Ngày 14/2, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trả lời Công văn số 353/BVHTTDL-VHCS ngày 28/1 về việc góp ý dự thảo Công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTTDL cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo một số nội dung. Trước hết, việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Bên cạnh đó, nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Do vậy, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí,…).
"Với người tham dự cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vaccine đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…)", Bộ Y tế lưu ý.
Đồng thời, địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế hoạch dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).
UBND TP.HCM đã cho phép cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1. Ảnh: Chí Hùng. |
Trước đó, Bộ VHTTDL có dự thảo công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau thời gian tạm đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Xây dựng phương án cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được hoạt động trở lại khi đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ.
Bộ này cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức triển khai phương án kiểm tra, rà soát, thẩm định và chỉ cho phép hoạt động đối với cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và kịp thời điều chỉnh hoạt động của các đơn vị phù hợp với cấp độ dịch ở địa phương.
"Yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế về phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường", Bộ VHTTDL đề nghị.
Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, quản lý, chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Hiện, TP.HCM và nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... đã cho phép mở lại các dịch vụ karaoke, vũ trường, massage...
Vào tháng 1, trả lời Zing, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng bar, karaoke vẫn là những loại hình dịch vụ chưa được cho phép ở Hà Nội và gần như chắc chắn từ giờ đến qua Tết Nhâm Dần 2022, quyết định này không thay đổi.
Theo ông Tuấn, các loại hình này vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá cao, trong khi ca bệnh trong cộng đồng còn rất nhiều. Nếu có ca nhiễm tham gia vào các hoạt động này, nhiều khả năng những người còn lại cũng lây nhiễm do đây là không gian kín.
"Sở dĩ TP.HCM quyết định mở có thể do miễn dịch cộng đồng ở đây đã tương đối cao, tức là số người mắc trước đó cao hơn rất nhiều so với Hà Nội", ông Tuấn nói.