Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế gửi báo cáo về tác hại của rượu, bia đến điện thoại người dân

Tác hại của rượu, bia chỉ có thể được kiểm soát khi mỗi người tự thay đổi hành vi sử dụng đồ uống có cồn, trên cơ sở nhận thức rõ các hệ quả.

Ít ngày tới đây, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được đưa ra biểu quyết thông qua tại Quốc hội. Dù kết quả như thế nào, tác hại của rượu, bia chỉ có thể được kiểm soát khi mỗi người tự thay đổi hành vi sử dụng đồ uống có cồn, trên cơ sở nhận thức rõ các hệ quả.

Và những thông tin y khoa về tác hại của rượu, bia được Bộ Y tế cung cấp đến người dân đang làm nên “cuốn cẩm nang tiêu dùng” hữu ích.

Đạo luật “thất bại” khi cấm đồ uống có cồn

Ngày 18/12/1917, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua bản Tu chính án 18, nghiêm cấm “sản xuất, bán hoặc vận chuyển các loại đồ uống có cồn độc hại nhằm mục đích giải khát”. Văn bản sửa đổi Hiến pháp này được đa số tiểu bang phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/1919 trong sự vui mừng của những người ủng hộ, vốn cho rằng việc uống rượu, bia gây ảnh hưởng đến đời sống gia đình, làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.

Bất chấp sự phản đối của Tổng thống, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Volstead, quy định việc thi hành lệnh cấm. Một đơn vị thực thi đặc biệt được thành lập, phá hủy hàng nghìn tháp chưng cất bất hợp pháp chỉ trong 6 tháng đầu tiên.

Tuy nhiên, rượu lậu vẫn tồn tại và các tổ chức tội phạm liên tục phát triển nhằm phân phối đồ uống có cồn. Mặc dù ngân sách nhà nước được bù đắp bởi khoản thuế thu nhập do người dân đóng góp (theo Tu chính án 16, có hiệu lực trước khi luật cấm rượu cồn được khởi xướng 4 năm), song chi phí cho việc chống rượu lậu và tội phạm liên quan vẫn vượt quá khả năng của chính quyền các tiểu bang.

Thất bại trên khiến lệnh cấm mất đi sự ủng hộ. Năm 1933, Quốc hội ban hành Tu chính án 21 với nội dung bãi bỏ Tu chính án 18, chấm dứt 13 năm cấm đoán rượu cồn. Đây là lần duy nhất trong lịch sử lập pháp Hoa Kỳ, một Tu chính án bị xóa bỏ khỏi Hiến pháp.

tac hai cua bia ruou anh 1
Nhóm người đòi xóa bỏ đạo luật cấm đồ uống có cồn ở Hoa Kỳ, năm 1933.

Chính sách hạn chế sản xuất cũng từng được áp dụng với loại rượu Vodka nổi tiếng. Năm 1984, giá bán Vodka đã tăng gấp 3 lần so với trước đó, đồng thời chính quyền Liên Xô đưa ra chính sách cắt giảm 75% sản lượng sản xuất rượu, bia. Quyết định này nhằm hạn chế tình trạng bệnh tật, tội phạm và đổ vỡ hôn nhân.

Song, trái với mong muốn ban đầu, “chợ đen” đã xuất hiện để phục vụ nhu cầu đối với loại rượu chứ danh. Loại đồ uống có cồn không bảo đảm chất lượng thậm chí còn khiến cho số người chết gia tăng. Sau 3 năm, chiến dịch hạn chế việc uống rượu đã chấm dứt.

Việt Nam đã từng ban hành lệnh cấm rượu vì mục đích cứu đói

Sau khi thành lập nước Việt Nam mới, một trong những chính sách đầu tiên được ban hành là cấm rượu. Ngày 10/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 57 “cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ rượu ta chế tạo bằng ngũ cốc”. Quyết định này nhằm giải quyết vấn đề cấp bách nhất lúc bấy giờ là cứu đói. Trước đó, khoảng 2 triệu đồng bào đã chết trong nạn đói năm Ất Dậu 1944-1945, khi thực dân Pháp và phát xít Nhật tăng cường tích trữ lương thực, cưỡng ép người Việt Nam bỏ lúa, trồng đay để phục vụ cho cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc.

Phong trào “Hũ gạo cứu đói” được chính quyền mới khởi xướng đồng thời. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người đói.

Ngày 24/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành sắc lệnh 72, bãi bỏ sắc lệnh 57. Lệnh cấm rượu chỉ tồn tại khoảng 6 tháng, trong lúc chờ đợi thu hoạch lương thực, phải tiết kiệm gạo để cứu đói.

tac hai cua bia ruou anh 2
Sắc lệnh 57 cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ rượu và hình ảnh người dân Hà Nội hưởng ứng phong trào cứu đói, tháng 11/1945.

Năm 1966, vấn đề nấu rượu được đề cập trong một quy định nhà nước. Ngày 13/10/1966, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái phép. Pháp lệnh chỉ nhắm tới loại rượu được nấu “lậu”. Mục đích lúc này là dành phần lương thực đó cung cấp cho bộ đội ở tiền tuyến.

Để đáp ứng nhu cầu rượu hiện thời, Chính phủ đã đưa ra biện pháp cải tiến sản xuất ở nhà máy quốc doanh. Riêng với đồng bào miền núi, sinh sống ở nơi có khí hậu rét, khó khăn trong vận chuyển rượu thì chú trọng vận động đồng bào giảm nấu rượu lậu, tiết kiệm lương thực.

Các cuộc chiến tranh kết thúc, người dân lại có thể tự do nấu rượu. Nghị định hiện hành về sản xuất, kinh doanh rượu quy định việc cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, nếu tổ chức và cá nhân bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Giải pháp truyền thông khác biệt cho vấn đề rượu, bia

Nhìn lại lịch sử để thấy rằng những biện pháp mạnh mẽ nhất đều đã từng được áp dụng đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam. Nhưng, các chính sách đều có hiệu lực trong thời gian nhất định và nhằm mục tiêu cấp thiết hơn như cứu đói, nuôi bộ đội đang bảo vệ đất nước.

Sau vài thập kỷ, rượu, bia lại trở thành chủ đề thảo luận nóng. Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng một dự án luật mà cái tên phần nào nêu lên mục đích - “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, tác hại của rượu, bia là nội dung trọng tâm của một đạo luật.

tac hai cua bia ruou anh 3

Lượng thông tin dày đặc trên truyền thông thể hiện rõ hai luồng quan điểm rõ rệt: Quan điểm khoa học, trích dẫn các nghiên cứu thực chứng về tác hại của rượu, bia; Quan điểm uống rượu, bia là văn hóa, cần uống có trách nhiệm. Điều đó buộc các nhà làm luật phải tìm ra điểm dung hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong một dự luật chưa từng có tiền lệ.

Thị trường chợ đen, tội phạm buôn bán rượu bất hợp pháp, số người chết gia tăng do dùng đồ uống có cồn không bảo đảm chất lượng… là thực tế đã diễn ra tại Hoa Kỳ và Liên Xô khi đạo luật được ban hành thiên lệnh về một luồng quan điểm. Bên cạnh đó, chi phí để giải quyết tình trạng nấu rượu lậu và nhập khẩu đồ uống có cồn thông qua con đường phi chính thức sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách.

Giữa lúc tranh luận diễn ra gay gắt, Bộ Y tế đã chủ động cung cấp trực tiếp thông tin liên quan đến dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến người dân. Theo dõi Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, sẽ thấy trích đăng rất nhiều nghiên cứu y khoa về tác hại của rượu, bia. Những thông tin tương tự còn được Bộ Y tế gửi đến điện thoại của người dân thông qua Zalo.

Một số nội dung được phát đi trong thời gian qua: “Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm”, “Rượu bia làm gia tăng bạo lực gấp 6 lần ở trẻ”, “Lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động”. Tận dụng số lượng người dùng lớn trên Zalo với nhiều “group nhậu” để tăng tương tác giữa Bộ Y tế và người dân, tạo sự thấu hiểu và tin tưởng về phương diện y khoa,… có thể là những điều khiến một cơ quan trực thuộc Chính phủ lựa chọn cách thức truyền tải thông tin mới này.

Thông qua Cổng thông tin điện tử và Zalo, nhiều thông tin bổ ích cho việc chăm sóc sức khỏe đã được chia sẻ. Thời điểm liên tiếp xảy ra tai biến sau tiêm chủng hồi năm 2018, Zalo của Bộ Y tế đã trở thành kênh thông tin quan trọng, góp phần xóa tan các nghi ngại về chất lượng vắc xin.

tac hai cua bia ruou anh 4
Những thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và Zalo của Bộ Y tế.

Bài học quá khứ cho thấy, cấm rượu, bia không phải là giải pháp hiệu quả. Dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này hay không, với những điều khoản cụ thể ra sao… việc sử dụng rượu, bia như thế nào vẫn là quyết định của từng người.

Tác hại của rượu, bia chỉ có thể được kiểm soát khi mỗi người tự thay đổi hành vi sử dụng đồ uống có cồn, trên cơ sở nhận thức rõ các hệ quả. Việc truyền thông về dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Bộ Y tế có ý nghĩa đó, quan trọng như một “cuốn cẩm nang tiêu dùng”.

Cuốn cẩm nang về tác hại của rượu, bia đã tới máy điện thoại, ứng xử như thế nào phụ thuộc vào người cầm trên tay chiếc điện thoại ấy.

Vương Quân

Bạn có thể quan tâm