Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bỏ vòng xoay Điện Biên Phủ sẽ mất hồn đô thị, chưa chắc hết kẹt xe

Vòng xoay Điện Biên Phủ là một trong số hình ảnh đặc trưng của TP.HCM, nếu để giải quyết một vấn đề giao thông mà xóa bỏ dần các hình ảnh thì đô thị sẽ mất bản sắc.

vong xoay Dien Bien Phu anh 1

Được xây dựng cách đây 20 năm, vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1) là giao điểm của đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, kết nối giao thông giữa cửa ngõ phía đông với trung tâm TP.HCM. Đây cũng là khu vực đón lưu lượng di chuyển trên trục đường Điên Biên Phủ (quận 1 nối dài đến quận Bình Thạnh) rất lớn vào giờ tan tầm.

Trước đề xuất tháo dỡ vòng xoay, lắp đèn tín hiệu để giải quyết ách tắc, các chuyên gia đều cho rằng cách làm này không phù hợp. Thay vào đó, nhà chức trách có thể tính toán lại lưu lượng xe lưu thông để đưa ra biện pháp dài hơi.

Vòng xoay là một phần bản sắc đô thị

Trao đổi với Zing, TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhìn nhận nút giao thông Điện Biên Phủ hiện nay giao với 6 ngã rẽ. Ngoài lưu lượng xe dày đặc, đặc biệt vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng không gian xung quanh cũng là yếu tố tác động đến vòng xoay này.

"Nếu gỡ bỏ vòng xoay để bố trí nút giao phân luồng bằng đèn tín hiệu thì chúng ta phải đo đếm lại lưu lượng. Nút giao tự điều khiển vẫn sẽ bị ùn ứ vào một số thời điểm, hoặc để rẽ sang các ngả hiện nay sẽ phức tạp hơn”, TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn nói.

Để giải quyết một vấn đề giao thông mà cứ xoá bỏ dần các hình ảnh của đô thị thì đô thị dần mất đi bản sắc.

TS.KTS Hoàng Ngọc Lan

Từ quan sát và trải nghiệm cá nhân, TS Tuấn đánh giá việc thường xuyên xảy ra va quẹt, ùn ứ cục bộ khi lưu thông qua vòng xoay còn phụ thuộc nhiều vào ý thức di chuyển của cộng đồng, hay hiểu nôm na là cách thức vận chuyển của người điều khiển phương tiện có vấn đề.

“Điển hình là một số trường hợp bác tài xe buýt chạy bọc ngược từ phía trong ra không đảm bảo an toàn và gây phiền hà cho người đi sau”, TS Tuấn chỉ ra và cho rằng việc không tuân thủ nguyên tắc, luật giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều xung đột, gây ùn tắc và chậm di chuyển ở vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tốn vài phút di chuyển qua vòng xoay Điện Biên Phủ vào giờ cao điểm Phóng viên Zingnews trải nghiệm qua vòng xoay Điện Biên Phủ (hướng từ cầu Sài Gòn đến giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm) vào giờ cao điểm. Thực tế chỉ mất 3-5 phút để thoát khỏi ùn tắc.

Vị chuyên gia cho rằng sự có mặt của vòng xoay giúp người điều khiển phương tiện tự vận hành, điều tiết tự nhiên và tránh các luồng xung đột. TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn nhìn nhận chưa chắc việc thay đổi vòng xoay bằng đèn tín hiệu tự điều khiển sẽ đem lại hiệu quả khi đặt trong bối cảnh giải quyết ùn ứ.

"Do đó, tôi cho rằng việc tháo dỡ vòng xoay là không phù hợp cho việc điều tiết giao thông quanh khu vực", chuyên gia nói.

Có thể nghiên cứu làm hành lang phía trong, xe lưu thông tương tự nút giao tại ngã tư Hàng Xanh.

TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn

TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, Giảng viên khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM, cho rằng vòng xoay là nút giao thông tự điều khiển, thường được bố trí tại các giao lộ có lớn hơn 4 hướng (ngã 5, 6, 7) và đóng vai trò giao giữa 2 trục chính đô thị.

Không đồng tình về quan điểm tháo dỡ, bà Lan cho rằng ngành giao thông cần tính toán lưu lượng lưu thông vào các thời điểm khác nhau để đề xuất giải pháp. Về việc lắp đèn tín hiệu, nữ chuyên gia nhìn nhận phương án không giải quyết được kẹt xe triệt để, vì vẫn sẽ dẫn đến chuyện ùn ứ giao thông trên đường do đèn đỏ (như trường hợp của khu vực đường Điện Biên Phủ tại quận 1, 3).

“Vì khu vực này cũng có nhiều ngã tư liên tiếp. Vòng xoay hiện nay là nút giao thông tự điều khiển, tốc độ xe sẽ giảm tại nút này để chuyển hướng”, chuyên gia nói.

vong xoay Dien Bien Phu anh 2

Vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Chí Hùng.

Bên cạnh chức năng giao thông, về mặt cảnh quan đô thị, TS Lan đánh giá vòng xoay là node (nút) tạo điểm nhấn cảnh quan tại các điểm giao nhau của luồng di chuyển hoặc hướng nhìn của con người, đặc biệt còn thể hiện hình ảnh đô thị.

“Với vòng xoay Điện Biên Phủ, trước đây, khi TP chưa phát triển thì đây là một nút để đánh dấu khu vực nội thành với hình ảnh chiếc đồng hồ đặc trưng, đã in dấu vào tâm trí nhiều người dân. Nếu vì để giải quyết một vấn đề giao thông mà cứ xoá bỏ dần các hình ảnh của đô thị thì đô thị dần sẽ mất đi bản sắc”, TS Hoàng Ngọc Lan cho rằng cần cân nhắc lại và tìm thêm các giải pháp để vừa giải quyết được vấn đề giao thông, vừa phải giữ được bản sắc của đô thị.

Nên có hành lang thoát xe

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho hay để hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ tại vòng xoay Điện Biên Phủ trong ngắn hạn, cơ quan chức năng sẽ thực hiện kéo dài dải phân cách tim đường Điện Biên Phủ vào hướng vòng xoay.

Sau đó, xe được tổ chức một chiều trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm theo hướng từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai góp phần giảm mật độ phương tiện lưu thông vào nút giao.

Cách thức di chuyển cũng dẫn đến nhiều xung đột, gây ùn tắc và chậm di chuyển trên vòng xoay Điện Biên Phủ.

TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn

Đồng thời, đại diện Sở GTVT cũng cho biết ngành giao thông đang xem xét việc thu hẹp vòng xoay này. Tuy nhiên, Sở GTVT đang tính toán và chạy mô phỏng giao thông để đánh giá mức độ ảnh hưởng khi thu hẹp hay mở rộng vòng xoay này.

Bàn về góc độ nên hay không đối với việc thu hẹp vòng xoay, TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn nhìn nhận việc thu hẹp vòng xoay không giải quyết được vấn đề gì.

"Bởi vì bản thân vòng xoay này không to, đường kính chỉ khoảng 60 m, trong khi diện tích dành cho lưu lượng giao thông xung quanh vòng xoay là khá rộng", TS Tuấn nói.

vong xoay Dien Bien Phu anh 3

Giờ cao điểm, lưu lượng xe đi hướng đi cầu Sài Gòn qua vòng xoay tăng, thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ. Ảnh: Chí Hùng.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ tại giao lộ Điện Biên Phủ, ông Tuấn cho rằng có thể nghiên cứu làm hành lang phía trong, người dân có thể lưu thông tương tự nút giao tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh).

Nói rõ hơn, TS Tuấn lấy ví dụ trên đường Điện Biên Phủ, có 2 hướng bắt đầu vào vòng xoay từ quận 1 về quận Bình Thạnh và hướng từ quận Bình Thạnh qua vòng xoay. Nếu có hành lang, người dân có thể đi từ phía bên kia đường mà không nhất thiết đi vào vòng xoay để quay ngược lại.

"Tại nút Hàng Xanh, người dân đi từ phía quận 1 qua ngã tư Hàng Xanh và bọc ngược lại đường Điên Biên Phủ bằng hành lang phía trong, phương tiện không nhất thiết đi qua vòng xoay", TS Tuấn chỉ ra đây là khoảng cách an toàn giúp hạn chế nhu cầu đi vào vòng xoay hay tạo ra áp lực cho vòng xoay.

Sách hay về đô thị

Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.

Xe cộ như mắc cửi quanh nút giao Điện Biên Phủ ở TP.HCM giờ cao điểm

Trước đề xuất tháo dỡ, giao thông tại vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1) được đánh giá tương đối ổn định, nhưng giờ cao điểm thường có tình trạng xe máy lưu thông hỗn loạn.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm