Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có người vu khống động cơ của đại biểu khi bàn về luật rượu, bia

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, có một số tổ chức, cá nhân xuyên tạc, vu khống động cơ của đại biểu trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đa số ý kiến đại biểu phản ánh về tình trạng luật chưa đảm bảo chất lượng, chưa đi vào cuộc sống. Nhiều tài liệu luật xin ý kiến đại biểu được trình chậm, chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Loại lợi ích nhóm khỏi công tác xây dựng luật

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, nguyên Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) nêu bất cập trong khâu tiếp thu ý kiến, chỉnh lý luật để trình Quốc hội thông qua, nhiều vấn đề về chính sách pháp luật mà đại biểu Quốc hội đã phân tích rất rõ về tính bất cập, tính trái pháp luật, nhưng vẫn không được tiếp thu.

Ông Bộ nêu ra 4 nguyên nhân của tình trạng này. Thứ nhất, chất lượng thẩm định một số dự án luật chưa tốt. Thứ hai là thái độ tiếp thu của một số ban soạn thảo còn kém, còn vì lợi ích bộ, ngành.

trach nhiem cua Quoc hoi anh 1
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: Minh Quân.

“Cá biệt, có trưởng ban soạn thảo nói báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cho rằng đúng pháp luật rồi thì đại biểu Quốc hội chúng tôi gần như không được nói là trái pháp luật. Đây là ngầm hiểu của một số bộ trưởng. Chúng tôi cho rằng như vậy là vi phạm quy định tại điều 65 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Bộ phân tích.

Thứ ba, “đến đoạn tiếp thu chỉnh lý, một số bộ chỉ cử cán bộ cấp phòng sang”.

Và nguyên nhân thứ tư là có sự thỏa hiệp, nể nang của ủy ban thẩm tra, nên thay cho phản biện dự thảo một cách khoa học, khách quan thì lại đi chứng minh vấn đề đó đại biểu đã phát hiện là trái luật.

Do đó, để nâng cao chất lượng xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị cần bố trí đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu dự thảo luật, để đại biểu tranh luận đến cùng, ít nhất là ngã ngũ các quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý của điều khoản luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo luật, pháp lệnh không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần phát huy tính phản biện, tranh luận của đại biểu Quốc hội.

trach nhiem cua Quoc hoi anh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Minh Quân.

Theo nữ đại biểu, với tư duy phản biện, mặt trái của chính sách sẽ được nhận biết và cân nhắc, nhờ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực của chính sách.

“Tinh thần phản biện cũng sẽ góp phần phát hiện, loại bỏ lợi ích nhóm ra khỏi công tác xây dựng pháp luật, để phòng ngừa tham nhũng chính sách - loại tham nhũng nguy hiểm nhất”, bà Thúy nói đồng thời đề nghị Quốc hội đảm bảo môi trường thảo luận dân chủ của đại biểu, chấn chỉnh những hành vi đi ngược lại nguyên tắc hoạt động của Quốc hội.

Nữ đại biểu dẫn chứng trong quá trình thảo luận Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa qua, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân thay vì đưa ra những lý lẽ, chứng cứ để thuyết phục đại biểu Quốc hội thì lại có hành vi xuyên tạc, vu khống động cơ phát biểu của đại biểu, nhằm hạ uy tín của đại biểu, giảm vai trò và tiếng nói của Quốc hội.

Đề nghị luật hóa việc cán bộ từ chức khi không đủ uy tín

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Quốc hội nên ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật triển khai thực hiện các nghị quyết của hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ví dụ, nghị quyết Trung ương nêu rõ cán bộ nếu thấy mình sai, không còn đủ uy tín thì nên từ chức. Nhưng thực tế từ khi ra đời tới nay, đặc biệt qua vụ gian lận thi cử trầm trọng vừa qua vẫn không thấy ai xin từ chức.

“Vì vậy, tôi mong Quốc hội có thể luật hóa yêu cầu này”, ông Trí nói.

Trong khi đó, đại biểu biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng thời gian qua việc tổ chức lấy ý kiến xây dựng luật trong nhiều dự án luật chưa hợp lý. Hệ quả là các bộ luật tác động rất lớn đến đời sống người dân nhưng không đáp ứng được nguyện vọng nhân dân, thực tiễn đời sống không được luật cụ thể hóa, quá trình áp dụng nảy sinh nhiều bất cập...

Ông Việt đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật thời gian tới dự án luật về thực hiện dân chủ sơ sở. Đồng thời đề nghị Quốc hội sớm đưa vào nghị trình một dự án luật liên quan đến công tác phê bình và tự phê bình để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ.

Quốc hội thống nhất khung giờ cấm quảng cáo rượu, bia

Quốc hội tán thành quy định khung thời gian cấm quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian 18-21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình thiếu nhi.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm