Nhiều chủ quán karaoke tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam vừa có đơn kiến nghị đến chính quyền thành phố và tỉnh Quảng Nam về việc xin hoạt động trở lại.
Ông Trần Anh Tuấn, chủ quán karaoke Ruby tại TP Tam Kỳ, cho biết đây lần thứ 3 ông và hơn 10 chủ quán karaoke ký đơn kiến nghị gửi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xin được mở cửa đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Ông Tuấn cho hay từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh karaoke ảnh hưởng, hơn 9 tháng tạm dừng hoạt động. Năm 2021, các cơ sở lại tiếp tục tạm dừng hoạt động hơn 8 tháng tháng.
"Tôi đầu tư hơn 13 tỷ đồng từ số tiền vay ngân hàng để mở quán karaoke, tuy nhiên 2 năm nay phải tạm dừng liên tục do dịch Covid-19. Tôi phải cố gắng trong 2 năm qua để trang trải chi phí vay ngân hàng, trả tiền nhân viên nhằm duy trì hoạt động. Ngoài ra, tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 45 triệu đồng. Việc dừng hoạt động gây khó khăn trong khi đã gần Tết Nguyên đán", ông Tuấn nói.
Chủ quán karaoke tại Quảng Nam kêu cứu vì ở vùng xanh, vàng vẫn không được hoạt động. Ảnh: T.Đ. |
Cũng như ông Tuấn, bà Thắm, chủ 2 quán karaoke ở TP Tam Kỳ cho biết bà đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để kinh doanh. Tuy nhiên, 2 năm qua dịch Covid-19 khiến các quán luôn trong tình trạng đóng cửa.
"Tôi vay 25 tỷ đồng để đầu tư mở quán karaoke nhưng 2 năm qua chỉ hoạt động được 7 tháng. Dừng hoạt động nhưng phải mở máy để kiểm tra để tránh ẩm mốc, hư hỏng. Tôi cũng mong địa phương tạo điều kiện mở cửa trong thời gian tới", bà Thắm nói.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết việc dừng hoạt động dịch vụ karaoke, bar, pub tại địa phương là thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Hiện nay vẫn chưa có văn bản cho hoạt động trở lại các dịch vụ karaoke, bar, pub nên địa phương không thể cho kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu thành phố vẫn có chính sách miễn giảm thuế giúp đỡ", ông Ảnh nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam rất thấu hiểu và thông cảm cho các chủ quán kinh doanh karaoke, bar, pub. Tuy nhiên, các hoạt động này là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao và các dịch vụ này không quá thiết yếu.
"Thời gian vừa qua, một số quán karaoke xuất hiện các ổ dịch Covid-19 làm khó khăn cho chính quyền trong vấn đề phòng, chống dịch, tốn nhiều kinh phí. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục thống nhất dừng các hoạt động không thiết yếu. Các hoạt động như sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu không dừng, sinh hoạt quán xá, chợ vẫn diễn ra bình thường", ông Hồng nói.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết thêm Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xin tiếp tục dừng các hoạt động này để đảm bảo an toàn.
Đối với khó khăn của các hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, pub địa phương sở tại sẽ tìm cách tháo gỡ, giảm thiệt hại về kinh tế.
Các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu như karaoke, bar tại Quảng Nam được yêu cầu dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: T.Đ. |
Trước đó, ngày 26/11/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã có công văn đề nghị các địa phương tạm dừng một số hoạt động để tập trung công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Các hoạt động karaoke, vũ trường, massage, quán bar, pub, bida, rạp chiếu phim, trò chơi điện tử công cộng từ 12h ngày 26/11/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Từ ngày 18/7 đến nay, tỉnh Quảng nam ghi nhận 7.327 ca mắc Covid-19. Trong đó, 3.515 ca bệnh cộng đồng, 3.194 ca lây nhiễm thứ phát (đã cách ly tập trung trước khi phát hiện), 444 ca xâm nhập từ các tỉnh và 174 ca nhập cảnh.
Tính đến ngày 7/1, tại tỉnh Quảng Nam có hơn 1,9 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm. Trong đó, số lượng mũi 1 được tiêm hơn 1 triệu liều (99,2%) và hơn 960.000 liều mũi 2 (87,7%).
Tại TP.HCM, Ngày 4/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1.
Các cơ sở này phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch của UBND TP.HCM. Điều kiện thứ hai là được địa phương nơi cơ sở kinh doanh trú đóng thẩm định, cho phép hoạt động.