Hôm 18/12, CNN đưa tin SMIC - nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc - bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc có tên trong danh sách bị cấm tiếp cận nguồn cung hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Giới quan sát cho biết cú đòn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho SMIC. Công ty phụ thuộc vào nguồn cung phần mềm, máy móc và những thiết bị khác của Mỹ để thiết kế và sản xuất chất bán dẫn.
Tháng trước, SMIC cảnh báo các nhà đầu tư rằng những hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể trở thành mối lo ngại lớn trong tương lai. Trước SMIC, đại gia công nghệ Huawei của Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách này. Lập tức, hoạt động kinh doanh toàn cầu của nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới tê liệt.
Sau danh sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, SMIC tiếp tục bị liệt vào danh sách của Bộ Thương mại Mỹ nhằm chặn nguồn cung công nghệ Mỹ với doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Đây có thể là đòn chí mạng giáng vào nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Ban lãnh đạo của SMIC cũng đang gặp nhiều vấn đề. Hồi đầu tuần, truyền thông Trung Quốc đăng lá thư từ chức của đồng CEO SMIC Liang Mong Song.
Theo đó, ông Liang cảnh báo rằng áp lực từ phía Mỹ đang "đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển công nghệ tiên tiến tại SMIC". Đồng thời, vị CEO cho biết ông lo lắng về việc bổ nhiệm hội đồng quản trị.
Các báo cáo cho biết ông Liang từ chức để phản đối việc bổ nhiệm ông Chiang Shang Yi vào hội đồng quản trị. Ông Chiang là cựu COO của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC. Trong vỏn vẹn một tuần, cổ phiếu của SMIC sụt giảm gần 10%, mức tồi tệ nhất kể từ hồi tháng 9.
Chính quyền ông Trump gia tăng áp lực với các doanh nghiệp Trung Quốc trong những tuần cuối của nhiệm kỳ. Ảnh: Reuters. |
Phần lớn nguồn cung cấp chip của Trung Quốc hiện đến từ các công ty nước ngoài. Những công ty này cung cấp nguyên vật liệu cho mọi sản phẩm, từ điện thoại thông minh, máy tính đến thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Năm ngoái, quốc gia tỷ dân nhập khẩu khối lượng chip trị giá 306 tỷ USD, tương đương 15% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước, theo thống kê của chính phủ.
SMIC là chìa khóa quan trọng đối với mục tiêu tự chủ chất bán dẫn của chính quyền Trung Quốc, nhằm tiếp nhiệt lượng cho tham vọng dẫn đầu về công nghệ trong tương lai.
Hồi đầu năm nay, tập đoàn khẳng định muốn đầu tư mạnh tay vào công nghệ và bắt kịp các đối thủ trên toàn cầu. Hầu hết cổ đông lớn của SMIC là doanh nghiệp quốc doanh.
Doanh thu toàn cầu của Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Nhưng trên thực tế, SMIC vẫn đi sau các công ty hàng đầu trong ngành như Itel, Samsung và TSMC từ 3-5 năm phát triển. Giới phân tích nhận định họ còn một chặng đường dài để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Thêm vào đó, áp lực từ Washington có thể khiến mục tiêu càng trở nên xa vời hơn.
Hồi đầu tháng 12, SMIC, hãng năng lượng CNOOC và một số doanh nghiệp khác bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách công ty thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát của quân đội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty này sẽ bị cấm vận và nhà đầu tư Mỹ không thể rót tiền vào chúng.
Trước đó, SMIC khẳng định việc bị nằm trong danh sách "không có tác động đáng kể" đối với tập đoàn. Họ cũng phủ nhận việc có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, CNN nhận định bất cứ hạn chế nào đến từ phía Mỹ đều đáng lo ngại.