"Những tài sản và uy tín đã 'bay hơi' trong vài năm qua cho thấy Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trước mặt. Tuy nhiên, câu chuyện lần này có thể thực sự khác", bà Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng của hãng Enodo Economics (London), viết trên Nikkei Asian Review.
"Đó là những chấn động làm rung chuyển các thị trường trái phiếu, có nguy cơ làm bùng phát làn sóng vỡ nợ, gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới", bà nhấn mạnh.
Theo bà Choyleva, chỉ cần nhìn vào các hành động của chính quyền Bắc Kinh là có thể tìm thấy bằng chứng cho thấy các nhà quản lý nước này đã nhận ra nhiều địa phương Trung Quốc đang chìm trong nợ nần và cần một phao cứu sinh.
Nhiều địa phương tại Trung Quốc sẽ phải trả nợ hàng nghìn tỷ NDT trong năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Nợ tăng phi mã
Chính quyền Trung Quốc đang siết chặt kỷ luật đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh khuyến khích các nhà đầu tư ngước ngoài rót tiền nhằm giảm một khoản nợ xấu khổng lồ.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nợ của Trung Quốc đã tăng phi mã với tốc độ 20%/năm. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ trên GDP của đất nước tỷ dân tăng vọt từ 178% trong quý I/2010 lên 275% vào quý I/2020.
Các gói chi tiêu khẩn cấp để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 càng khiến quả bom nợ phình to. "Tỷ lệ nợ của Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Nhật Bản vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Và chúng ta đều biết những gì mà vấn đề nợ quá mức đã gây ra với Nhật Bản", bà Choyleva cảnh báo.
Trong những tuần gần đây, sự chú ý của thị trường dồn vào các vụ vỡ nợ của ba doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, công ty khai thác Yongcheng Coal and Electricity Holding Group, Huachen Automotive Group Holdings và nhà sản xuất chip được Đại học Thanh Hoa rót vốn.
Sự chấn động làm rung chuyển các thị trường trái phiếu, có nguy cơ làm bùng phát làn sóng vỡ nợ, gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc
- Bà Diana Choyleva (Enodo Economics)
Đáng nói, các chính quyền địa phương Trung Quốc vay qua LGFV (công ty tài chính của chính quyền địa phương) để lách lệnh cấm vay trực tiếp từ ngân hàng của Bắc Kinh. Phần lớn những khoản vay LGFV được đổi thành trái phiếu địa phương. Tổng khoản nợ này hiện chiếm khoảng 10% GDP, trong đó gần 25%, tức 2.500 tỷ NDT, sẽ đến hạn vào năm 2021.
Chưa có LGFV nào vỡ nợ trái phiếu. Tuy nhiên, số đợt phát hành mới đang lao dốc, trong khi lãi suất tăng lên do nhà đầu tư nghi ngờ về giá trị của các khoản "bảo lãnh ngầm" của chính quyền địa phương.
Cùng với đó là hàng trăm giao dịch bán trái phiếu bị hoãn hoặc hủy bỏ do các nhà đầu tư đắn đo về sức khỏe tài chính của các địa phương. "Chúng tôi cho rằng các địa phương ở Trung Quốc sẽ tiếp tục thâm hụt ngân sách trong 2-3 năm tới", Standard & Poors dự báo. "Các vụ vỡ nợ LGFV là khá hiếm, nhưng nhiều khả năng rủi ro vỡ nợ sẽ leo thang", Standard & Poors nhấn mạnh.
Rủi ro vỡ nợ
Trước đây, Bắc Kinh đã tìm mọi cách để bảo vệ các nhà đầu tư của những doanh nghiệp quốc doanh như Yongcheng nhằm ổn định tài chính và xã hội. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chi phí nhân công gia tăng làm xói mòn thế mạnh cạnh tranh của Trung Quốc.
Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP sụt giảm khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng toàn cầu. Cùng với đó là tỷ lệ nợ trên GDP ngày càng tăng lên.
Xuất khẩu tăng mạnh đã giúp thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà Choyleva nhận định đó chỉ là "chiếc phao tạm thời" trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ duy trì quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh khi vào Nhà Trắng.
Nhận thức được tình hình ngày càng tệ hại, chính quyền Bắc Kinh muốn đất nước trở nên tự cường hơn. Tuy nhiên, các chính sách của chính phủ là mối đe dọa đối với chính nguồn tăng trưởng mà nước này mong muốn.
Các quan chức Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát những công ty công nghệ tài chính như Ant Group của tỷ phú Jack Ma.
Vụ vỡ nợ của Tsinghua Unigroup cho thấy chính quyền Trung Quốc sẵn sàng bỏ mặc các doanh nghiệp quốc doanh yếu vỡ nợ để siết chặt kỷ luật thị trường vốn. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Theo bà Choyleva, Trung Quốc cần gia tăng năng suất để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Điều đó sẽ đòi hỏi phân bổ vốn tốt hơn. Do đó, việc tăng cường đánh giá rủi ro tín dụng và cho phép xảy ra vỡ nợ là một sự phát triển đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng cần hiểu rằng làn sóng nợ xấu có thể tràn vào lĩnh vực ngân hàng và gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.
"Chúng tôi tin một cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng sẽ có cuộc khủng hoảng ngân hàng truyền thống ở Trung Quốc. Ngân hàng trung ương nước này có khả năng tăng bơm tiền vào thị trường để giảm xáo trộn", nhà kinh tế trưởng của Enodo Economics nhận định.