Theo Bloomberg, các loại tiền mã hóa như Dogecoin, Shiba Inu và những đồng tiền ra đời như trò đùa khác đều bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với Bitcoin, Ethereum và các loại tiền lớn khác.
So với mức cao kỷ lục đạt được hồi tháng 5, giá Dogecoin đã giảm gần 80%. Còn Shiba Inu sụt giá hơn 65% so với đỉnh tháng 10. Khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh từ hàng tỷ USD xuống chỉ còn tiền triệu.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 8/1 (theo giờ Việt Nam), giá Dogecoin được giao dịch ở mức 0,1575 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền bị thu hẹp còn 20 tỷ USD.
Còn giá Shiba Inu ở mức 0,00002975 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền đạt hơn 16 tỷ USD. Dogecoin và Shiba Inu lần lượt là đồng tiền có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ 12 và 13.
Giá Shiba Inu đạt đỉnh vào ngày 28/10/2021. Đến nay, đồng tiền đã sụt giá hơn 66% so với mức đỉnh. Ảnh: CoinMarketCap. |
Giá giảm mạnh
Giá Bitcoin và Ether - hai đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thế giới - cũng lao dốc mạnh từ mức đỉnh. Hôm 7/1, giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng.
So với đỉnh 68.789 USD/đồng thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã sụt giá 38,89%. Trong khi đó, giá Ether giảm 34,15% từ đỉnh 4.891 USD/đồng (thiết lập vào ngày 16/11). Tuy nhiên, mức sụt giảm vẫn thấp hơn nhiều của Dogecoin và Shiba Inu.
Đà tăng giá điên cuồng từng bắt đầu với Dogecoin, một token kỹ thuật số được tạo ra vào năm 2013 bởi cặp đôi kỹ sư phần mềm. Đồng tiền tăng giá mạnh sau nhiều lần nhận được sự ủng hộ của CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk. Musk thậm chí cho rằng loại memecoin này thú vị hơn Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác.
Hồi năm ngoái, vị tỷ phú đã đăng tweet cho biết đang hợp tác với các nhà phát triển Dogecoin "để cải thiện hiệu quả giao dịch trên hệ thống". Thông báo đẩy giá đồng tiền tăng vọt chỉ trong vòng vài phút.
Cách đây 8 tháng, giá Dogecoin đã chạm mức kỷ lục 0,7376 USD/đồng. Giới quan sát thậm chí cho rằng đồng tiền có thể cán mốc giá 1 USD/đồng. Nhưng giờ, giá đã sụt giảm gần 80% từ mức đỉnh. Ảnh: CoinMarketCap. |
Nhưng theo nhà phân tích Sean Williams, ngoại trừ thông báo của Musk về việc đang hợp tác với các nhà phát triển để cải thiện mạng lưới, không có bất cứ dòng tweet hay meme nào khác của CEO Tesla giúp thúc đẩy những yếu tố cơ bản của đồng tiền.
Trên thực tế, Musk từng quay lưng với Bitcoin. "Do đó, sự ủng hộ của ông ta đối với Dogecoin không còn đáng tin", ông Williams nhấn mạnh. "Tôi cho rằng vụ nổ bong bóng của Dogecoin là hoàn toàn có thể dự đoán trước được", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thứ nhất, tính ứng dụng của Dogecoin trong thế giới thực rất hạn chế. Đồng tiền có thể được mua bán trên Coinbase ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.400 doanh nghiệp (chủ yếu là ít tên tuổi) chấp nhận Dogecoin như một hình thức thanh toán, theo Cryptwerk.
Hơn nữa, họ cũng không là những người tiên phong. Bởi phải mất đến 8 năm, Dogecoin mới tiếp cận được khoảng 1.400 trên tổng số 582 triệu doanh nghiệp trên toàn cầu.
Bong bóng bị thổi phồng
Nếu cần tìm thêm bằng chứng cho thấy Dogecoin đã bị thổi phồng quá mức, chỉ cần nhìn vào số lượng giao dịch hàng ngày trên blockchain của đồng tiền này.
Sau khi đạt trung bình 35.000-55.000 giao dịch/ngày từ tháng 7/2020 đến tháng 5/2021, Dogecoin chỉ ghi nhận 20.000-35.000 giao dịch/ngày trên blockchain vào tháng 6. Để so sánh, Visa có khả năng xử lý khoảng 24.000 giao dịch/giây.
Trong khi đó, phí giao dịch của Dogecoin cao hơn rất nhiều các loại tiền mã hóa phổ biến khác.
Một trong những lập luận của người ủng hộ Dogecoin là phí giao dịch của đồng tiền thấp hơn nhiều so với hai đồng tiền lớn, Bitcoin và Ethereum. Điều này không sai. Nhưng phí giao dịch của Dogecoin cũng lớn hơn đáng kể những đồng tiền khác.
Tôi cho rằng vụ nổ bong bóng của Dogecoin là hoàn toàn có thể dự đoán trước được. Sự ủng hộ của Elon Musk đối với Dogecoin không còn đáng tin
Nhà phân tích Sean Williams
Stellar, Nano, IOTA, Litecoin, Cardano, Ripple, Monero, Bitcoin SV, Bitcoin Cash, Ethereum Classic, DigiByte, Dash và một danh sách dài loại tiền thuật toán khác đều có phí giao dịch thấp hơn Dogecoin.
Trong nhiều trường hợp, những mạng này cũng xác minh và giải quyết các giao dịch nhanh hơn Dogecoin.
Thêm vào đó, có một nguồn cung vô tận những loại tiền mã hóa mới. Các dự án blockchain cũng được giới thiệu thường xuyên. Do đó, việc thiếu lợi thế cạnh tranh khiến Dogecoin dễ dàng bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
Một trong những mục đích cốt lõi của tiền mã hóa là đảm bảo tính phi tập trung, tức không có thực thể lớn nào thể hiện quyền kiểm soát đáng kể đối với Dogecoin. Tuy nhiên, Dogecoin đã thất bại trong việc này.
Theo BitInfoCharts, trên tổng số hơn 3 triệu địa chỉ sở hữu Dogecoin trị giá ít nhất 1 USD, chỉ 95 địa chỉ kiểm soát 66,01% tất cả token đang lưu hành. Khi những "cá voi" này bán tháo, giá đồng tiền sẽ lao dốc mạnh.