Bên cạnh các kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khái quát tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, chiều 5/11.
Theo ông, kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã gây ra tổn thất nặng nề.
"Rất nghiêm trọng, nhưng không phải hình ảnh đại diện của ngành"
Bên cạnh những thành tựu, ông Long cho rằng còn những hạn chế như năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế; các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn; chưa kịp thời và chưa đủ thời gian điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh.
"Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành. Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các cán bộ y tế", ông Long nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Nguyên Phúc. |
Chia sẻ cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua, Bộ trưởng Y tế nhận định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn nhiều lần so với các biến chủng cũ.
Trong năm 2021, ông Long cho biết ngành y tế đã áp dụng nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà…
Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử cũng đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều vaccine được tiêm chủng. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
"Từ nước tiếp cận vaccine chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới", ông Long nói và nhấn mạnh vaccine là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cảnh báo mức độ lây lan nhanh của biến chủng Omicron
Nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, Bộ trưởng Y tế dự báo có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, ông Long cho rằng ngành y tế cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống dịch.
Các đại biểu dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Nguyên Phúc. |
"Dù có nghiên cứu cho thấy mức độ tăng nặng của Omicron nhẹ hơn Delta nhưng với tốc độ lây lan nhanh gấp 7 lần với người chưa tiêm, 3 lần với người đã tiêm đủ thì nếu Omicron thâm nhập nước ta sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tiếp tục tăng lên", ông Long cảnh báo.
Ông cho biết trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
"Cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch", ông Long lý giải.
Bộ kit test Covid-19 do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất. |
Cùng với đó, ông nhấn mạnh ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án liên quan; đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế; nâng cao chất lượng của y tế dự phòng và y tế cơ sở và có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm tăng phụ cấp của nhân viên y tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế khẳng định sẽ tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế.