Giải thích tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công an sáng 4/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bởi luật hiện hành đã có quy định.
Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến ngày 3/6 thì không phương án nào quá 50%.
Chủ tịch Quốc hội: "Không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây TNGT bởi luật hiện hành đã có quy định". Ảnh: Minh Quân. |
Bà nhấn mạnh việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không xử phạt tài xế uống rượu, bia.
“Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành”, bà Ngân nói.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP.HCM), phương án "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" nếu được thông qua sẽ dẫn đến việc thay đổi luật hiện hành.
Khoản 8, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên, hành vi điều khiển môtô, xe gắn máy chỉ bị nghiêm cấm khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở.
Nghị quyết 46/2016 của Chính phủ tiếp tục phân định rõ sự khác biệt trong việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn của tài xế xe máy và ôtô.
Với tài xế ôtô, chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở) thì sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng thời tước giấy phép lái xe 1 đến 3 tháng. Hình phạt tăng dần tương ứng với nồng độ cồn đo được.
Với xe máy, tài xế chỉ bị phạt khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.
Như vậy, việc cấm uống rượu bia khi lái xe hiện không tuyệt đối hóa với tài xế xe máy. Họ có thể uống rượu bia "ở mức cho phép" (khi liều lượng rượu, bia tạo ra nồng độ cồn dưới 0,25 mg/1 lít khí thở). Điều này trở lên mâu thuẫn với khẩu hiệu "Đã uống rượu bia, không lái xe" đang được lan truyền trong xã hội.
Trong một bài phỏng vấn trên Zing.vn, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, đã nhiều lần nhắc đến khẩu hiệu này với mong mỏi cả xã hội cùng chung tay thực hiện để hạn chế tai nạn giao thông.