Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng các tình huống ở Bắc Giang

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng hỗ trợ Bắc Giang dập dịch. Hiện nay, hơn 26.000 sinh viên, giáo viên các trường y khoa đã đăng ký lên đường chi viện.

Sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch, chiều 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến Bắc Giang để trực tiếp nghe địa phương báo cáo tình hình. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tỉnh nêu rõ những việc đã làm tốt, việc chưa làm được, nguyên nhân và dự báo tình hình cùng các giải pháp, kiến nghị.

Nhấn mạnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, lo cho giáo dục và đào tạo để kết thúc năm học trọn vẹn là những nhiệm vụ cấp bách, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đi thẳng vào vấn đề, bỏ các thủ tục rườm ra, làm việc khẩn trương. Sau cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng sẽ đến thăm bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang.

Dịch khó có khả năng lan rộng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến trưa nay, Bắc Giang đã ghi nhận 1.927 ca bệnh. Còn ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, cho biết tổng số F1 là hơn 15.800 trường hợp và F2 là 65.850 người.

Lãnh đạo tỉnh đánh giá ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 7 ca mắc, đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.

Còn ổ dịch tại khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) từ 8/5 đến nay có 351 trường hợp F0, đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn phát sinh một số trường hợp chuyển từ F1 sang F0 trong khu vực cách ly, phong tỏa.

san sang dap ung cac tinh huong o Bac Giang anh 1

Bắc Giang đang là địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn nhất cả nước. Ảnh: Phạm Thắng.

Đối với khu công nghiệp Quang Châu, ổ dịch này được phát hiện tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam từ ngày 14/5, có số lượng ca dương tính cao, diễn biến phức tạp. Đến nay, đã có 1.524 trường hợp F0.

Ngoài các ổ dịch trên, đã xuất hiện một số trường hợp F0 không phải là công nhân trong các khu công nghiệp do lây từ công nhân sang người nhà, người có tiếp xúc gần; các ca bệnh mới phát hiện đều ở các địa phương đã được phong tỏa, cách ly y tế.

Đây là đợt dịch nguy hiểm, virus là chủng của Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao và lan rộng nhanh; mặt khác dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên kiểm soát khó khăn do có mật độ công nhân tập trung lớn, làm việc trong môi trường kín, di chuyển rộng, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, sống cùng trong các khu nhà trọ, tốc độ lây lan nhanh”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết.

Ngày 27, 28/5, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng ở mức cao do tỉnh đang tổng rà soát xét nghiệm lại số công nhân ở các thôn có nguy cơ cao (lần 3) và số F1 trong khu cách ly tập trung ở Việt Yên.

Địa phương dự báo trong những ngày tới, số lượng ca F0 tiếp tục tăng do đang tập trung xét nghiệm lần 3, lần 4 tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao.

Qua kết quả xét nghiệm nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao. Song các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng cũng đã trong các khu vực cách ly, phong tỏa nên khó có khả năng lan rộng.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại trong 10 ngày tới

Nêu kiến nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống dịch. Ngoài 470 tỷ để mua vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, thực hiện các hoạt động phòng chống dịch và xử lý môi trường y tế, tỉnh dự kiến chi khoảng 30 tỷ đồng để hỗ trợ công nhân, người già, trẻ em bị nhiễm Covid-19.

san sang dap ung cac tinh huong o Bac Giang anh 2

Các doanh nghiệp ở Bắc Giang đang gấp rút hoàn thiện các quy trình sản xuất an toàn để hoạt động trở lại. Ảnh: Việt Linh.

Báo cáo về khó khăn khi ứng phó với đợt dịch này, tỉnh Bắc Giang thừa nhận chưa có kinh nghiệm ứng phó khi lần đầu xuất hiện dịch trong khu công nghiệp. Giai đoạn đầu, năng lực xét nghiệm của tỉnh còn hạn chế, lực lượng y tế mỏng không đáp ứng được tiến độ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, còn vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng thiếu, năng lực điều trị Covid-19 hạn chế.

Về việc sớm đưa các doanh nghiệp trở lại sản xuất, đến ngày 29/5, đã có 2 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỉnh ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất ít, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu (Apple, Samsung, Honda, Toyota) và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại.

Điều kiện là công nhân phải được chính quyền địa phương xác nhận kiểm soát nguồn lây và có kết quả xét nghiệm RT-PCR 2 lần âm tính với Covid-19, trong đó lần gần nhất trước ngày đi làm trở lại một ngày. Các doanh nghiệp phải tổ chức cho người lao động sinh hoạt, lưu trú tại ký túc xá hoặc nơi ở tập trung trong doanh nghiệp. Trong thời gian sản xuất khi dịch còn diễn biến phức tạp, người lao động không được tiếp xúc cộng đồng. Các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất được hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân.

Dự kiến đến 31/5, có thêm 2 doanh nghiệp khác có thể sản xuất trở lại. Các doanh nghiệp khác đang gấp rút hoàn thiện các quy trình sản xuất an toàn, dự kiến hoạt động trở lại trong khoảng 10 ngày tới.

Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng các tình huống ở Bắc Giang

Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để vận hành hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại tỉnh Bệnh viện Tâm thần dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sau 3 ngày nữa.

Ngoài thiếu trang thiết bị y tế và không đủ bác sĩ hồi sức, ông Dương Văn Thái mong muốn được hỗ trợ thêm sinh phẩm, kit test nhanh và vật tư, hóa chất phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.

san sang dap ung cac tinh huong o Bac Giang anh 3

Nhiều đơn vị, địa phương đã cử lực lượng đến hỗ trợ Bắc Giang dập dịch. Ảnh: Việt Linh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 1.400 nhân viên y tế, sinh viên học sinh, các trường ĐH y khoa, có lực lượng quân đội, công an tham gia mọi mặt trận chống dịch ở Bắc Giang.

Trong thời gian tới, dịch ở Bắc Giang có thể lan rộng. Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng, hoàn toàn chủ động để hỗ trợ Bắc Giang. Sau lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 27/5, hơn 26.000 sinh viên, học sinh, giáo viên các trường y khoa đăng ký sẵn sàng lên đường.

Về điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân nặng, 2 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang hỗ trợ Bắc Giang. Trong tình huống mở rộng đơn vị hồi sức tích cực ở Bệnh viện Tâm thần công suất 100 giường, Bộ Y tế sẽ điều Bệnh viện Trung ương Huế ra hỗ trợ.

Hiện nay, với điều kiện nắng nóng khắc nghiệt 35-37 độ C, một số sinh viên hỗ trợ chống dịch bị ngất khi mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Bộ phận thường trực đặc biệt đã chỉ đạo lực lượng lấy mẫu làm việc sáng sớm và chiều tối để đảm bảo sức khoẻ.

Về việc này, Thủ tướng chỉ đạo việc lấy mẫu xét nghiệm cần chia thành nhiều ca, xét nghiệm cả ban đêm để tránh thời tiết khắc nghiệt.

Thủ tướng: Tổng tiến công toàn diện, toàn lực để dập dịch

Nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng yêu cầu “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch.


Xuất hiện chủng nCoV Anh lai Ấn Độ

“Chúng tôi phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng của Ấn Độ và Anh", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.

Hoài Thu - Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm