Kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được khái quát tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 5/1.
Hội nghị có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 5/1. Ảnh: VGP. |
Lập hơn 700 trạm xá lưu động, điều động lực lượng lớn chưa từng có để chống dịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 2021 là năm thứ 2 liên tiếp thế giới phải chống đỡ, vật lộn với đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, nhất là khi làn sóng dịch với biến chủng Delta và gần đây là biến chủng Omicron lây lan nhanh. Biến chủng này cũng nhanh chóng thâm nhập Việt Nam.
Dù phải đối mặt với thách thức chưa từng có trên phạm vi cả nước khi dịch Covid-19 bùng phát, người đứng đầu Chính phủ khẳng định các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế và xã hội được đảm bảo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cho biết hội nghị lần này sẽ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra nhược điểm cùng đề ra giải pháp khắc phục, xây dựng kế hoạch phát triển trong điều kiện có nhiều khó khăn và thách thức.
Ông đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; đấu tranh hiệu quả với phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung bàn phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khái quát năm qua, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện lộ trình thức ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 và là nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới.
Phó thủ tướng chia sẻ khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine thuốc đặc trị, chúng ta buộc phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Việt Nam đã đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm xá lưu động; điều động lực lượng lớn chưa từng có, trong thời gian rất ngắn với hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Ảnh: VGP. |
Tiềm ẩn suy giảm tăng trưởng nếu không mở cửa kinh tế
Liên quan chiến lược vaccine, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.
“Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên một mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi một mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%”, Phó thủ tướng thông tin và cho biết thêm Chính phủ đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Về kinh tế, Chính phủ đã chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng trưởng năm 2021 đạt 2,58%, thu ngân sách Nhà nước vượt 16,4% dự toán, đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng.
Chiến lược tiêm vaccine Covid-19 là kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đề cập nhiệm vụ năm 2022, Phó thủ tướng nêu dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới, Phó thủ tướng cho biết dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
“Việc này có thể gây nguy cơ chậm phục hồi kinh tế. Suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế”, Phó thủ tướng dự báo.
Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, trọng tâm là triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP đầu người đạt 3.900 USD.