Sáng 16/8, tiếp theo chương trình Phiên họp thứ 13, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ thực tiễn UBTVQH đã lựa chọn vấn đề công tác xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị... để lựa chọn chất vấn.
Để đảm bảo chất lượng phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ chất vấn ngắn gọn, trả lời thẳng câu hỏi, không né tránh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: VGP. |
Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn các vấn đề về giải nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thông tin ngoài những nỗ lực đã đạt được trong quy hoạch đô thị nói chung có hạn chế. Hạn chế nổi bật là chất lượng lập quy hoạch.
Trả lời câu hỏi có trục lợi hay không việc trục lợi trong việc lập quy hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết dư luận bức xúc về việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện theo lợi ích nhóm và Bộ Xây dựng sẽ xây dựng công cụ quản lý để đảm bảo quy trình chặt chẽ để tranh thủ giám sát ý kiến cộng đồng, ý kiến của người dân.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Hà nhận những hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là việc phương pháp luận, tính toán quy chuẩn, chỉ tiêu quy hoạch đô thị... Thứ hai, thủ tục trình tự có những điểm còn phức tạp, có những cái nặng về mục tiêu quản lý nhưng không thực hiện trên thực tế, thiếu tính khả thi.
Tổ hợp HH (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) - một trong những cụm công trình bị kết luận vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị. Ảnh: Anh Tuấn. |
Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... "Có những vụ việc chỉ phát hiện được sau khi báo chí, dư luận phát hiện. Có những trường hợp thanh tra rồi lại xử lý không dứt điểm", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPG. |
Về cam kết 'khi nào chấm dứt' tình trạng vi phạm quy hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề khó cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn...
Trước trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đề nghị Bộ cho biết đã xử lý trách nhiệm được cán bộ, đơn vị nào trong việc quản lý công trình sai phép, không phép?
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay Bộ Xây dựng sẽ cố gắng trong thời gian tới cùng với địa phương trực tiếp thanh tra các doanh nghiệp có sai phạm lớn. "Còn đơn vị cụ thể thì có doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có xử lý vi phạm. Còn xử lý sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP Hà Nội", ông Phạm Hồng Hà nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đặt vấn đề về việc lấn chiếm đất đai trong đô thị, có cả việc trong sân bay có sân gofl? Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận việc sử dụng đất trong đô thị còn chưa hiệu quả. "Đặc biệt chúng ta nôn nóng mở rộng quá nhiều diện tích đô thị. Cho nên trong đô thị phân tán đầu tư trên diện rộng thay vì tập trung một số khu vực trung tâm có liên kết", Bộ trưởng Hà nói.
Chia sẻ câu hỏi với Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho biết theo Luật đất đai trách nhiệm quản lý đất đai thuộc về các tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất.