Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng quên quá khứ nhưng đừng mãi sống với thù hận'

Độc giả Zing.vn đang trao đổi đa chiều về việc ông Bob Kerrey làm Chủ tịch HĐQT ĐH Fulbright Việt Nam có phù hợp không khi ông này từng tham gia vụ thảm sát năm 1969 tại Bến Tre.

Ngày 29/5, trong email trả lời Zing.vn, cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey - người được chọn làm Chủ tịch HĐQT ĐH Fulbright Việt Nam - đã xin lỗi các nạn nhân và người Việt về những gì ông đã gây ra khi tham gia cuộc thảm sát năm 1969 tại Thạnh Phong (Bến Tre).

Trước thông tin này, nhiều độc giả Zing.vn cho rằng, không nên bổ nhiệm ông Bob Kerrey - người có tội ác với nhân dân Việt Nam - làm chủ tịch một trường đại học mang ý nghĩa biểu trưng cho mối quan hệ Việt - Mỹ.

Chu tich HDQT DH Fulbright anh 1
Bob Kerrey và con trai Henry trong đêm bầu cử của Đảng Dân chủ năm 2012. Ảnh: AP.

Đừng cắm con dao tội ác vào vết thương lòng

"Đành lòng chiến tranh sẽ đi vào dĩ vãng nhưng đừng khơi thêm nỗi đau của người Việt. Cuộc thảm sát đẫm máu, không chút lương tri, thì dù hàng nghìn năm vẫn không thể xoá nhòa. Ông Bob có thể tham gia với tư cách cổ đông, còn làm chủ tịch thì nó sẽ ám ảnh người Việt mãi mãi", Russia Natasa viết.

Đồng quan điểm, độc giả Đinh Thị Thu Hà cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng luôn mong muốn gác lại quá khứ đau thương, được sống trong hòa bình, tự do. Và người Việt không bao giờ quên những tội ác tày trời.

"Việc bổ nhiệm một người đã có tội ác với đồng bào ta làm lãnh đạo một trường đại học danh giá của Mỹ tại Việt Nam, chẳng khác nào một lần nữa cắm con dao tội ác vào vết thương lòng người dân Việt Nam. Phải xem xét lại", bạn Hà chia sẻ.

Chu tich HDQT DH Fulbright anh 2

Bob Kerrey trong Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5. Ảnh: 

Thanh Tùng

Hãy làm điều gì đó để bớt đi lòng hận thù

Trong khi đó, luồng ý kiến ủng hộ lại cho rằng, nên để ông Bob Kerrey làm Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam bởi đây là cách giúp ông ấy bù đắp lại cho người dân Việt sau những hành động gây nên trong thời chiến; và "quá khứ không thể thay đổi được, nhưng chúng ta có thể thay đổi được tương lai".

Theo độc giả Một người trẻ, khi dạy về chiến tranh, người lớn thường bảo không phải hận thù bất cứ đất nước, dân tộc nào. Ông Bob Kerrey không thể quay ngược thời gian thay đổi quá khứ để xóa bỏ những mất mát, nhưng ông có thể làm nhiều điều cho hiện tại và tương lai thế hệ trẻ Việt Nam.

"Ông hãy coi những học sinh của mình như những đứa cháu trong gia đình và giúp đỡ họ bằng tâm huyết. Khi đó, tôi tin chắc rằng người Việt Nam sẽ không nhớ đến ông như người từng tham chiến mà họ sẽ nhớ về ông như một vị thầy giáo đáng kính", bạn đọc này mong mỏi.

Là người thuộc lớp "từng đối mặt với Bob Kerrey" trên chiến trường, độc giả Lieu Ngo chia sẻ, chiến tranh với bao đau thương mất mát cũng đã lùi xa, xin đừng quên quá khứ nhưng cũng đừng mãi sống với nỗi thù hận.

"Mỗi người hãy làm điều gì đó có thể để bớt đi lòng hận thù như Bob Kerrey nói: 'Chúng ta đang tạo dựng hoà bình và điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với nó một cách thẳng thắn giống như chúng ta đối mặt với tương lai'. Hãy ủng hộ Bob Kerrey để ông ấy thành công với dự án ĐH Fullbright Việt Nam. Hãy hướng tới tương lai thay vì đào xới quá khứ", Lieu Ngo viết.

Tương tự, Henry Quynh cũng cho rằng, chúng ta không quên và cũng không bao giờ được phép quên đi những mất mát mà dân tộc ta đã trải qua. Nhưng tương lai mới là việc mà cả dân tộc ta đang cần hướng tới, hãy để thời gian kiểm chứng những lời hứa của ông ấy, khi đó hãy phán xét.

Nhiều độc giả chia sẻ rằng, hãy đánh kẻ chạy đi chứ đừng đánh người chạy lại bởi đó chính là sự nhân ái và lòng vị tha của con người Việt Nam.

Một độc giả khác nhìn nhận, chẳng có vết thương nào không để lại sẹo nên khi người trong cuộc đối diện vết sẹo ấy họ sẽ nghĩ gì? Tất nhiên họ sẽ không cầm được nước mắt khi nghĩ nhiều về vết thương nỗi đau trong quá khứ.

"Dù trực tiếp hay gián tiếp gây ra vết thương ấy trong quá khứ cũng khiến ta rùng mình khi nhớ lại. Ta có thể bỏ qua mọi tội ác để người quay đầu hướng thiện, ta có thể dang rộng tay đón chào họ như người bạn hòa bình, nhưng thật đau lòng khi ta sống chung một nhà với họ...", người này bày tỏ.

Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey vừa được lựa chọn làm chủ tịch HĐQT ĐH Fulbright ở Việt Nam. Ông từng là thượng nghị sĩ của bang Nebraska và là ứng viên chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ năm 1992.

Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại uý hải quân và từng liên quan một trong những vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001.

Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes II” của CBS, Kerrey nhận trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào.

Lãnh đạo ĐH Fulbright xin lỗi việc gây ra trong chiến tranh

Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey được lựa chọn làm chủ tịch HĐQT ĐH Fulbright. Từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, ông Kerrey cho biết "cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể".


Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm