“Tôi không hy vọng sẽ được trả lương vào tháng 2 và 3, thậm chí cả tháng 4”, South China Morning Post dẫn lời cô Lily Zhu - một lao động nhập cư từ tỉnh Hồ Nam, từng làm quản lý bán hàng tại một nhà hàng cao cấp ở thủ đô Bắc Kinh - than thở.
Cũng như nhiều nhà hàng tại Bắc Kinh, nơi cô Zhu làm việc vẫn đóng cửa do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Tôi mòn mỏi chờ đợi ông chủ gọi điện kêu tôi trở lại làm việc, nhưng thứ tôi nhận được chỉ là thông báo rằng tiền lương tháng 2 đã bị hoãn lại", cô Zhu kể.
"Lương không được trả nhưng tôi vẫn phải thanh toán các khoản chi phí khác cho cuộc sống, ví dụ tiền trả góp mua căn hộ ở Hồ Nam và tiền thuê phòng hàng tháng tại Bắc Kinh”, cô nói.
Lao động nhập cư từ Trùng Khánh đến Bắc Kinh hôm 26/2. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Lao động từ nông thôn bị tổn thương nặng nhất
Thông thường, một tháng Zhu kiếm được hơn 10.000 NDT (1.437 USD). Nhưng giờ cô cũng như hàng chục triệu lao động nhập cư khác tại Trung Quốc đang trực tiếp hứng chịu hậu quả của dịch virus corona chủng mới.
Những lao động nhập cư từ nông thôn như Zhu thường làm việc trong ngành dịch vụ hoặc sản xuất. Thu nhập của họ chủ yếu được quyết định bởi số giờ làm việc hoặc hiệu quả sản xuất.
Dịch Covid-19 khiến các nhà máy và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại Trung Quốc tê liệt từ cuối tháng 1. Các dữ liệu mới được công bố cho thấy chỉ số của cả ngành sản xuất và dịch vụ đều sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 2.
Chưa có con số chính thức về tổng thiệt hại của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc từ dịch Covid-19, nhưng các nhà kinh tế cho rằng các lao động nhập cư là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi công việc của họ bị gián đoạn do dịch bệnh.
South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Ernan Cui thuộc Gavekal Dragonomics ước tính dịch Covid-19 có thể khiến lao động nhập cư Trung Quốc bị mất tổng cộng 800 tỷ NDT, tương đương 115 tỷ USD.
Người lao động nhập cư ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: Getty Images. |
Và chuyên gia Cui cho rằng số tiền này là quá lớn, người lao động nhập cư không thể kiếm lại chỉ bằng cách làm thêm ngoài giờ sau khi các hoạt động sản xuất được nối lại bình thường.
“Lao động nhập cư chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng, dịch vụ gia đình và bán lẻ. Đối với họ, mỗi ngày không đi làm là một ngày không có thu nhập”, chuyên gia Cui phân tích.
Mất mát không thể khôi phục
Thu nhập của lao động tại các nhà máy, công trường xây dựng, công việc dịch vụ ở đô thị là nguồn tài chính cực kỳ quan trọng đối với khu vực nông thôn Trung Quốc.
Chuyên gia Zhang Hengchun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) ước tính thu nhập của lao động nhập cư có thể sụt giảm tới 5% trong năm nay vì tình trạng các nhà máy, doanh nghiệp đóng cửa.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính hơn 60% lao động nhập cư nước này quay lại làm việc vào cuối tháng 2, bao gồm nhóm đã trở về hồi giữa tháng 2. Khoảng 100 triệu lao động còn lại sẽ trở lại làm việc trong tháng 3 này.
Phần lớn tỉnh thành tại Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại khi số ca nhiễm mới Covid-19 đã giảm, dù một số quy định hạn chế vẫn được áp dụng.
Hồi giữa tuần, Quốc vụ viện Trung Quốc ra lệnh cho chính quyền các địa phương "nguy cơ thấp" không ngăn chặn người lao động trở lại làm việc. Bắc Kinh cũng yêu cầu các tỉnh công nhận "giấy chứng nhận y tế" do những tỉnh khác cấp để lao động nhập cư có thể trở lại làm việc.
Nhiều lao động nhập cư bị thất nghiệp khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Tuy nhiên, nhiều thành phố vẫn yêu cầu người lao động trở về phải tự cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm trở lại. Do đó, họ không có thu nhập trong thời gian đó. "Khoản thu nhập bị mất là không thể kiếm lại, bởi số ngày không làm việc quá nhiều, không thể bù đắp bằng số giờ làm thêm", chuyên gia Cui nói.
Khoảng 60% lao động nhập cư Trung Quốc làm việc xa nhà. Ít nhất 75 triệu người phải đi sang tỉnh khác để làm việc. Theo Tổng cục Thống kê, 50% lao động nhập cư làm trong các ngành sản xuất và xây dựng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện rất chờ mong lao động trở lại. Ước tính 90% trong số 500 nhà sản xuất lớn nhất Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng chỉ hoạt động với 60% công suất. Và chỉ có 45% công ty vừa và nhỏ đã làm việc trở lại.
Hồi tuần qua, một nhà máy ở Chu Hải tăng lương tháng cho công nhân lên mức 5.300-6.200 NDT, cao hơn nhiều so với con số trung bình 3.962 NDT hồi năm ngoái.