Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bóng đá hái ra tiền nên HLV muốn cầu thủ chấn thương nhanh trở lại'

Xét về thành tích, bóng đá Việt Nam có nhiều sự chuyển biến tích cực ở mặt bằng chung của châu Á. Tuy nhiên, nền y học thể thao của chúng ta vẫn tồn tại vấn đề.

Với chấn thương ở trận siêu cúp quốc gia, Duy Mạnh trở thành cầu thủ thứ 6 trong lứa Thường Châu bị đứt dây chằng sau Văn Thanh, Văn Đức, Đình Trọng, Xuân Trường, Xuân Mạnh. Họ đều là những người thi đấu nhiều trong 2 năm qua. Lịch thi đấu dày đặc là nguyên nhân lớn, nhưng số ca chấn thương cũng phản ánh phần nào nền y học thể thao chưa phát triển ở Việt Nam.

Zing.vn có buổi phỏng vấn với chuyên gia người Đức Pablo Sawicki về chấn thương dây chằng cũng như tình trạng y học thể thao ở Việt Nam. Ông Sawicki từng có thời gian làm việc ở đội tuyển quốc gia và U20 Việt Nam với vai trò bác sĩ vật lý trị liệu. Ngoài ra, ông có 2 năm làm việc cùng Liên đoàn Bóng đá Thái Lan.

y hoc the thao o viet nam anh 1

Duy Mạnh (ngồi) và Đình Trọng (bìa phải) là 2 trong số 6 cầu thủ lứa U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á 2018 bị đứt dây chằng. Ảnh: Quang Thịnh.

Nguyên nhân chính gây ra đứt dây chằng

- Mới đây, trung vệ Duy Mạnh trở thành cầu thủ thứ 6 trong đội hình Thường Châu mắc chấn thương đứt dây chằng? Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu?

- Khi tôi biết được thông tin có tới 6 cầu thủ dính chấn thương đứt dây chằng, tôi thấy hơi lo lắng. Trước hết, tôi cần nhấn mạnh việc đứt dây chằng có thể đến với bất cứ cầu thủ nào, dù được đào tạo bài bản hay không. Đôi khi mọi chuyện chỉ đơn giản là thiếu may mắn, ví dụ như Niklas Suele của Bayern Munich.

Tỷ lệ chấn thương trong đội hình U23 Việt Nam năm 2018 là khá cao. Với chấn thương dây chằng, tôi nghĩ có 3 nguyên nhân chính: Thiếu may mắn, chẩn đoán sai dẫn đến các bài tập hồi phục sai và chẩn đoán chính xác nhưng thời gian nghỉ hồi phục quá ngắn.

- Cần làm gì để giảm thiểu chấn thương này?

- Thời gian nghỉ hồi phục chức năng là rất quan trọng. Trong khoảng thời gian này, cầu thủ không được thi đấu và chỉ tập trung vào việc nghỉ ngơi, hồi phục. Nếu thời gian nghỉ quá ngắn, vết thương nhỏ có thể trở nên nghiêm trọng và đứt hoàn toàn. Vì vậy, điều quan trọng là các HLV trưởng cần tin tưởng và làm việc dựa trên lời khuyên của bác sĩ. Đương nhiên là các bác sĩ cũng cần làm tốt nhiệm vụ chẩn đoán và đưa ra các bài tập phù hợp.

Tôi biết bóng đá là việc hái ra tiền và HLV luôn muốn các cầu thủ trở lại nhanh chóng. Cả câu lạc bộ lẫn ban huấn luyện đều phải lên kế hoạch kỹ càng cho những trường hợp này. Nếu cầu thủ trở lại quá sớm, anh ta có thể tái phát chấn thương và đội bóng sẽ có kết quả không tốt.

y hoc the thao o viet nam anh 2

Trong buổi họp báo sau trận siêu cúp quốc gia, HLV Chu Đình Nghiêm xác nhận Đình Trọng chưa thể bình phục hoàn toàn do trở lại tập luyện quá sớm. Ảnh: Duy Anh.

- Trung bình, mỗi cầu thủ mất bao lâu để trở lại sân cỏ sau khi bị đứt dây chằng?

- Thời gian để một cầu thủ có thể trở lại sau chấn thương dây chằng là 7-9 tháng. Nếu có những bài tập phục hồi hiệu quả cùng chuyên gia vật lý trị liệu, anh ta có thể lấy lại 100% phong độ.

- Nhiều cầu thủ thường có tâm lý sợ bóng mỗi khi trở lại. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Khoảng thời gian nghỉ dài khiến các cầu thủ muốn trở lại sân cỏ thật sớm. Khi đó, chân của họ chưa thật sự khỏe, vì vậy tâm lý sợ bóng đã xuất hiện. Nếu họ phục hồi tốt và khoẻ mạnh, họ sẽ tự tin mà thôi. Ở Bundesliga, một số cầu thủ gặp vấn đề cũng sẽ tìm đến bác sĩ tâm lý để trò chuyện, khắc phục.

- Bác sĩ thể thao khác gì với bác sĩ bình thường?

- Tất cả bác sĩ đều học cùng một chương trình ở trường đại học. Tuy nhiên, khi bước vào chuyên ngành, họ sẽ có những lựa chọn khác nhau. Bác sĩ thể thao thường chọn chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.

Nền y học thể thao nghiệp dư của Việt Nam

- Ông từng làm việc ở nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan. Vậy ông có thể so sánh sự khác biệt về nền y học thể thao ở Việt Nam với các nước khác không?

- Thật khó để so sánh giữa Việt Nam và Thái Lan hay bất cứ quốc gia nào mà tôi từng làm việc. Mỗi nơi đều có những tiêu chuẩn riêng, nhưng có những điều cơ bản như thế này.

Đội ngũ y tế ở Đức cũng như Thái Lan (và phần lớn trên thế giới) bao gồm một bác sĩ thể thao và một chuyên gia vật lý trị liệu. Họ sẽ phân chia công việc với nhau. Họ làm việc cùng nhau nhưng mỗi người sẽ có một sở trường. Khi có cầu thủ bị chấn thương, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ và quyết định làm gì tiếp theo. Bình thường, cầu thủ sẽ được đưa đi chụp X-quang hoặc MRI.

Lúc này, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin cho chuyên gia vật lý trị liệu. Chuyên gia này là người đưa ra giáo án tập luyện nhằm phục hồi tốt nhất cho cầu thủ. Quyền quyết định lúc này hoàn toàn thuộc về chuyên gia chứ không phải là bác sĩ.

y hoc the thao o viet nam anh 3

Ông Pablo không đánh giá cao nền y học thể thao tại Việt Nam. Ảnh: VFF.

Khi chuyên gia nhận định việc hồi phục đã ổn và cầu thủ có thể tập luyện trở lại, bác sĩ sẽ kiểm tra hoặc chụp MRI một lần nữa. Nếu mọi thứ đều ổn, cầu thủ đó sẽ được trở lại tập luyện, trước hết là với HLV thể thao, rồi sau đó mới là các bài tập luyện với bóng và dần quay lại thi đấu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, bác sĩ làm tất cả công việc kể trên. Anh ta sẽ đưa ra một chẩn đoán (có thể nhận sự trợ giúp của MRI), rồi quyết định về thời gian nghỉ ngơi của cầu thủ. Sau đó, anh ta lại tiếp tục thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cùng với HLV thể thao hoặc hoàn toàn một mình.

Tôi nghĩ đội ngũ y tế thể thao ở Đức hoặc Thái Lan chuyên nghiệp hơn nhiều. Ở Việt Nam tôi cũng gặp nhiều người được gọi là "bác sĩ", nhưng không bao giờ sử dụng thuốc hay vật lý trị liệu mà chỉ có kiến ​​thức từ kinh nghiệm. Họ cũng chơi bóng đá từ khi còn nhỏ và quan sát cách chữa trị từ những người khác rồi áp dụng lại.

Và những "bác sĩ" này đang điều trị cho các cầu thủ ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp chuyên nghiệp. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những người như thế này ở bất kỳ giải đấu nước ngoài nào khác mà tôi biết. Điều này không chuyên nghiệp.

- Đội ngũ y tế của đội tuyển Việt Nam thường có 3 bác sĩ. Theo ông, con số này có đủ hay không?

- Theo tôi, con số không nói lên chất lượng hay sự chuyên nghiệp. Với một đội bóng, đôi khi chỉ cần một bác sĩ thật giỏi là đủ, nhưng phải là bác sĩ thật sự đấy nhé, không phải những "bác sĩ" mà tôi kể trên. Một đội ngũ y tế cần ít nhất một bác sĩ chính và một chuyên gia vật lý trị liệu.

- Ông có lời khuyên nào để tình trạng y học thể thao ở Việt Nam được cải thiện?

- Để cải thiện tình hình y học thể thao ở Việt Nam, tôi nghĩ các câu lạc bộ nên là những người tiên phong, vì họ là nguồn cung cấp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Các câu lạc bộ cần bổ sung những chuyên gia vật lý trị liệu để giải quyết các bài toán về phục hồi chức năng.

y hoc the thao o viet nam anh 4

Các câu lạc bộ cần quan tâm nhiều hơn đến việc bổ sung chuyên gia vật lí trị liệu trong đội ngũ y tế. Ảnh: Thế Anh.

Họ cần biết việc mời những chuyên gia là một khoản đầu tư thông minh. Bởi vì một bác sĩ thể thao không thể biết hết mọi thứ. Các bác sĩ có lượng kiến thức rộng lớn về các chấn thương, phương pháp chẩn đoán và có thể là phẫu thuật nữa. Tuy nhiên, để một ca chấn thương có thể phục hồi hiệu quả, họ cần sự trợ giúp của những chuyên gia vật lý trị liệu.

Tôi biết ở Việt Nam từng có một nữ cầu thủ phải giải nghệ vì không được hồi phục đúng cách sau chấn thương dây chằng. Tôi muốn giúp đỡ, nhưng cô ấy lại không biết tiếng Anh hoặc tiếng Đức và lúc đó tôi cũng phải rời Việt Nam. Tôi rất tiếc về trường hợp này.

Một việc cần thiết mà VFF có thể làm đó là cho các bác sĩ đi tu nghiệp ở các khoá đào tạo quốc tế. Tại đây, họ có thể học hỏi và trao đổi với những đồng nghiệp khác để nâng cao năng lực chuyên môn.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Duy Mạnh được hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương

Trung vệ sinh năm 1996 được BLĐ CLB Hà Nội hỗ trợ điều trị chấn thương đứt dây chằng mắc phải khi tham dự trận tranh siêu cúp quốc gia cách đây ít ngày.

Nguyên Khang

Bạn có thể quan tâm