Trên Nikkei Asia Review, chuyên gia tài chính Frederic Neumann thuộc HSBC cảnh báo châu Á cần đảm bảo hỗ trợ hiệu quả nền kinh tế phục hồi từ dịch Covid-19 mà vẫn tránh được nguy cơ bom nợ bùng nổ.
Tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, nợ hộ gia đình tính trên GDP tăng từ 45% năm 2008 lên hơn 60% năm ngoái. Mức này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 100% của Mỹ, nhưng vấn đề là thu nhập bình quân đầu người ở châu Á thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nếu nợ hộ gia đình chạm ngưỡng 70% GDP, nền kinh tế sẽ đối mặt với tình trạng bất ổn tài chính và sụt giảm tăng trưởng.
Ở các nền kinh tế Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan, tỷ lệ nợ hộ gia đình lên đến gần 90% GDP hoặc cao hơn. Tại Trung Quốc và Singapore, tỷ lệ đang tiếp cận ngưỡng 70%.
Nhân viên phục vụ dọn bàn tại một nhà hàng ngoài trời ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Chuyên gia Neumann cho biết khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á bước vào đại dịch Covid-19 với tỷ lệ nợ cao hơn nhiều. Do đó, rủi ro kinh tế sụt giảm là rất nghiêm trọng.
Như vậy, các ngân hàng trung ương khu vực đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan khi vẫn phải bơm tiền để kích thích nền kinh tế. Nếu sớm thắt chặt tài khóa, quá trình phục hồi sẽ càng trở nên chậm chạp. Nhưng nếu các ngân hàng trung ương thả nổi chính sách tiền tệ lâu dài, nợ sẽ tăng vọt, tạo ra các bong bóng tài sản khổng lồ.