Sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Bày tỏ sự xúc động khi quay trở lại Cần Thơ, Thủ tướng chia sẻ ông từng có quá trình làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1987 đến 1990 trước khi chuyển công tác khác. Ông Chính cho biết việc ứng cử đại biểu Quốc hội tại Cần Thơ vừa là nguyện vọng cá nhân, vừa là sự phân công của Đảng.
Trong bài phát biểu hơn 45 phút tại hội nghị, Thủ tướng dành hơn 10 phút đầu tiên để báo cáo với cử tri về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, thế giới, và các giải pháp của Chính phủ. Ông tiếp tục nhắc lại 2 chủ trương chính trong kiểm soát dịch bệnh.
Thứ nhất là chống hai khuynh hướng - lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; và lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Thứ hai là chuyển đổi trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang tấn công, trong đó, tấn công là chính để đẩy lùi đại dịch.
Dịch tái bùng phát do lơ là, chủ quan
Thủ tướng nhận định đại dịch Covid-19 phát sinh từ năm 2020 là khó lường, không thể dự báo trước. Đến nay, trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và châu Á, số người mắc bệnh do đại dịch ngày càng nhiều. Số người vào viện điều trị, chịu thiệt hại do đại dịch cũng ngày càng tăng lên. Mỗi làn sóng dịch sau lại phức tạp hơn, thiệt hại hơn và khó lường hơn trước.
Gần Việt Nam có Campuchia, Thái Lan, nhìn xa ra khu vực châu Á có Ấn Độ, Nepal, đại dịch đều đang diễn biến khó lường, tác động nhiều đến đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian chia sẻ với cử tri TP Cần Thơ về tình hình dịch bệnh. Ảnh: Thuận Thắng. |
Sau làn sóng dịch thứ 3, Việt Nam đã trải qua hơn 30 ngày không có ca mắc trong cộng đồng. Thế nhưng, vừa qua, dịch lại tái bùng phát.
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng nhất là do sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của một số địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị, trong đó có cả ngành y tế.
"Một số cá nhân không chấp hành nghiêm túc quy định của Chính phủ nên Việt Nam đang có nguy cơ rất cao xảy ra làn sóng dịch thứ 4. Đây là nguy cơ hiện hữu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào", Thủ tướng nhận định.
Ông cho biết, những tuần qua, Thường trực Ban Bí thư và Chính phủ đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để đề ra các giải pháp, nhiệm vụ nhằm phòng chống dịch tốt nhất.
Thủ tướng liên tục đưa ra cảnh báo, dự báo và nhiệm vụ, giải pháp, phân công, phân cấp để các ngành, địa phương chủ động chống dịch. Lãnh đạo Chính phủ cũng kêu gọi toàn dân cùng các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể xã hội tập trung góp sức để chống đại dịch này.
"Phải giãn cách xã hội thì rất nguy hiểm"
Hiện nay, dịch đã lan ra 19 tỉnh, thành. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thủ tướng mong TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung cần chung tay vừa phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, với bất cứ người nào. Do đó, ông kêu gọi đồng bào cả nước, trong đó có cử tri Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh có biên giới với Campuchia, nêu cao cảnh giác. Chống hai khuynh hướng là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Ông nhấn mạnh đây là lúc cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế, quy định của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần chủ động phòng chống dịch để giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự, an dân, an toàn, an ninh.
Chính phủ cũng đang chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, lấy tấn công là chính để đẩy lùi đại dịch. Cụ thể, tư tưởng vẫn là phải phòng bệnh, đề phòng, Lấy phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống là thường xuyên, đột xuất, vào cuộc quyết liệt.
Thủ tướng nhận định cần cố gắng để không dẫn đến tình trạng phải giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Theo thống kê của các nhà khoa học, cứ 10 người vào viện điều trị trên một triệu dân thì được coi là nước có dịch. Việt Nam chưa tới mức độ như vậy nhưng nếu cứ lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, không tự giác thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng có dịch, phải giãn cách xã hội thì rất nguy hiểm", Thủ tướng nhận định.
Với tinh thần đó, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi cử tri đồng lòng, nhất trí, chung tay chung sức thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu là bảo vệ cuộc sống bình yên, an dân, an toàn, ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
TP Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử với 13 ứng cử viên để bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XV (10 người do TP Cần Thơ giới thiệu, 3 người do Trung ương đề xuất). Thủ tướng Phạm Minh Chính là ứng viên ở tổ bầu cử số 1 gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Ngày 8/5, buổi sáng, Thủ tướng tiếp xúc cử tri tại Đại học Cần Thơ. Chiều cùng ngày, ông tiếp xúc cử tri tại UBND phường Phú Thứ, quận Cái Răng.
Ngoài ông Phạm Minh Chính, đơn vị này có 4 ứng cử viên khác, gồm: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ; bà Dư Thị Mỹ Hân, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Phó bí thư Thành đoàn Cần Thơ và bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ ứng cử đại biểu Quốc hội tại một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hai nhiệm kỳ trước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều ứng cử đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.