“Về cơ bản các ổ dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát” - VTV trưa 10/5 dẫn lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng cùng ngày.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch và trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm trong trường hợp ca mắc Covid-19 tăng cao để trình Chính phủ.
Bộ Y tế được giao tham khảo thêm sinh phẩm xét nghiệm của thế giới, đồng thời nghiên cứu thêm các loại sinh phẩm mới được sản xuất trong nước và nhập khẩu để đưa ra giá thành hợp lý.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo các sở trực thuộc không để nợ đọng việc mua trang thiết bị chống dịch, đảm bảo không để thiếu kinh phí trong mua sắm sinh phẩm, thiết bị phòng dịch.
Ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 và Bệnh viện K được phun khử khuẩn ngay khi phát hiện một số ca nhiễm. Ảnh: Anh Hoàng. |
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc chống dịch của Việt Nam vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc “phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả”. Chiến dịch này đã giúp Việt Nam thành công thời gian qua.
Tại cuộc họp, các chuyên gia tập trung phân tích việc lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2 từ một số ổ dịch lớn như Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Phân tích của các chuyên gia cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 lần này có khả năng lây nhiễm nhanh, vì vậy việc xét nghiệm phải thần tốc.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế), về cơ bản, từng địa phương và cả nước đang kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Song, ông Phu lưu ý phải tiếp tục đánh giá nguy cơ xem còn các ổ dịch khác hay không, đó mới là vấn đề cần quan tâm.
“Mải chống dịch ổ này mà bỏ lơ ổ dịch khác thì rất nguy hiểm. Như vừa qua chúng ta đã chống dịch nhưng chúng ta lại không để ý đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang có nguy cơ cao”, ông Phu dẫn chứng.
Vị chuyên gia nhấn mạnh lần này, chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có thời gian lây nhiễm rất nhanh, chỉ trong 1-2 ngày các trường hợp F1 nhanh chóng thành F0, và cũng chỉ trong vài ngày, F2 trở thành F0 nên chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Trưa 10/5, Bộ Y tế ghi nhận 32 ca mắc Covid-19, trong đó 31 ca ở cộng đồng và một ca nhập cảnh đã được cách ly. Như vậy, từ 6h đến 12h hôm nay, Bộ Y tế công bố số ca mắc cao kỷ lục với tổng cộng 109 người nhiễm ở cộng đồng, trong đó có 78 ca được ghi nhận vào sáng sớm.
Tổng số ca mắc Covid-19 ở cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay tại Việt Nam là 442, ghi nhận ở 26 tỉnh, thành.
Trong đó, Hà Nội có 141 ca (tính cả 79 ca của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 và 13 ca ở Bệnh viện K). Tiếp đó là 85 ca ghi nhận ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc có 52 ca, Đà Nẵng 49, Bắc Giang 44, Hà Nam 16, Hưng Yên 13, Thái Bình 6, Hoà Bình 5, Hải Dương 5, Lạng Sơn 4, Thừa Thiên - Huế 3, Quảng Nam 3. Đắk Lắk, Nam Định và Điện Biên mỗi tỉnh ghi nhận 2 ca.
Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM, Yên Bái, Quảng Trị, Đồng Nai, Hải Phòng, mỗi nơi ghi nhận một ca.