Trước diễn biến bất thường của bệnh sởi, ngày 15/4, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các thầy thuốc đầu ngành lây - truyền nhiễm để rà soát lại phác đồ điều trị bệnh sởi.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phác đồ này sẽ được rà soát kỹ để có biện pháp điều trị tích cực hơn, giảm thiểu các trường hợp tử vong do sởi. Do sởi là bệnh dễ lây qua đường hô hấp nên nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc thì nguy cơ lây bệnh gần như 100%.
Tất cả trẻ bị nhiễm với virus sởi đều có biểu hiện lâm sàng. Chính vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở để được hướng dẫn điều trị hợp lý chứ không nên đến thẳng lên bệnh viện tuyến Trung ương.
"Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có đủ năng lực điều trị bệnh sởi và có đủ giường bệnh để thực hiện việc cách ly, phòng chống lây nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện", ông Khuê khẳng định.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến dưới không chuyển bệnh nhi lên tuyến trên tránh lây sởi. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhi chưa bị sởi lên tuyến trên để tránh lây nhiễm. Vì trẻ có thể lây khi tiếp xúc với bệnh nhi mắc sởi khác ngay từ phòng khám bệnh chứ chưa cần vào điều trị trong bệnh phòng. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh này nhưng ở thể nhẹ nếu lên tuyến trên cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nặng hơn.
Theo thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, mặc dù đã rất cố gắng, bệnh viện tuyến trung ương vẫn trong tình trạng quá tải. Thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi đã dành các phòng làm việc của bác sĩ bệnh nhân sởi, số trẻ phải nằm ghép vẫn nhiều. Điều này gây nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Bộ Y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên cho trẻ khám tại các bệnh viện tuyến cơ sở, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc theo dõi sát diễn biến của con mình để điều trị kịp thời.