Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bob Kerrey: Lựa chọn gây 'phức tạp'

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cần tha thứ cho ông Bob Kerrey thì nhiều người khác đưa ra các lý do cho rằng ông không phù hợp để giữ chức chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam.

Những ngày qua, nhiều chuyên gia, Facebooker nổi tiếng trong đó có cả những người đi học ở Mỹ theo chương trình Fulbright đã chia sẻ trên mạng xã hội về câu chuyện của ông Bob Kerrey và ĐH Fulbright. Các bàn luận tập trung vào nỗ lực chuộc lỗi trong chiến tranh Việt Nam của ông Bob Kerrey, cũng như ảnh hưởng từ việc ông giữ vị trí Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam đối với những vết thương của các nạn nhân chiến tranh. Zing.vn giới thiệu một số ý kiến. 

Bob Kerrey anh 1

Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey. Ảnh: USA Today

'Tôi chọn tha thứ'

Ông Lương Hoài Nam, tổng giám đốc một công ty du lịch, nói ông “chọn tha thứ” vì ông Kerrey, cùng các cựu binh John Kerry, John McCain, đã có nhiều đóng góp cho “bỏ cấm vận kinh tế, cấm vận vũ khí” đối với Việt Nam.

“Ở tuổi 74, ông trở lại Việt Nam với một dự án đại học phi lợi nhuận như nỗ lực cuối đời với đất nước nơi mà ông đã từng phạm sai lầm, ta lại đuổi ông đi, tôi cảm thấy không yên tâm với chính bản thân tôi.”, ông Nam viết. 

Đồng quan điểm với ông Nam, bà Hoàng Thị Mai Hương, một doanh nhân ở TP HCM, nêu ý kiến: Không phải người Mỹ nào cũng quan tâm, chưa nói tới muốn giúp Việt Nam. Ông Kerrey đã làm việc hết sức từ những năm 90 để góp phần bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt và để đấu tranh dành quỹ Fulbright cho việc thành lập trường cùng với ông Thomas Vallely. Ông ấy có đủ tầm ảnh hưởng ở Mỹ , đủ hiểu biết chuyên môn và quan hệ xã hội để làm việc này. Đây không phải là một danh dự chúng ta tấn phong cho ông . 

Bà Hương cho rằng việc ông Kerrey nhận làm chủ tịch Đại học Fullbright Việt Nam là một hành động "chuộc lỗi" thiết thực.

Bạn Minh Lê trên Facebook cũng đồng quan điểm này cho rằng nên “hàn gắn với nhau để cùng có thể bắt tay nhau đi tới” vì chiến tranh đã đẩy lùi sự phát triển “hàng bao chục năm rồi.”

"Nếu ông Bob Kerrey giữ cương vị Chủ tịch Quỹ Tín thác thì ông tự quàng lên mình cái gánh nặng trách nhiệm gây quỹ cho Đại học Fulbright. Tại sao không để ông làm chuyện đó khi có lợi cho Việt Nam và thể hiện lòng thành của ông khi muốn góp phần khép lại quá khứ của mình và của hai dân tộc?", bạn Quang Anh nói trong một bình luận trên Facebook ông Lương Hoài Nam. 

Bob Kerrey anh 2

Ông Bob Kerrey trong buổi trao quyết định thành lập ĐH Fulbright Việt Nam ngày 25/5. Ảnh:

 Thanh Tùng

Nhìn người Nhật, người Hàn để "Đừng biết quên"

Tuy nhiên, lại có rất nhiều người khác cùng quan điểm ông Bob Kerrey làm chủ tịch HĐQT Đại học Fulbright Việt Nam là không phù hợp. Từng du học tại Mỹ theo chương trình học bổng Fulbright và đang làm các chương trình truyền hình về hậu quả chiến tranh Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên (VTV), nói bà phấn chấn khi ĐH Fulbright Việt Nam hình thành.

Tuy nhiên, bà khẳng định ông Bob Kerrey không thể trở thành lãnh đạo, gương mặt đại diện tại một trường đại học là “biểu tượng cho niềm tin vừa xây dựng giữa hai nước có lịch sử chung như Mỹ và Việt Nam, được đặt ở một đất nước mà nạn nhân thảm sát vẫn còn”.

“Nước Mỹ chỉ có một gương mặt này để chọn sang làm giáo dục cho Việt Nam thôi sao? Khi nạn nhân của vụ thảm sát đó, và những vụ thảm sát khác vẫn còn trên đất Việt Nam này? Cá nhân ông Kerrey, khi hối hận, có thể làm nhiều điều cho Việt Nam và quan hệ hai nước, không nhất thiết phải nhận một vị trí mang tính biểu tượng để nhắc lại vết thương lâu dài”, nữ nhà báo nêu quan điểm.

Nhà báo Mỹ Hằng (báo Lao Động, người theo đuổi vụ thảm sát Thạnh Phong từ 2001) cho rằng ông Kerrey chọn cách hàn gắn, và có thể là chuộc lỗi, bằng việc làm cầu nối giáo dục, “nhưng sự thật vẫn là sự thật, nó vẫn ở đó”.

“Lúc này hay lúc khác, ông ấy vẫn phải chuẩn bị tinh thần để đối diện khi có người nhắc đến điều đó. Kerrey đã thú nhận ở Mỹ, không có nghĩa là ở Việt Nam có người đã quên và có thể bỏ qua”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo bà Hằng, quan hệ Việt - Mỹ đang diễn ra là điều rất tốt đẹp “nhưng vẫn còn nhiều khoảng tối”.

“Tôi đã đi Quảng Ngãi và biết một số người dân không chịu gặp các cựu chiến binh Mỹ quay lại để hàn gắn và làm những việc tốt cho địa phương của họ, bởi họ đã nhìn, đã mất người thân trong chiến tranh. Tôi đã gặp nhiều nạn nhân da cam. Tôi khóc khi đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ hay đứng giữa nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị. Mất mát là không bao giờ lấy lại được”, nữ nhà báo chia sẻ.

Theo nhà báo Mỹ Hằng, người Nhật và người Hàn đến giờ vẫn không quên những chuyện đã xảy ra trong chiến tranh, nhưng họ vẫn là bạn thân với Mỹ. “Một điều tôi nghĩ chúng ta cần học họ, đó là đừng biết quên, không chỉ riêng các vấn đề như ký ức chiến tranh, mà nhiều điều khác”.

Một cựu du học sinh Mỹ, TS Vũ Hoàng Linh, đánh giá Bob Kerrey không phải là người sòng phẳng với quá khứ. “Có thể coi là một phần nhờ “chiến tích" và sự che giấu này mà ông thành công về sau”, ông nêu quan điểm trên Facebook.

Ông Linh cho rằng, nếu lúc đó vụ việc được xác định như giết lầm hay tội ác chiến tranh thì chắc ông đã bị trục xuất khỏi quân ngũ và không có cơ hội thành Thượng nghị sĩ. Nhưng ông cũng chưa bao giờ thừa nhận tội ác cho tới khi kênh truyền hình CBS chiếu phóng sự điều tra vào năm 2001.

TS Linh khẳng định ông không muốn phê phán cá nhân Bob Kerrey, “nhưng khi đằng sau thành công của một nhà lãnh đạo có cả tội ác mà ông che giấu hàng chục năm trời thì e là ông khó có thể nói về việc đào tạo những nhà lãnh đạo, nhà quản trị trẻ với tinh thần công chính và phục vụ”.

Hoà giải, tha thứ là con đường gian nan

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, VEPR) nhận xét quyết định chọn lựa ông Kerrey của ĐH Fulbright sẽ làm cho ứng xử của nhiều người Việt với trường “trở nên phức tạp hơn”, đặc biệt những người muốn tham dự trực tiếp hay hỗ trợ gián tiếp. “Có đáng phải làm cho sự phức tạp đó xuất hiện hay không?”, ông nêu câu hỏi.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến (VOV) nêu rõ quan điểm rằng, dù thời gian đã trôi qua bao nhiêu năm, nhưng “bàn tay dính máu người vô tội vẫn là một bàn tay dính máu”; và dù chiến tranh có thể tàn khốc đến mấy thì việc sát hại trẻ em và phụ nữ, không vũ khí trong tay, cũng không thể nhìn nhận như bản chất của một người lính.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt, tác giả "The Sympathizer" đoạt giải Pulitzer, bình luận trên Facebook rằng vấn đề ở đây không phải là Bob Kerrey có được tha thứ cho việc đó (thảm sát thường dân Việt Nam) hay không. “Vấn đề là những người chịu trách nhiệm trong Đại học Fulbright không thể tìm ra một người nào khác xứng đáng để lãnh đạo trường”, ông bày tỏ.

Nhà văn gốc Việt khẳng định: “Nhu cầu tiến về phía trước của Việt Nam và nhu cầu gác lại quá khứ của Mỹ không cần phải dựa trên duy nhất một người”.

Nhà báo Đức Hiển của báo Pháp Luật TP HCM thì viết về “con đường gian nan trong lòng người” kể về việc ông đến cả hai điểm thảm sát ở Sơn Mỹ (Mỹ Lai) và Thạnh Phong.

Theo ông Hiển thì Kerrey "mãi đến gần 60 tuổi ông ấy vẫn nói dối, im lặng hưởng thụ những vinh quang trong mắt dư luận, được thưởng huân chương cho vụ thảm sát, trở thành nghị sĩ với hào quang là bảo vệ giá trị của tự do Mỹ ở phương Đông”

Theo ông, sự xuất hiện của Kerrey gợi lại “những nỗi đau đã sắp liền sẹo, nó níu kéo quá khứ.” Ông thừa nhận: “Hoà giải, tha thứ là một con đường gian nan không chỉ giữa các bên của một cuộc chiến tranh. Mà nó là con đường gian nan trong chính mỗi người. Trong đó có tôi!”

'Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?'

Trong bài viết gửi Zing.vn chiều 1/6, bà Tôn Nữ Thị Ninh tin rằng nếu tuyển công khai FUV có thể tìm được người phù hợp về chuyên môn, kinh nghiệm, và không bị mang tiếng.

Minh Anh tổng hợp

Bạn có thể quan tâm