Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bồi hồi khi xem tư liệu về ngày Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu

Triển lãm "Kết nên một đài sen" với hơn 100 hiện vật ấn phẩm báo chí, tư liệu tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023).

Ket nen mot dai sen anh 1

(Từ trái sang) Thượng tọa Thích Tâm Hải, Hòa thượng Thích Lệ Trang cùng nhiều Phật tử tại khu vực trưng bày tư liệu báo chí. Ảnh: Thanh Trần.

Triển lãm tư liệu báo chí Phật giáo "Kết nên một đài sen" do báo Giác Ngộ phối hợp cùng Ban thông tin - truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và thư viện Huệ Quang tổ chức, đã khai mạc vào chiều tối 30/5 tại trụ sở báo Giác Ngộ, TP.HCM.

Đây là một trong những hoạt động mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567, tưởng niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Triển lãm trưng bày hơn 100 hiện vật ấn phẩm báo chí, tư liệu hình ảnh liên quan đến cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo và đỉnh cao là sự kiện vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám). Các tư liệu này được lưu trữ trong 60 năm qua tại thư viện Huệ Quang.

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải - Tổng biên tập báo Giác Ngộ, trưởng Ban thông tin - truyền thông Giáo hội Phật giáo TP.HCM - việc trưng bày chỉ cho thấy một phần nhỏ trong số hình ảnh, tư liệu liên quan mà Ban tổ chức có được với không gian khiêm tốn của báo Giác Ngộ. Đây cũng là sự mở đầu cho nhiều chương trình văn hóa khác nhằm đưa đến một cái nhìn khách quan, chân thực về một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Ket nen mot dai sen anh 2

Bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối đàn áp Phật giáo năm 1963. Ảnh: Malcolm Browne.

"Không có 1963, chắc chắn không có Phật giáo ngày nay, chắc chắn lịch sử chiến tranh sẽ khác. Với chức năng đặc thù, được xem là thư ký của thời đại, báo chí nói chung và báo chí Phật giáo giai đoạn này đã ghi nhận một cách sinh động và trung thực về giai đoạn lịch sử này", Thượng toạ Thích Tâm Hải phát biểu tại lễ khai mạc.

Hoà thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cho rằng việc trưng bày các tư liệu không phải để khơi dậy hận thù, mà để bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ những người đi sau. Đặc biệt, với chủ đề "Kết nên một đài sen", Hoà thượng Thích Lệ Trang gửi đến thông điệp mỗi người đều là một đóa sen, làm sao để những đóa sen ấy tỏa hương tô điểm cho đạo, cho đời.

Nhiều Phật tử đã có mặt tại triển lãm trong buổi khai mạc. Trong số đó, nhà nghiên cứu, cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn cho biết ông cảm thấy xúc động khi được nhìn thấy những bậc cao tăng, những người thầy ngày xưa.

"Thời điểm đó tôi cũng là một thiếu niên 15, 16 tuổi, cũng đã quan tâm và tham gia một số sự kiện hồi đó. Đến đây, tôi bồi hồi khi nhớ lại giai đoạn những năm 1963 đến năm 1975", ông tâm sự.

Ông cũng chia sẻ thêm rằng đối với thế hệ đã trưởng thành, đã đi qua giai đoạn lịch sử này sẽ có một sự xúc động rất khác. "Còn đối với những người trẻ, đây là một dịp để họ có thể nhìn lại những vị lãnh đạo Phật giáo, những Phật tử từng tham gia chống lại sự bất bình đẳng tôn giáo và đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng", ông nói thêm.

Triển lãm tư liệu báo chí Phật giáo "Kết nên một đài sen" diễn ra tại trụ sở báo Giác Ngộ đến hết ngày 7/6 (20/4 Âm Lịch). Trong thời gian này, dự kiến sẽ có các buổi thuyết trình, chia sẻ của các nhân chứng sống là các vị giáo phẩm Trưởng lão, các cư sĩ, nhà nghiên cứu... là những người đã chứng kiến và tham dự sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Hiểu về nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan báo hiếu

Tùy bút của Thiền sư Thích Nhất Hạnh lý giải ý nghĩa của nghi thức cài bông hồng lên áo phật tử vào mùa Vu Lan.

Pho tư liệu quý về lịch sử Phật giáo của thiền sư Thích Nhất Hạnh

“Việt Nam Phật giáo sử luận” từ lâu đã thành pho tư liệu quý cho độc giả, những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm