Tại cuộc họp về an toàn thực phẩm diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong đợt thanh tra cao điểm vừa qua, nguồn cung và sử dụng chất Salbutamol đã bị khống chế. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ cần lơ là một chút, tình trạng sử dụng có thể tái phát.
Theo ông Việt, chất này đã được Bộ đưa vào danh sách chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Song Bộ Y tế vẫn cho phép nhập khẩu làm thuốc cho người và một số cơ sở lạm dụng tuồn ra ngoài.
1 kg chất cấm Salbutamol có giá 1,5-1,6 triệu đồng nhưng lên đến 15 triệu đồng khi được tuồn ra ngoài. Tuy vậy, nhiều người chăn nuôi vẫn chấp nhận giá đắt mua về bởi trung bình mỗi con lợn ăn chất này cho lãi từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Salbutamol vốn là chất được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong y tế, được tuồn ra thị trường dưới dạng sản phẩm siêu tăng trọng, bung đùi, nở vai.
Chất cấm tăng giá gần 10 lần khi đến tay người dùng song vẫn được mua nhiều. Ảnh: Ngọc Lan. |
Theo ông Việt, các trang trại và lò mổ sẽ là tâm điểm để cơ quan chức năng phát hiện chất cấm. Ngoài ra, Thanh tra Bộ và C49 sẽ làm việc với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và công ty dược.
Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung nguồn lực dành 70% để thanh tra đột xuất và mạnh tay với chất cấm trong thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ và vô cơ. Sau đợt cao điểm này, cơ quan chức năng vẫn phải vào cuộc.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các vấn đề liên quan chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật không thể làm vu vơ, làm ngẫu hứng mà phải xử lý tận gốc.
"Các cơ quan chức năng cần xử lý giám sát lò mổ, nơi chăn nuôi rồi truy tận cùng nguồn lấy. Khi đã truy ra được mối này, chúng ta sẽ lần đến các nhà máy sản xuất thức ăn, từ đó biết được các công ty nhập khẩu vi phạm về buôn bán chất cấm. Có làm như thế này mới có thể ngăn chặn chất cấm trên thị trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng chất cấm
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 11/2015, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn ở mức cao. Một số chỉ số chưa có cải thiện so với năm 2014.
Phối hợp với C49 Bộ Công an, Bộ NN&PTNT đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm buôn bán, sử dụng chất cấm (Salbutamol, vàng ô) trong chăn nuôi, trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiện tại trên 40 tổ chức, cá nhân là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên một 100 mã sản phẩm có dấu hiệu, nghi vấn vi phạm đã được thu thập.
13 công ty bị phát hiện xử lý, 12 đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung.
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm là: Công ty TNHH Trường Phú (Hải Dương), Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) có sử dụng Salbutamol và Auramine. Công ty TNHH Hà Hưng (Hưng Yên), Công ty tập đoàn Minh Tâm (Bắc Ninh) có sử dụng Auramine. Công ty TNHH Thăng Long (Hưng Yên) có 11 thùng Auramine đã sử dụng.
9 tháng, 4,6 tấn chất cấm tràn vào Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2015, số nguyên liệu Salbutamol nhập vào Việt Nam là 4,6 tấn (trị giá 330.000 USD).
Ngoài ra, một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số rất lớn là 1,9 triệu bao, với trị giá lên tới 9,8 triệu USD.