Sáng 9/5, trong chuyến công tác tại An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình dự họp tại điểm cầu Tây Ninh; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo) và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 dự tại đầu cầu Hà Nội. Lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tây Ninh dự họp tại các điểm cầu địa phương.
Thời điểm “nước sôi lửa bỏng”
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nên Thủ tướng phải họp khẩn cấp với các địa phương Tây Nam Bộ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Trong 10 ngày qua, cả nước đã ghi nhận 257 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tình hình diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… và có nguy cơ cao ở Khánh Hoà, Lâm Đồng.
Qua theo dõi cho thấy vẫn còn tình trạng các tỉnh lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa xảy ra dịch ở địa phương, nhưng đến khi dịch xảy ra lại hốt hoảng, thực hiện nhiều biện pháp thái quá.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử tại Cần Thơ hôm 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại hai quan điểm chỉ đạo chính trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covidd-19 và 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam. Ảnh: VGP. |
Thứ nhất là chống hai khuynh hướng - lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh. Nếu lơ là, chủ quan sẽ phải trả giá rất đắt. Nếu không may "vỡ trận", kinh tế tăng trưởng âm sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu. Còn nếu quá hoảng hốt, sợ sệt và cấm đoán hết cả cũng không tốt.
Thứ hai là chuyển trạng thái từ phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công. Theo người đứng đầu Chính phủ, tấn công tức là tăng cường sử dụng biện pháp "5K + vaccine".
Ngoài ra, Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương. Các tỉnh, thành phố, quận huyện, xã phường, tổ dân phố, ấp, thôn, bản đều phải tự lo công việc chống dịch cho địa phương mình; đặc biệt là tăng cường giám sát theo phân cấp với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".
Về sự cố một nhân viên y tế tại An Giang tử vong sau khi tiêm vaccine do sốc thuốc, Thủ tướng lưu ý phải giải thích cặn kẽ với người dân, tránh để người dân lại hốt hoảng, không dám tiêm vaccine nữa. Thủ tướng cho rằng tiêm vaccine có trục trặc nhưng không nên hoang mang, vì vaccine nào cũng có phản ứng phụ. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải hạn chế hậu quả xấu.
Lãnh đạo Chính phủ chia sẻ thời gian qua, một số quốc gia trên thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ tiêm vaccine diện rộng. Trung Quốc là một ví dụ với nền kinh tế tăng trưởng hơn 10% những tháng đầu năm. Do đó, Việt Nam cũng phải hướng tới tiêm vaccine diện rộng.
Ông cho biết hiện việc nhập vaccine rất khó khăn do tình trạng khan hiếm hàng. Bộ Y tế cũng đang "loay hoay cả tháng" chưa nhập được. Thủ tướng thông tin WHO vừa cho phép Trung Quốc lưu hành vaccine. Chính phủ sẽ cố gắng tiếp cận tất cả nguồn có thể từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản để nhập cho người dân.
Trước đó, nói về chính sách phòng, chống dịch trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia hôm 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định các địa phương "khi quá tả, lúc quá hữu", khi lơ là chủ quan, lúc hoảng hốt sợ sệt.
Ông yêu cầu các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp phải đảm bảo gọn nhất có thể, tránh tối đa tác động đến xã hội, đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu qua địa bàn.
Dịch diễn biến nhanh
Báo cáo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch lần này diễn biến khá nhanh theo chiều hướng xấu bởi có nhiều nguồn lây, nhiều chủng dịch lây lan thời gian ngắn.
Ông lưu ý tình hình xuất nhập cảnh trái phép chưa được kiểm soát triệt để nên các địa phương phải chuẩn bị tinh thần có thể phải cách ly số lượng người lớn trong thời gian ngắn.
Theo ông Long, diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng. Do Campuchia đã dỡ phong tỏa nên dự báo những ngày tới lượng người nhập cảnh cả hợp pháp và trái phép từ nước này qua Việt Nam sẽ tiếp tục tăng….
Nhận định nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn, Bộ trưởng Y tế đề nghị phải tiếp tục siết chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển và phát động nhân dân tố giác người nhập cảnh trái phép.
Các địa phương biên giới Tây Nam Bộ phải xác định tinh thần luôn luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải “coi như mình đã có dịch”; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng…
Theo đó, các tỉnh cần kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm; chuẩn bị cơ sở điều trị và các điều kiện để cách ly số lượng lớn người nhập cảnh ở ngay khu vực biên giới theo phương châm 4 tại chỗ.
Bộ trưởng Y tế đề nghị các tỉnh đảm bảo điều kiện cần thiết để chống dịch, nhất là chuẩn bị các phương án triển khai xét nghiệm trên diện rộng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nhắc lại phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải chống dịch theo cách tiếp cận mới, kết hợp hài hoà giữa phòng thủ và tấn công, trong đó tấn công là chính, Bộ trưởng Y tế đề nghị các tỉnh đảm bảo điều kiện cần thiết để chống dịch, nhất là chuẩn bị các phương án triển khai xét nghiệm trên diện rộng.
Đại diện Bộ Quốc phòng thông tin từ tháng 4 đến nay đã có hơn 2.000 trường hợp nhập cảnh trái phép từ biên giới Campuchia. Dù các cơ quan chức năng đã liên tục tăng cường kiểm soát, 24 giờ qua vẫn có thêm 22 lượt người nhập cảnh trái phép.
Còn theo lãnh đạo Bộ Công an, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng con đường nhập cảnh của chuyên gia và chính sách giải cứu nhân đạo của Chính phủ để tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép nhằm trục lợi. Bộ Công an kiến nghị Chính phủ rà soát lại để có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cảnh báo hiện tại vẫn chưa đến đỉnh dịch nên tình hình còn diễn biến phức tạp, phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng cho các kịch bản có thể xảy ra. Đặc biệt là có thể phải giãn cách xã hội diện rộng