Ngay sau khi có đề xuất sửa Luật Quảng cáo, giảm giới hạn cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng xuống còn 12 tháng, Bộ Y tế đã có văn bản số 979 hôm 4/10, trình Thủ tướng có ý kiến về vấn đề này.
Bộ Y tế lo quảng cáo làm sữa bột lấn át sữa mẹ
Theo tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Y tế nêu ra 6 lý do chủ chốt để xin giữ nguyên quy định về cấm quảng cáo sữa như hiện nay. Trong đó, nổi bật nhất là những lý do phân tích về tác hại của quảng cáo sữa và so sánh chất lượng sữa bột và sữa mẹ.
Bộ Y tế cho rằng: "…các doanh nghiệp này không ngừng quảng cáo quá mức về tính ưu việt của sản phẩm như giúp trẻ cao lớn hơn, thông minh hơn, gia tăng sức đề kháng... khiến không ít bà mẹ nghĩ rằng, để con mình thông minh và phát triển tốt thì phải cho con ăn sữa thay thế sữa mẹ".
"Vì thế, thay vì cho con bú sữa mẹ, họ lại lựa chọn cho con mình ăn các sản phẩm dinh dưỡng được chế xuất công nghiệp và kết quả là, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ", Bộ Y tế đánh giá.
Bộ Y tế cho biết sữa thay thế sữa mẹ chỉ là sữa bò cộng hoá chất |
Bộ Y tế còn nhấn mạnh: "Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ. Bởi bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hoá chất khác".
Bộ Y tế cũng bày tỏ quan điểm về độ tin cậy của các quảng cáo sữa hiện nay.
Bộ này cho rằng: "Quảng cáo không đưa lại thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng. Tiếp cận thông tin qua quảng cáo là cách tiêp cận một chiều và quảng cáo không phải là kênh/nguồn thông tin chính thống, không đảm bảo sản phẩm là chất lượng và an toàn".
Những băn khoăn
Trao đổi với báo chí, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng băn khoăn: Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật về các loại sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ. Trong đó, các sản phẩm sữa ăn bổ sung (loại dành cho trẻ trên 12 tháng) là chế độ dinh dưỡng được Nhà nước khuyến khích sử dụng, trong khi đó, những mặt hàng mà Nhà nước cấm quảng cáo thường phải là mặt hàng không được khuyến khích sử dụng (thuốc lá, rượu nồng độ cao - PV).
Cụ thể, Bộ Y tế đã có Quyết định số 189/QĐ-BYT, ban hành “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020” thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến 2030, trong đó, ghi rõ “Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi”. Hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng nhấn mạnh ở lứa tuổi này, các bà mẹ cần phải bổ sung thêm thức ăn ngoài cho con ngoài nguồn sữa mẹ.
Các bà mẹ thường tìm hiểu về sữa qua kênh truyền miệng |
Theo ông Tuấn, nếu như cấm quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 12 tháng và với lập luận như trên, rất dễ khiến các bà mẹ khó khăn khi lựa chọn thức ăn bổ sung an toàn và hợp lý cho con mình. Vấn đề là nhà nước cần phải kiểm soát để đảm bảo các thông tin hàng hoá chính xác, đầy đủ chứ không cấm các luồng thông tin như vậy.
Ông Lý Trường Chiến, một chuyên gia về marketing và quảng cáo cho rằng, đối với các sản phẩm có hại cho sức khoẻ thì ở các nước tiên tiến, đều có hình thức hạn chế quảng cáo. Còn với mặt hàng sữa, liên quan đến thức phẩm dinh dưỡng, đến sự phát triển chể chất, giống nòi thì các quyết định đưa ra phải có tham vấn các chuyên gia độc lập, các chứng cứ khoa học. Không nên ban hành chính sách theo kiểu "không quản được thì cấm".
Chuyên gia về martketing ngành hàng thực phẩm Nguyễn Thu Hương cũng bày tỏ, tờ trình của Bộ Y tế cũng dẫn số liệu, sữa mẹ chỉ đáp ứng 100% dinh dưỡng cho trẻ trong 6 thàng đầu, 50% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn 6-12 tháng và 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 12 tháng trở lên cho thấy, nhu cầu cần bổ sung sữa ngoài lớn.
"Một mặt, cấm mọi hình thức tiếp thị các loại sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và nhấn mạnh đó chỉ là sữa bò cộng hoá chất, nhưng mặt khác các chuyên gia có khuyến cáo đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, các bà mẹ phải cho con ăn bổ sung sữa ngoài. Thế thì, các bà mẹ sẽ tìm hiểu thông tin về dòng sữa từ 6-24 tháng kiểu gì?", bà Hương chia sẻ.
Bởi vậy, "điều quan trọng là cần phải tăng cường tuyên truyền thông tin đầy đủ và tôn trọng quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo cách quản lý thông tin về sữa ở các nước bạn như Thái Lan, Malaysia...", ông Chiến nói thêm.
Hiện, dữ liệu của WHO, UNICEF và IFBAN tổng hợp cho thấy những nước ở châu Âu và Bắc Mỹ hoàn toàn không có quy định cấm, các nước phát triển trong khu vực ASEAN cho phép các đơn vị thực hiện tự nguyện chứ không có lệnh cấm nào đưa vào trong Luật, như ở Sinapore, Thái Lan, Malaysia