Dịch virus corona chủng mới (Covid-19) đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu và có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào bế tắc. Dịch bệnh khởi nguồn từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hiện đã bùng phát tại Hàn Quốc, Italy, Iran và Mỹ.
Theo Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD (tương đương GDP Anh quốc).
Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất trong 4 kịch bản Bloomberg Economics đưa ra dựa trên tình trạng ở Trung Quốc, số ca nhiễm tại các nước, nguy cơ đối với hệ thống cung ứng toàn cầu và mô hình kinh tế toàn cầu.
Ngày 2/3, OECD cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% xuống còn 2,4% và cảnh báo có thể giảm xuống 1,5%.
Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng khi dịch virus corona hoành hành tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Kinh tế thế giới lao đao
Dịch virus corona chủng mới khiến doanh số ôtô tại Trung Quốc sụt giảm 80%, lượng người tham gia giao thông giảm 85%, các hoạt động kinh doanh lao dốc xuống mức thấp kỷ lục. Thực chất, nền kinh tế đã gần như tê liệt.
Giới chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2020 của Trung Quốc sẽ trượt xuống 1,2%. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu nền kinh tế Trung Quốc không thể khôi phục hoạt động trong tháng 3.
Trung Quốc là nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn đối với phần còn lại của thế giới. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 2.100 tỷ USD. Quốc gia 1,4 tỷ dân cũng là nguồn thu lớn của các công ty đa quốc gia như Starbucks hay Yum.
Khi người Trung Quốc không đi du lịch, từ những khu nghỉ dưỡng ở châu Á cho đến các nhà hàng ở Paris (Pháp) đều chịu tổn thất lớn. Ngoài ra, Trung Quốc là nhà sản xuất linh kiện sản xuất lớn nhất thế giới. Khi các nhà máy Trung Quốc ngừng hoạt động, nguồn cung điện thoại iPhone và máy móc xây dựng đều bị ảnh hưởng.
Tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp nhỏ cũng rất đáng kể. Tại Hong Kong, chủ một hãng trang sức khốn đốn vì nhà cung cấp Trung Quốc của hãng này tạm ngừng hoạt động.
Thay vì 1.000 chiếc nhẫn mỗi ngày, công nhân của ông giờ chỉ sản xuất được vỏn vẹn một chiếc mỗi tuần. “Tôi đang quay trở lại sản xuất trang sức truyền thống”, Bloomberg dẫn lời ông than vãn.
Cảnh vắng vẻ ở Bắc Kinh hồi tháng 2. Ảnh: CNN. |
Trước đây, các cú sốc tại Trung Quốc từng ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm việc đồng NDT mất giá hồi năm 2015. Hiện, dịch virus corona lặp lại kịch bản này với quy mô lớn hơn, cổ phiếu toàn cầu lao dốc, nguồn tin của các hộ gia đình và niềm tin kinh doanh bị giáng đòn mạnh.
Nếu Trung Quốc sớm kiểm soát được dịch bệnh và "công xưởng của thế giới" hoạt động trở lại trong quý II/2020, tác động lên phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu có thể được ngăn chặn.
Đây là một kịch bản khá khả quan, bởi theo nền tảng Made-in-China.com, khoảng 80% công ty sản xuất đã hoạt động trở lại vào cuối tháng 2. Đến cuối tháng 4, hoạt động sản xuất sẽ trở lại bình thường, theo CEO Made-in-China.com Li Lei.
Gián đoạn cục bộ và nguy cơ tê liệt
Tuy nhiên, vẫn khó có thể dự đoán tác động của dịch bệnh đối với GDP cả năm của Mỹ và các nước khác. Một tháng trước, khi dịch bệnh chỉ bùng phát tại Trung Quốc, phần còn lại của thế giới chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Nhưng đến đầu tháng 3, Hàn Quốc xác nhận hơn 6.000 trường hợp nhiễm bệnh, 4.000 trường hợp ở Italy, hàng trăm trường hợp tại Nhật Bản, Đức, Pháp và Mỹ, tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Dù vậy, theo Bloomberg, trong việc kiểm soát dịch bệnh, các quốc gia này có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn ở quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc, nước đang phong tỏa tỉnh 60 triệu dân. Vì thế nền kinh tế sẽ chịu tác động nhỏ hơn trong ngắn hạn.
Với kịch bản thứ hai, các chuyên gia của Bloomberg cho rằng Trung Quốc mất nhiều thời gian hơn để đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường như thời điểm trước dịch.
“Ngay cả khi các nhà máy hoạt động trở lại, nó không có nghĩa là mọi vấn đề đã được giải quyết. Nhiều nhà máy không có đủ hàng dự trữ, một số trở ngại trong chuỗi cung ứng cản trở năng lực sản xuất”, chuyên gia Li thuộc Made-in-China.com nhận định.
Các chuyện gia tại Bloomberg cũng cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Pháp và Đức đều bị giáng đòn. Điều này dẫn đến tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 giảm xuống 2,3%, thấp hơn 0,8% so với dự đoán trước đó.
Người dân ở Los Angeles (bang California, Mỹ) đổ xô tới siêu thị mua hàng tích trữ vì sợ dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Trong trường hợp thứ ba, Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Pháp và Đức chịu cú sốc lớn hơn. Trong khi đó, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Canada và Brazil chịu thêm một cú sốc nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại để ngăn chặn sự lây lan của virus chết người.
Theo các chuyên gia Bloomberg, trong trường hợp này, tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ trượt xuống 1,2%. Khu vực đồng euro và Nhật Bản rơi vào suy thoái, tăng trưởng Mỹ lao dốc còn 0,5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Trong trường hợp tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với cú sốc tương đương Trung Quốc trong quý I/2020, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ trượt về mức 0%.
Nếu vậy, nền kinh tế Mỹ cũng rơi vào suy thoái giống khu vực đồng euro và Nhật Bản. Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới - sẽ chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 3,5% trong năm 2020, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980. Sản lượng toàn cầu bị tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD.