Dự kiến, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ chính thức vận hành thương mại từ ngày 22/12 tới đây. Những ngày này, người dân TP.HCM không giấu được sự háo hức, chờ đợi khoảnh khắc trở thành những hành khách đầu tiên.
Tri Thức - Znews sẽ giúp độc giả tổng hợp tất cả những thông tin cần biết để trải nghiệm tuyến metro số 1 này.
LỘ TRÌNH TUYẾN METRO SỐ 1 NHƯ THẾ NÀO?
Tuyến metro số 1 bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son và 11 ga trên cao.
Dự án có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, bao gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng.
METRO HOẠT ĐỘNG LÚC MẤY GIỜ?
Với tốc độ tối đa 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm), tàu di chuyển giữa các ga chỉ mất 1-2 phút. Hành trình từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên khoảng 30 phút, bao gồm cả thời gian dừng tại ga.
Trong 6 tháng đầu vận hành thương mại, tuyến metro số 1 sẽ chạy 200 chuyến từ 5h đến 22h mỗi ngày.
Trong các khung giờ cao điểm 6-8h, 11-12h và 15h30-18h, tàu sẽ hoạt động với tần suất 8 phút mỗi chuyến và sử dụng 9 đoàn tàu. Trong các khung giờ còn lại, tần suất là 12 phút mỗi chuyến với 6 đoàn tàu.
Sau khi kết thúc giai đoạn đầu, tuyến metro sẽ mở rộng thời gian hoạt động đến 23h30 hàng ngày. Trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, tần suất tàu trong giờ cao điểm là 5 phút/chuyến, giờ bình thường là 10 phút/chuyến và giờ thấp điểm là 15 phút/chuyến, với tổng số khoảng 276 chuyến/ngày.
Riêng vào các ngày cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật, kỳ nghỉ hè và các dịp lễ Tết, tần suất giờ cao điểm là 8 phút/chuyến, giờ bình thường là 10 phút/chuyến và giờ thấp điểm là 15 phút/chuyến, với tổng số khoảng 226 chuyến/ngày.
GIÁ VÉ METRO RA SAO?
Giá vé metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dao động 6.000-20.000 đồng/lượt, tuỳ phương thức thanh toán và quãng đường di chuyển.
Đối với khách mua vé ngày sẽ là 40.000 đồng (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày); vé 3 ngày là 90.000 đồng (không giới hạn số lượt đi trong 3 ngày).
Khách phổ thông mua vé tháng là 300.000 đồng (không giới hạn lượt đi trong tháng). Giá vé tháng cho học sinh, sinh viên là 150.000 đồng.
Giá vé trên đã bao gồm bảo hiểm thân thể hành khách dùng dịch vụ vận tải công cộng bằng tàu điện trên tuyến metro số 1.
Đơn vị vận hành sẽ công khai thông tin giá vé tại các ga metro, trên các phương tiện truyền thông và trang web chính thức trước khi áp dụng, giúp hành khách dễ dàng nắm bắt và mua vé nhanh chóng.
Ngoài ra, thông tin chi tiết về lịch trình, giá vé và các ga sẽ được cập nhật trên website và ứng dụng di động, hỗ trợ người dân lên kế hoạch di chuyển một cách thuận tiện và hiệu quả.
AI ĐƯỢC ĐI MIỄN PHÍ?
Trong 30 ngày đầu khi tuyến metro vận hành, tất cả hành khách dự kiến được đi tàu và sử dụng xe buýt kết nối hoàn toàn miễn phí.
Đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi, TP.HCM đề xuất hỗ trợ 100% giá vé sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện và tàu điện kết nối.
Để được miễn phí, người dân thuộc các đối tượng này cần có giấy xác nhận hoặc giấy tờ liên quan từ UBND phường/xã nơi cư trú. HURC1 sẽ cấp thẻ miễn phí để các đối tượng này sử dụng qua cổng soát vé. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần sử dụng thẻ căn cước.
THANH TOÁN VÉ ĐI METRO BẰNG CÁCH NÀO?
Khách hàng có thể thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ngân hàng, thẻ Visa/Mastercard, ứng dụng di động hoặc quét mã QR.
Sắp tới, TP.HCM dự kiến triển khai giá vé liên thông giữa metro và các phương tiện công cộng khác. Hệ thống này cho phép hành khách chuyển đổi giữa các phương tiện công cộng chỉ với một loại vé, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm thời gian chờ đợi.
Trong trường hợp hành khách mua vé từ ga Bến Thành đến ga Ba Son nhưng tiếp tục hành trình đến ga Suối Tiên, khi đến ga Suối Tiên, hành khách có thể sử dụng máy nạp tiền tự động tại ga để bổ sung số tiền chênh lệch, đảm bảo đủ chi phí cho toàn lộ trình di chuyển.
CÓ GÌ Ở CÁC GA VÀ TRÊN TÀU?
Hiện tại, các nhà ga của tuyến metro số 1 đang được trang bị đầy đủ hệ thống WiFi, giúp hành khách sử dụng các dịch vụ tiện ích với trải nghiệm tốt nhất.
Tại các lối đi và thang máy, có lối đi ưu tiên dành cho xe lăn, xe đẩy, đảm bảo người khuyết tật, người lớn tuổi và trẻ nhỏ có thể di chuyển dễ dàng. Nhân viên tại các ga luôn sẵn sàng hỗ trợ hành khách khi cần.
Trên tàu, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật và ghế ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người già được bố trí đầy đủ. Buồng lái ở hai đầu tàu rộng rãi, có cửa thoát hiểm. Cửa của các ga đều tự động đóng mở, kèm loa thông báo khi tàu đến hoặc gần đến ga.
Đối với người khiếm thính, hệ thống màn hình hiển thị tại các nhà ga và trên tàu cung cấp thông tin về lộ trình, điểm dừng, cùng các thông báo quan trọng.
Mặc dù trên tàu không có nhà vệ sinh, nhưng mỗi nhà ga đều được bố trí nhà vệ sinh sạch sẽ. Các nhà vệ sinh này được nhân viên dọn dẹp thường xuyên, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan bằng cách trang bị nhiều thùng rác.
DI CHUYỂN ĐẾN CÁC GA NHƯ THẾ NÀO?
TP.HCM đang tập trung chuẩn bị 17 tuyến xe buýt gom để kết nối với các ga metro số 1. Các tuyến buýt này vận hành dọc theo hành lang metro số 1 và đón hành khách từ các đường lân cận đến nhà ga gần nhất.
Những tuyến buýt gom này không chỉ kết nối các ga metro với khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, mà còn tới các trung tâm thương mại và các trường đại học, cao đẳng thuộc các khu vực như TP Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1...
Toàn bộ 17 tuyến xe buýt gom kết nối metro số 1 sẽ sử dụng xe điện thân thiện với môi trường, kèm hình ảnh nhận diện riêng. Người dân cũng sẽ nhìn thấy sơ đồ và lộ trình cụ thể của từng tuyến trên bảng thông tin tại các nhà ga, qua đó dễ dàng tra cứu và sử dụng dịch vụ.
Về lâu dài, thông tin tuyến buýt và các kết nối sẽ được tích hợp trên ứng dụng di động cùng hệ thống thanh toán thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi đi lại.
Ngoài 17 tuyến xe buýt mới, người dân TP.HCM cũng có thể sử dụng các tuyến buýt hiện hữu có kết nối metro, bao gồm tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152 và D4. Các tuyến này thực hiện 3.528 chuyến mỗi ngày và đều đi qua khu vực chợ Bến Thành (quận 1), nơi người dân có thể lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi.
Bên cạnh xe buýt, người dân có thể đến các ga metro bằng xe đạp công cộng. Hiện TP.HCM đã có 43 trạm xe đạp công cộng, trong đó có 3 trạm gần Công trường Quách Thị Trang (quận 1) tại các đường Hàm Nghi, Lê Lợi và Lê Lai.
Ngoài ra, hành khách cũng có thể di chuyển bằng taxi và các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Be, Xanh SM... Với xe cá nhân, các ga metro có bố trí bãi đỗ xe.
ĐƯỢC MANG HÀNH LÝ GÌ LÊN TÀU?
Khi đi metro, hành khách nên chú ý mang hành lý gọn nhẹ, đảm bảo kích thước và khối lượng phù hợp với quy định tại cửa soát vé hoặc trên tàu. Hạn chế mang theo hành lý quá to hoặc nặng để dễ dàng di chuyển và không làm phiền hành khách khác.
Nếu hành lý chứa các vật dụng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến an toàn, đơn vị vận hành sẽ báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Hành khách cũng có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại nếu gặp vấn đề liên quan đến nhân viên phục vụ trên tàu.
Nếu tàu dừng đột ngột do sự cố kỹ thuật, đơn vị vận hành sẽ sắp xếp tàu khác để khách tiếp tục hành trình nhanh nhất có thể. Nếu không khắc phục được sự cố trong thời gian ngắn, đơn vị quản lý sẽ bố trí phương tiện thay thế hoặc hoàn tiền vé cho hành khách.