Sữa tươi, sữa nước và đàn bò đang là ba yếu tố chủ đạo cấu thành nên thị trường sữa tại Việt Nam. Trong bối cảnh TPP đang đến gần thì việc lựa chọn đúng các yếu tố trên để đầu tư đang là bài toán sống còn với doanh nghiệp sữa nội.
Có thể dễ dàng nhìn thấy phân khúc sữa bột đang là sân chơi riêng của các doanh nghiệp ngoại khi chiếm đến 70% thị phần. Trong khi đó ở phân khúc sữa nước Vinamilk với 50% thị phần đang là đầu tàu kéo cả khối nội lên cạnh tranh cùng các thương hiệu ngoại.
Chiến lược giá hậu FTA
Cuộc chiến giành thị phần trên thị trường sữa dự báo sẽ quyết liệt giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên với sự “trợ lực” của các FTA thì nhiều doanh nghiệp đang dùng công cụ giá để “hóa giải” vấn đề thị phần sữa bột. Bởi lẽ thị trường sữa sau TPP có thể sẽ thu hẹp khoảng cách địa lý bằng mức giảm của thuế nhập khẩu thành phẩm và mức giá sản phẩm lúc đó sẽ canh tranh hơn.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc công ty sữa DFB Hanco Nutration cho rằng: “Giảm 3% thuế cho sữa nguyên liệu không thấm gì với doanh nghiệp sản xuất, nhưng giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam”.
Bài toán giá sữa đang nằm trong tay khối ngoại khi họ sở hữu được phép giải tối ưu. Đây là lợi thế để họ thị uy ngay chính trên thị trường việt Nam.
Trong khi đó giá sữa trong nước cũng chưa được điều chỉnh giảm do còn chịu tác động của các chi phí đầu vào (điện, nước, lương nhân công) và biến động tỷ giá lớn.Một số yếu tố khách quan khác như chi phí quảng cáo, trưng bày, chiết khấu đại lý cũng được xem là những nhân tố ảnh hưởng đến giá thành sữa.
Euromonitor đã đưa ra một con số cụ thể để thấy được sức nóng từ các FTA đang khiến không ít doanh nghiệp nội toát mồ hôi nhất là ứng phó với bài toán về giá. Cụ thể, chi phí trung bình của sữa thành phẩm ở Việt Nam hiện khoảng 1,4 USD/lít, vẫn cao hơn mức 1,2-1,3 USD/lít ở New Zealand và Australia. Trong khi đó hãng tin Bloomberg đánh giá, ngành công nghiệp sữa của New Zealand có thể tiết kiệm được 102 triệu USD mỗi năm nhờ việc giảm và xóa bỏ thuế sau TPP.
Dẫu vậy thị trường sữa Việt Nam có dư địa đủ lớn để các doanh nghiệp nội đủ bình tĩnh để tìm ra lợi thế của mình để cạnh tranh. Có thể thấy thị trường sữa đang có những bước phát triển nhanh chưa từng thấy trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, ngành này tăng trưởng 17%/ năm trong giai đoạn 2011 -2015.
Con số kỷ lục này được dự báo sẽ bị phá trong thời gian ngắn sắp tới. Đơn giản vì ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Hãng nghiên cứu The Neilsen đưa ra thông tin, trong ngân sách người tiêu dùng chi cho mặt hàng tiêu dùng ở thành thị thì sữa chiếm 32%.
Theo Euromonitor International, chỉ riêng trong năm 2015, ngành sữa Việt Nam đã ghi nhận mức sản lượng sữa các loại cao nhất từ trước đến nay, với 97,3 nghìn tấn sữa bột và 1.103,8 triệu lít sữa tươi.
Gia tăng đầu tư sữa nước là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam khi mà 75% thị phần mảng sữa bột hiện nay thuộc về các doanh nghiệp ngoại và để lật đổ là điều không thể. Vì vậy sữa tươi đang là cứu cánh cho doanh nghiệp nội trên thị trường sữa Việt Nam.
Bài học từ sự cạnh tranh quyết liệt sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và họ sẽ học được cách chiến thắng trong môi trường khắc nghiệt nhất.
Dù sao các doanh nghiệp sữa Việt Nam cũng không phải không có cơ sở khi đặt kỳ vọng như vậy, bởi nhìn một cách lạc quan nhất thì triển vọng của ngành sữa Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Trong đó, ba yếu tố gồm: dân số đông, thu nhập bình quân tăng, mức sống tăng sẽ giúp cho ngành sữa của Việt Nam những năm tới tiếp tục tăng trưởng tốt, ước khoảng 9%/năm và đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Khối nội mạo hiểm với đàn bò
Sữa nước là vũ khí gần như duy nhất của các doanh nghiệp nội nên việc phát triển vùng nguyên liệu đang được đẩy mạnh hết sức có thể. Đa phần các doanh nghiệp hiện đang tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của riêng mình dưới nhiều hình thức nhằm giải quyết nhược điểm lớn nhất của ngành sữa Việt Nam - thiếu hụt nguyên liệu.
Theo Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ đạt 660 triệu lít, đáp ứng 35% nhu cầu tới năm 2015, 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025.
Như vậy cuộc đua đàn bò đang là mục tiêu chính của doanh nghiệp nội. Tuy nhiên điều này cũng mang theo nhiều rủi ro. Theo nhiều chuyên gia đến từ Ireland thì việc chăn nuôi bò trong chuồng với cách chăm sóc như hiện nay tại Việt Nam có thể khiến chi phí nuôi bò theo mô hình này đắt gấp 4 lần so với cách chăn thả tự nhiên.
Mới đây, trong sự kiện ra mắt một thương hiệu sữa mới tại thị trường Việt Nam, bà Fiona Quinn, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam cho biết: “Tại Ireland, cỏ phát triển xanh tốt gần như quanh năm. Trong khi nhiều nước trên thế giới, nông dân thường trồng ngũ cốc, cắt cỏ, trữ cỏ và sau đó cho bò ăn trong chuồng. Chăn nuôi theo mô hình này chi phí sẽ đắt hơn 4 lần nuôi bò bằng cách truyền thống là chăn thả tự nhiên”.
Nếu những chia sẻ trên là đúng thì các doanh nghiệp nuôi bò sữa Việt Nam có thể phải tính lại bài toán của mình. Vì với những doanh nghiệp chỉ đơn thuần chăn nuôi bò sữa làm nguyên liệu chế biến, sắp tới sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.
Thực tế hiện nay cho thấy, giá thu mua sữa tươi ở Việt Nam đang ở mức khoảng 13.000 đồng/lít, cao gấp đôi so với giá của sữa lỏng hoàn nguyên. Trong khi tại Autralia, New Zealand hay Ireland… giá sữa nguyên liệu chỉ ở mức 8.000 đồng/lít.
Việc giá sữa nguyên liệu tại nhiều quốc gia trên thế giới rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam không có gì khó hiểu khi mà với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, các quốc gia này không phải đầu tư nhiều cho hệ thống trang trại, trong khi sản lượng sữa thu mua được nhiều và chất lượng sữa cao.
Tại Việt Nam, không chỉ các doanh nghiệp sữa mà không ít những người kinh doanh ngoài ngành hiện cũng đã đầu tư nuôi bò lấy sữa với số lượng lớn. Có thời điểm, việc đầu tư nuôi bò sữa rộ lên như một phong trào để rồi ngay sau đó, điệp khúc nông dân đổ sữa đi vì giá rẻ lại tiếp diễn.
Các doanh nghiệp nội đang mở rộng vùng nguyên liệu. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới nhất cho thấy, hiện tại đàn bò sữa Việt Nam đã ở mức 253.700 con. Trong đó, của Vinamilk là 130.000 con, còn TH True MILK khoảng 45.000 con. Đó là chưa kể đến những tên tuổi khác như IDP, FrieslandCampina, Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai… và một vài doanh nghiệp ngoài ngành đang ấp ủ dự định sẽ nhập bò sữa về nuôi trong thời gian không xa.
Hiện, nguồn cung trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu sữa tươi và theo quy hoạch đến năm 2020 của ngành chăn nuôi, số lượng bò sữa sẽ đạt khoảng 300.000 con. Đây là căn cứ cho cuộc chạy đua về số lượng đàn bò của các doanh nghiệp đang tham gia sân chơi này.
Tuy nhiên, nếu phát triển nóng, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào tình cảnh cung vượt cầu. Và sắp tới đây, khi các hiệp định thương mại được ký kết và thuế quan còn 0%, sữa nguyên liệu thế giới với lợi thế giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam gây sức ép lớn cho doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước.
Nói như vậy không có nghĩa là những doanh nghiệp đang đầu tư mạnh tay cho chăn nuôi bò sữa như là sai về mặt chiến lược. Việc nuôi bò có thể không phải cân đối nguồn nguyên liệu mà việc sở hữu số lượng đàn bò lớn càng giúp doanh nghiệp này tạo hiệu ứng tốt cho công tác làm thương hiệu. Còn với những doanh nghiệp đơn thuần chăn nuôi bò sữa làm nguyên liệu chế biến, sắp tới rất có thể phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.