nay đổi tên thành Long An – PV) từ năm 2013. Đội bóng này là nơi Lê Công Vinh đã sang thi đấu 7 tháng. Hiện nay, Sapporo chuyển sang bắt tay với Irfan Bachdim trong chiến lược khai thác thị trường tại Indonesia. Nhưng giữa hai CLB vẫn còn liên hệ trong việc đào tạo trẻ.

Cerezo Osaka cũng ganh đua với những đội bóng đồng hương để nhảy vào thị trường Việt Nam. Tháng 9/2015, họ tổ chức sự kiện “Cerezo Osaka Fan Festival” nhằm giao lưu giữa cầu thủ và CĐV của đội bóng đồng thời đưa đội bóng sang đá giao hữu với U23 Việt Nam. Trước đó, họ đã mở văn phòng tại TP HCM, để kết nối dễ dàng CĐV tại Việt Nam với CLB. Trên Facebook, CLB này cũng mở ra một phiên bản tiếng Việt bên cạnh các thứ tiếng khác như Anh, Thái Lan và Indonesia.

Cac CLB J.League khai thac thi truong Viet Nam anh 1

Gamba Osaka hợp tác đào tạo trẻ toàn diện với PVF gồm nhiều điều khoản có lợi cho cả hai bên, mở ra cơ hội cho các cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu.

 

Hàng loạt đội bóng danh tiếng vào Việt Nam đào tạo trẻ

Man United, Man City… đều có kế hoạch liên kết đào tạo cầu thủ trẻ tại Việt Nam. Trước đó, Arsenal đã kết hợp thành công cùng HAGL và JMG để thành lập học viện bóng đá.

Gamba Osaka – đội bóng từng vô địch AFC Champions League đã ký hợp tác toàn diện 2 năm với Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) nhằm đào tạo cầu thủ trẻ và đưa những tài năng triển vọng sang J.League thi đấu. HLV Daisuke Michinaka sẽ trực tiếp qua TP HCM làm việc để đào tạo, tuyển chọn cầu thủ. PVF là lò đào tạo trẻ có thành tích tốt nhất Việt Nam những năm qua nên họ hy vọng thông qua cú “bắt tay” này sẽ giới thiệu những nhân tố xuất sắc sang Nhật Bản rèn giũa tài năng, trở về phục vụ cho ĐTQG trong tương lai.

Việc hợp tác giữa hai nền bóng đá còn được thể hiện như việc Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) đã giới thiệu hai 2 HLV Toshiya Miura và Takashi sang dẫn dắt hai ĐTQG nam và nữ Việt Nam; Toyota trở thành nhà tài trợ chính của V.League; việc khai thác thương quyền ĐTQG nằm trong một công ty của Nhật Bản; công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) học hỏi mô hình của J.League, dùng trưởng giải người Nhật Bản...

Trong việc hợp tác, không thể bỏ qua trường hợp của Mito Hollyhock và Yokohama FC. Hai CLB ở J.League 2 này đã được chú ý khi mượn thành công hai tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Việt Nam là Công Phượng và Tuấn Anh từ HAGL sang thi đấu trong vòng một năm. Hiệu ứng gần như được tạo ra ngay lập tức khi số lượng người Việt Nam theo dõi họ trên mạng xã hội tăng đột biến. Những tin tức về Công Phượng, Tuấn Anh từ bên Nhật Bản luôn được quan tâm sát sao.

Hai CLB này không giấu ý định sẽ thu hút thêm nhiều nhà tài trợ, gia tăng nguồn thu đồng thời thúc đẩy về kinh tế, du lịch. Trang chủ của J.League nhận xét: "Việc tiền đạo Nguyễn Công Phượng sang thi đấu cho Mito Hollyhock có thể là sự khởi đầu hướng tới một mô hình mới cho J.League khi các đội bóng mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Mito Hollyhock hy vọng Công Phượng sẽ thúc đẩy doanh thu của đội bóng vốn ở mức 500 triệu yen (4,2 triệu USD) – thấp nhất trong số các đội ở J.League 2”.

Bài toán cạnh tranh thị phần

Một lý do khác khiến J.League đẩy mạnh việc đầu tư vào Việt Nam là để cạnh tranh với K.League (Hàn Quốc) trong việc khai thác thị phần. Cuối tháng 10/2015, Đài truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) đã công bố bản quyền phát sóng K.League từ năm 2015 – 2017. Các trận đấu của 12 CLB K.League sẽ được phát sóng trực tiếp vào trưa các ngày cuối tuần trên kênh Thể thao TV và Bóng đá TV.

Sự kiện này cho thấy quyết tâm lớn của các đội bóng Hàn Quốc trong việc tạo ảnh hưởng, sức hút đối với người hâm mộ Việt Nam. Sự chú ý được đẩy lên đến đỉnh điểm khi CLB Incheon United công bố bản hợp đồng mượn Lương Xuân Trường thi đấu trong vòng 2 năm, với mức phí ước tính 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng). Mức lương mà cầu thủ người Tuyên Quang nhận được cao hơn nhiều so với Tuấn Anh và Công Phượng. Đặc biệt, anh có cơ hội lớn để ra sân ở giải đấu cao nhất Hàn Quốc chứ không chơi ở giải hạng 2 Nhật Bản như 2 người bạn.

Cac CLB J.League khai thac thi truong Viet Nam anh 2
Yokohama FC ngoài việc mượn Tuấn Anh về thi đấu còn đưa đội hình mạnh nhất sang Việt Nam thi đấu giao hữu. Ảnh: Nguyễn Đăng

PVF tìm cơ hội cho cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu

Sáng 3/3, PVF và CLB Gamba Osaka đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện trong vòng 2 năm, nhằm đào tạo cầu thủ, đồng thời giới thiệu những nhân tố xuất sắc sang Nhật Bản thi đấu.

J.League có nhiều lợi thế hơn K.League ở Việt Nam, nhưng không vì thế mà họ chủ quan. Cuối tháng 1 vừa qua khi đội bóng của Tuấn Anh là Yokohama FC sang Gia Lai đá giao hữu, ông Kei Koyama – đại diện phòng Quan hệ quốc tế của J.League cũng có mặt. Không chỉ ngồi dự khán các trận đấu, ông còn thăm dò về cơ sở vật chất, không khí cổ động bóng đá trên sân.

“Tôi công tác tại phòng đối ngoại của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản. Nhiệm vụ của tôi là quảng bá hình ảnh J.League tại thị trường Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam. Việc cầu thủ của các bạn có mặt ở giải đấu của chúng tôi cũng thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí”, Kei Koyama cho biết. Ông hy vọng trong tương lai các trận đấu của J.League sẽ được phát sóng rộng rãi tại thị trường Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cũng “bật đèn xanh” cho việc này bằng việc tài trợ kinh phí.

Jun Usumi, phóng viên người Nhật Bản sống lâu năm tại Việt Nam không ngạc nhiên khi thấy nhiều cầu thủ Việt Nam được các đội bóng J.League để ý đến. Ông từng chia sẻ trên Zing.vn: Mục đích chính của J.League bây giờ là biến thị trường Đông Nam Á thành đối tác tin cậy nhất của mình, vừa là nơi tiêu thụ sức hút của họ, vừa là nơi đào tạo cung cấp những tài năng mới không thua kém Đông Á. Với mục tiêu đó, họ sẽ giúp ĐNA vươn lên một tầm cao mới, đổi lại, các nước ĐNA sẽ xem J.League với con mắt mà họ đang hâm mộ giải Ngoại hạng Anh như bây giờ”.

Người Nhật e dè điều gì

Dĩ nhiên, việc hợp tác không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) đã tiến cử cho VFF hai HLV Toshiya Miura và Norimatsu Takashi để dẫn dắt ĐTQG nam và nữ Việt Nam. Tuy nhiên, hai ông không để lại nhiều dấu ấn. Cuối nhiệm kỳ, hai HLV này hứng chịu nhiều chỉ trích bởi sự bảo thủ, cứng nhắc về lối chơi cùng thành tích không được cải thiện để rồi phải ra đi sớm. Trên trang ja.ifaf.asia, cây bút Sato cho rằng việc VFF chấm dứt hợp đồng với hai HLV này cho thấy tầm nhìn ngắn hạn của những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam và rằng nội bộ VFF không phải là một khối thống nhất.

Cac CLB J.League khai thac thi truong Viet Nam anh 3
HLV Toshiya Miura bị VFF chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dù có lúc ông được kỳ vọng rất cao.

Tuấn Anh muốn ghi bàn cho Yokohama

Sang thi đấu tại J.League 2 trong năm 2016, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh mong muốn thể hiện được khả năng của mình cùng Yokohama FC, đồng thời có cơ hội khoác áo ĐTVN.

Và điểm khiến người Nhật lo sợ khi đầu tư vào Việt Nam là môi trường bóng đá chưa chuyên nghiệp, đồng thời đây là khu vực nổi tiếng về nạn dàn xếp tỷ số. V.League vài năm gần đây chứng kiến hàng loạt cầu thủ của V.Ninh Bình và Đồng Nai “xộ khám” vì bán độ. Tình trạng các đội bóng thay tên, đổi chủ hay biến mất vẫn còn diễn ra. Nền tảng tài chính của nhiều đội bóng V.League không vững, chỉ phụ thuộc vào một công ty nên nguy cơ bị giải thể vẫn cao… Nhật Bản đang muốn giúp Việt Nam thay đổi điều đó bằng việc bắt tay với VFF, VPF nhưng mọi chuyện vẫn còn chờ thời gian để trả lời.




Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm