Boeing 747 về hưu ở Mỹ: Tạm biệt 'Nữ hoàng của bầu trời'
Chủ nhật, 7/1/2018 17:37 (GMT+7)
17:37 7/1/2018
Lần đầu tiên trong 48 năm, hành khách không thể mua vé của một hãng hàng không Mỹ để bay trên máy bay Boeing 747, mẫu phi cơ được mệnh danh là "nữ hoàng của bầu trời".
Chiếc Boeing 747-400s cuối cùng của hãng Delta Airlines đã thực hiện chuyến bay "tạm biệt" từ sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta, bang Georgia (ảnh) đến nơi tập trung các máy bay "về hưu" ở Marana, bang Arizona, hôm 3/1. Chuyến bay đặt dấu chấm hết cho hoạt động của dòng phi cơ Boeing 747 trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại Mỹ, theo CNN.
Cơ trưởng Stephen Hanlon, 62 tuổi, trưởng nhóm phi công 747 của hãng Delta, là người điều khiển chuyến bay mang số hiệu 6314. Với biệt danh "nữ hoàng của bầu trời", máy bay 747 của Boeing là hình ảnh nổi tiếng trên các con tem, một biểu tượng của văn hóa đại chúng, thường xuyên xuất hiện trên phim ảnh và đồng thời là máy bay chuyên chở tổng thống Mỹ.
Đây là một trong những chuyến bay "tạm biệt" của máy bay Boeing 747 trong nhiều tháng qua tại Mỹ, sau một chuyến bay nội địa, một chuyến bay quốc tế và một chuyến bay theo hợp đồng. Cả hai hãng hàng không dân dụng phổ biến nhất Mỹ là Delta và United Airlines đều quyết định chia tay với dòng phi cơ ra đời vào năm 1969.
Một cơ trưởng cao cấp khác của Delta là Paul Gallaher cũng có hành trình cuối cùng trong sự nghiệp cùng chuyến bay 6314. Ông làm việc cho Delta từ năm 1983 và là cơ trưởng 747 trong 18 năm. Ông là người lái chiếc 747 đầu tiên của Delta vào năm 1989 khi phi cơ được vận chuyển về từ Boeing.
Kích cỡ lớn của là đặc điểm nổi bật nhất của Boeing 747 nhưng không phải là lý do khiến nhiều hãng hàng không lựa chọn dòng máy bay bốn động cơ này. "Lý do chính là độ bền phi thường của 747", CNN viết. Số lượng máy bay 747 đạt đỉnh với hơn 1.000 chiếc vào năm 1998 nhưng sau đó bắt đầu giảm dần với sự ra đời của các dòng máy bay hai động cơ như 777, 787 của Boeing hay A350 của Airbus. Với máy bay kích cỡ nhỏ hơn, các hãng hàng không ít phải gặp áp lực về việc lấp đầy ghế trên khoang.
Cơ trưởng Gene Peterson và tiếp viên Holly Rick làm lễ cưới trên chuyến bay 6314. Rất nhiều người khác cũng đã có mặt tại sân bay Atlanta để nói lời tạm biệt với chiếc 747 dù Mỹ đang trải qua một mùa đông lạnh bất thường. Chuyến bay cuối cùng kéo dài 1 giờ 33 phút.
Hiện 185 máy bay Boeing 747 vẫn đang chuyên chở hành khách trên toàn thế giới, theo số liệu của trang Flightglobal. Đa số chúng ở châu Âu với các hãng hàng không như British Airways, Lufthansa, KLM và tại châu Á với các hãng Korean Air và Air China. 332 chiếc 747 khác là máy bay chở hàng, các nhân vật VIP, nguyên thủ quốc gia hoặc làm các nhiệm vụ đặc biệt.
Trước đó, Boeing 747 đã có chuyến bay thương mại cuối cùng với hàng không Mỹ vào ngày 19/12. Đó là chuyến bay tuyến từ Seoul đến Detroit của hãng Delta. Hãng hàng không này cũng "tiễn đưa" dòng máy bay lịch sử bằng những chuyến bay cho nhân viên và khách hàng thân thiết. Giá vé cho những "chuyến bay giã từ" đã tăng vọt do nhu cầu của những hành khách hoài cổ.
"Chúng tôi chào đón bạn đến nơi nghỉ ngơi", tiếp viên trưởng của chuyến bay 6314 Stephanie Nelson nói. "Giờ đây chúng ta sẽ nói lời tạm biệt với nữ hoàng, nữ hoàng cuối cùng. Đây là hành trình cuối cùng, cú hạ cánh cuối cùng của 'nàng' ấy". Trong ảnh là các máy bay 747 về hưu của Delta tại sân bay ở Arizona đang chờ được định đoạt "số phận".
Cách đây gần nửa thế kỷ vào ngày 2/12/1969, Boeing 747 có chuyến bay dài đầu tiên từ Seattle đến New York. Phần lớn trong số 191 hành khách là phóng viên và nhiếp ảnh gia.
Chiếc máy bay yêu thích của các ông chủ Nhà Trắng và chìa khoá cho những chuyến du lịch hàng không giá rẻ trên thị trường Mỹ sẽ lùi vào lịch sử ngành hàng không trong tuần tới.
Mất điện tại sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta đã khiến hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt trong bóng tối và trên máy bay khi các chuyến bay đều phải dừng lại vô thời hạn.