Tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016" tổ chức sáng 3/3, ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, trong đợt cao điểm (từ tháng 11/2015 đến nay), Cục này phát hiện 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép.
Qua lấy mẫu phân tích, cơ quan chức năng cũng làm rõ 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép.
Về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra, Bộ NN&PTNT nhận định, khi kiểm tra đột xuất mới phát hiện được các vụ việc vi phạm.
Theo ông Việt, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49 (Bộ Công an) đã cử trinh sát thường xuyên bám sát đại bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả cho thấy, trinh sát đã phát hiện nhiều vi phạm và xử phạt hành chính doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở nhiều tỉnh thành.
Cơ quan chức năng phát hiện một doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương. Ảnh: Bảo Lâm. |
Trong khi đó, đại tá Phan Mạnh Thông - Trưởng phòng 5 (C49, Bộ Công an) nói: "Kiểm tra đợt cao điểm, chúng ta đã làm tốt nên hạn chế được trình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tới đây, chúng ta phải làm tận gốc, phải tiến hành từ cơ quan quản lý chất cấm”.
Cũng theo đại tá Thông, tình trạng kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi hiện vẫn len lỏi ở một số cơ sở nhỏ lẻ làm ăn gian dối. Vì vậy, các địa phương cần kiểm tra chặt chẽ hơn mới có hiệu quả.
Bộ NN&PTNT cho biết trong đợt cao điểm, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Hiện, trên 40 tổ chức, cá nhân là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên một 100 mã sản phẩm có dấu hiệu, nghi vấn vi phạm đã được thu thập. 13 công ty bị phát hiện xử lý, 12 đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung.
Chỉ đạo hội nghị, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, người dân đang hoang mang lúng túng trong việc sử dụng thực phẩm. Họ lo lắng không biết thực phẩm mua về được lấy ở đâu, có an toàn không.
"Nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt tay hành động quyết liệt để chỉ ra cho người tiêu dùng biết dùng thịt, cá, rau củ quả ở đâu là an toàn", Bộ trưởng Phát nói.
Vị Bộ trưởng chỉ đạo, đối với chất cấm, cơ quan chức năng không thể xử lý phần ngọn như giám sát ở các lò mổ, trang trại mà phải truy thông tin những trạng trại này lấy chất cấm ở đâu, ở công ty nào, rồi truy từ công ty đó nhập nguyên liệu chất cấm ở đâu?.
"Có như thế chúng ta mới ngăn chặn một cách hiệu quả được. Không thể làm vu vơ, làm có hứng mà phải làm tận gốc. Chúng ta phải có hành động rất cụ thể phải phối hợp tốt giữa các lưc lượng liên quan", ông Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Sở đọc lại Luật An toàn thực phẩm để làm tốt trách nhiệm quản lý. Ảnh: Thắng Quang. |
Bộ trưởng Phát đánh giá cao sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, trong công tác xử lý nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiều địa phương cho rằng công tác quản lý an toàn thực phẩm 3 ngành (nông nghiệp, y tế, công thương) trùng nhau song Bộ trưởng Phát thì không đồng ý như vậy. Ông khẳng định, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định rất rõ trách nhiệm của từng ngành.
"Tôi đề nghị các Sở NN&PTNT đọc lại điều 63, Luật An toàn thực phẩm để biết trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước về an toàn thưc phẩm, thế thì mới làm tốt được", vị Bộ trưởng yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đặt ra mục tiêu, trong 4 tháng tới phải xử lý triệt để việc sử dụng chất cấm, kháng sinh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi, trồng thực phẩm.
Điều 63 (Luật An toàn vệ sinh thực phẩm): Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
1. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối.
3. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
4. Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.