Tình hình dịch bệnh cũng như công tác chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm… phục vụ công tác phòng, chống dịch là những nội dung được thảo luận tại cuộc họp ngày 10/5 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tình hình dịch ở các địa phương cơ bản đã được kiểm soát.
Đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần, nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Vì vậy, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Long nhấn mạnh phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khẩn trương thực hiện. Sau khi họp với các chuyên gia, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên.
Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, phải coi xét nghiệm là trọng tâm, trọng điểm trong lúc này. Ảnh: VGP. |
“Hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7/2020). Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tổng rà soát người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong một tháng qua bằng 2 phương thức xét nghiệm: Kháng nguyên và kháng thể, chuyển từ thế ‘chạy theo’ xét nghiệm sang ‘tấn công’”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Với người nhập cảnh trong khu cách ly, ông Long cho biết sẽ xét nghiệm kháng nguyên lẫn kháng thể; dùng kháng nguyên nhanh để sàng lọc ngay ban đầu, từ đó, đưa ra các phương thức khác nhau để ứng phó.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
“Chúng ta phải dự trù, lường trước kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Chúng ta phải coi xét nghiệm là trọng tâm, trọng điểm trong lúc này
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế có ngay phương án hỗ trợ, tăng năng lực xét nghiệm cho các địa phương. Đặc biệt, Bộ cần đánh giá ngay hiệu quả các công nghệ xét nghiệm mới để đưa ra phương án, chiến lược phù hợp với từng tình huống, điều kiện thực tế; qua đó, sàng lọc, đánh giá dịch tễ trên địa bàn sớm, tiết kiệm nhất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đề nghị trên cơ sở kịch bản 30.000 ca mắc Covid-19, Bộ Y tế giao chỉ tiêu, phân vùng cụ thể để các địa phương chủ động mua sắm theo thẩm quyền. Nếu khó khăn về kinh phí, quỹ dự phòng thiếu thì báo cáo Bộ Tài chính để bố trí.
Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người mắc Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Xét nghiệm sàng lọc rẻ hơn giãn cách xã hội
Đề cập nguồn lây Covid-19, các chuyên gia đánh giá biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây nhanh hơn và lây mạnh trong môi trường kín, như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường…
PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá xét nghiệm sàng lọc “rẻ hơn nhiều” so với phải giãn cách xã hội. Ảnh: VGP. |
Theo các chuyên gia, các địa phương chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết.
Nhấn mạnh việc “xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt”, PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá giải pháp này “rẻ hơn nhiều” so với phải giãn cách xã hội một cách vô lý.
Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng
PGS.TS Trần Đắc Phu
Trong bối cảnh hiện nay, có thể có những ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng nên ông Phu khuyến cáo việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.
“Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”, ông Phu khẳng định.
Từ 6h đến 12h ngày 10/5, Bộ Y tế công bố số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục với 109 người nhiễm ở cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 ở cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay tại Việt Nam là 442, ghi nhận ở 26 tỉnh, thành.